Thị trường TP. Hồ Chí Minh: Bất động sản cao cấp lấn lướt
Bước vào quý III/2015, thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh sôi động hẳn lên, đặc biệt là phân khúc bất động sản cao cấp.
Ồ ạt bung hàng
Những ngày cuối tuần qua, tại nhiều sàn giao dịch bất động sản cao cấp tại TP. Hồ Chí Minh, lượng khách hàng đến tìm hiểu mua dự án khá đông. Theo một nhân viên môi giới của Sàn Giao dịch căn hộ cao cấp Himlam Chợ Lớn tại quận 6, từ quý III/2015, lượng căn hộ cao cấp, biệt thự, nhà phố liền kề được các chủ đầu tư chào bán nhiều hơn quý I và quý II và phủ đều khắp các khu vực của Thành phố.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, các dự án tại quận 2, như Astoria, Gateway Thảo Điền, Visata Verde, căn hộ Sarimi thuộc Khu đô thị Sala Thủ Thiêm được khách hàng quan tâm nhiều nhất. Thị trường cao cấp tại quận 7 cũng đón nhận sự quan tâm lớn của khách hàng, khi mới đây Công ty Phát Đạt tung ra thị trường 528 căn hộ và 75 căn biệt thự thuộc Dự án The EverRich 3, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng giới thiệu 554 căn hộ thuộc Dự án Hưng Phúc - Happy Residence, Công ty Vạn Hưng Phát giới thiệu 150 căn hộ tại Dự án Hoàng Quốc Việt.
Ngoài ra, thị thường bất động sản cao cấp cũng sôi động nhờ vào việc Dự án Vinhomes Central Park (quận Bình Thạnh) do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư, liên tục tung ra các chương trình ưu đãi hấp dẫn. Nhiều dự án thuộc khu Đông của Thành phố, như Lucky Dragon của Novaland, Floda Anh Đào của Nam Long, The Art của Gia Hòa, The Eastern của HVK... cũng “ào ào” bung hàng, với hàng trăm căn hộ cao cấp.
Tại quận Thủ Đức, Công ty Địa ốc Sacomreal đã chính thức mở bán Dự án Jamona Home Resort, với 238 căn biệt thự nghỉ dưỡng ven sông... Dự án Himlam Chợ Lớn tại quận 6 của Công ty Him Lam Land, gồm hơn 1.000 căn hộ, đã được mở bán từ đầu năm. Công ty này cho biết, Dự án chỉ còn 400 căn và Công ty dự kiến tiếp tục mở bán các căn hộ cao cấp tại Dự án Phú Đông (quận Thủ Đức) vào tháng 10 tới.
Bà Trần Ngọc Chi, Quản lý Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn của Cushman & Wakefield - công ty nghiên cứu thị trường bất động sản của Mỹ tại Việt Nam cho biết, nguồn cầu cho phân khúc bất động sản cao cấp được cho là đang cải thiện, khi chỉ trong nửa đầu năm nay, lượng giao dịch thành công đã cao gấp đôi năm 2012 và 2013, tương đương cả năm 2014.
Vì sao sôi động?
Thị trường bất động sản Việt Nam được chia thành 3 phân khúc: nhà ở xã hội, căn hộ trung bình và khá, căn hộ cao cấp. Tuy nhiên, bất động sản cao cấp đang chiếm lĩnh thị trường với sức chào bán và tiêu thụ cao hơn.
Lý giải về điều này, ông Ngô Quang Phúc, Phó tổng giám đốc Him Lam Land cho biết, nhà ở xã hội, căn hộ trung bình và khá thường có vị trí xa trung tâm thành phố, nguồn hàng lại rất ít, lợi nhuận cho nhà đầu tư thấp, truyền thông kém. Trong khi đó, thị trường cao cấp đem lại lợi nhuận lớn, các chủ đầu tư dành nhiều tiền cho quảng bá hơn, khâu chào bán được chú trọng.
“Hơn nữa, nguồn hàng bất động sản cao cấp dồi dào hơn, vì quỹ đất dành cho thị trường cao cấp đã được chuẩn bị trước năm 2007, khi thị trường bất động sản bị “đóng băng” khiến các dự án phải nằm lại chờ thời. Giờ đây, khi thị trường bất động sản được cho là hồi sinh, các chủ đầu tư mới bắt đầu rầm rộ mở bán và thực hiện dự án, nên nguồn cung cho thị trường này nhiều hơn”, ông Phúc cho biết.
Cũng theo ông Phúc, thị trường bất động sản cao cấp tại TP.HCM sôi động hơn một phần cũng nhờ vào Luật Nhà ở mới được áp dụng từ ngày 1/7/2015, với quy định cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Theo đó, các chủ đầu tư có thêm nguồn khách hàng mới, nên đồng loạt hướng vào phân khúc này.
“Chúng tôi đã nhận được rất nhiều yêu cầu từ các nhà đầu tư quốc tế tìm kiếm các dự án có khả năng sinh lời cao, triển khai tốt và không có dấu hiệu đầu cơ tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh”, bà Trần Ngọc Chi cho biết thêm.