Thị trường vốn: Kéo tiềm năng về hiện tại


Ở bất kỳ nền kinh tế nào, thị trường vốn phát triển luôn được xem là nguồn tài trợ dài hạn cho phát triển kinh tế. Tại Việt Nam, dù cơ quan quản lý đã có nhiều cố gắng trong xây dựng và thực thi chính sách, nhưng thị trường vốn và các nguồn lực khác vẫn chưa được như kỳ vọng, đòi hỏi các chính sách, giải pháp nhanh và quyết liệt hơn.

Chứng khoán Việt Nam vẫn thiếu nhà đầu tư tổ chức
Chứng khoán Việt Nam vẫn thiếu nhà đầu tư tổ chức

Thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, thách thức

Tại một hội thảo mới đây về phát huy và nâng cao hiệu quả các nguồn lực tài chính phát triển kinh tế đất nước, nhiều chuyên gia có chung nhận định: gánh nặng đáp ứng vốn cho nền kinh tế đến nay vẫn phụ thuộc chủ yếu vào vốn tín dụng ngân hàng, gây rủi ro tiềm ẩn cho ổn định kinh tế vĩ mô và hệ thống ngân hàng. Do đó, làm sao phát triển các kênh huy động vốn khác của thị trường vốn tương xứng với vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế; đồng thời khai thác, quản lý, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính là vấn đề cần nghiêm túc nhìn nhận và có giải pháp để giúp đạt được mục tiêu phấn đấu trở thành quốc gia thu nhập cao trong hai thập kỷ tới.

Nhìn dưới góc độ đó, một thị trường vốn hiện đại, hoạt động hiệu quả có vai trò hết sức quan trọng để huy động và phân bổ nguồn lực. Báo cáo “Vươn tới tầm cao mới trên thị trường vốn” của WB công bố mới đây nhận định: “Thị trường vốn lành mạnh là yếu tố cần thiết cho chiến lược tăng trưởng trở thành quốc gia thu nhập cao của Việt Nam”. Theo đó WB cho rằng, thị trường vốn phát triển sẽ giúp huy động nguồn lực cho đầu tư dài hạn và phân bổ nguồn lực hiệu quả giữa các ngành, khu vực địa lý và thời điểm khác nhau, đồng thời giúp đa dạng hóa các nguồn tài chính và giảm tập trung rủi ro vào khu vực ngân hàng.

Theo nhận định của các chuyên gia, được hỗ trợ bởi các điều kiện kinh tế vĩ mô vững vàng, thị trường vốn của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong thập kỷ qua, có thể bắt kịp các quốc gia khác trong khu vực, xét về quy mô tương đối. Ví dụ, quy mô thị trường năm 2023 đã tương đương với một số quốc gia khác, thậm chí đã vượt Indonesia, và có thể sớm vượt Philippines trong thời gian tới đây. Tuy nhiên xét cho cùng, vai trò chính của thị trường vốn là trung gian tài chính - huy động, phân bổ các nguồn lực tài chính thông qua kết nối các tác nhân kinh tế có nhu cầu huy động tài chính với những tác nhân có tiết kiệm. Do đó, mức độ hiệu quả của thị trường vốn cần được đánh giá qua sự thành công trong vai trò trung gian tài chính, chứ không thể chỉ đo lường bằng quy mô thị trường.

Huy động, tiết kiệm và định giá là ba chức năng về trung gian tài chính của các thị trường vốn. Về huy động vốn, mặc dù quy mô vốn hóa thị trường lớn, nhưng lượng vốn huy động qua phát hành cổ phiếu mới trên các sàn giao dịch cổ phiếu trong 5 năm qua vẫn tương đối nhỏ. Huy động vốn trên các thị trường trái phiếu, nhất là trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), lớn hơn đáng kể, tuy nhiên nguồn vốn dài hạn vẫn hạn chế (kỳ hạn bình quân ngắn, chỉ khoảng 4 năm) và những yếu kém về nền tảng thị trường đã bộc lộ trong thời gian qua, khiến khối lượng phát hành TPDN sụt giảm mạnh từ cuối năm 2022…

Về tiết kiệm, tổng mức tiết kiệm huy động qua các nhà đầu tư tổ chức còn thấp, chỉ đạt khoảng 19% GDP, gây hạn chế về nguồn tài chính để đầu tư dài hạn. Chưa kể trong số các nhà đầu tư tổ chức hiện có, chỉ có một số ít đầu tư vào khu vực doanh nghiệp. Trong khi đó về chức năng định giá, thị trường vốn chưa tạo ra được giá tham chiếu tốt do mức tham chiếu lãi suất ngắn hạn chưa rõ ràng, sự thiếu hiệu quả của thị trường trái phiếu chính phủ (giá trái phiếu chính phủ hiếm khi được dùng làm mốc tham chiếu cho các công cụ khác, như TPDN), và sự biến động lớn của thị trường cổ phiếu.

Thách thức và hướng đi

Thách thức có nhiều song theo các chuyên gia, một trong những vấn đề căn bản của Việt Nam hiện nay là nhà đầu tư tổ chức kém phát triển, bao gồm việc chưa tận dụng được quỹ của Bảo hiểm xã hội (BHXH) - một nguồn lực chủ đạo tiềm năng trong việc thúc đẩy phát triển thị trường vốn. Quản lý một danh mục tương đương 10% GDP, BHXH hiện là nhà đầu tư tổ chức lớn nhất ở Việt Nam.

Tuy nhiên, danh mục đầu tư của BHXH phần lớn vào trái phiếu chính phủ làm hạn chế lợi nhuận đầu tư, thiếu hiệu quả về giá… Do đó, việc đa dạng hóa đầu tư của BHXH là cách để đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa hệ thống tài chính của Việt Nam từ nhiều khía cạnh khác nhau. Trong đó, việc đa dạng hóa sang các thị trường chứng khoán doanh nghiệp - gồm cổ phiếu và trái phiếu - sẽ giúp các thị trường đó phát triển qua đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư và đem lại sự ổn định tương đối cho thị trường với tư cách là nhà đầu tư dài hạn.

Ngay cả khi BHXH không đầu tư trực tiếp trên các thị trường đó lúc ban đầu mà chỉ tham gia thông qua các quỹ ngách, sự gia nhập của BHXH cũng giúp nâng cao tính cạnh tranh và tính chuyên nghiệp trong lĩnh vực quản lý tài sản. Hơn nữa, nếu được triển khai dần dần từ mức nhỏ, đa dạng hóa sẽ nâng cao lợi nhuận cho tài sản của BHXH trong dài hạn.

Cùng với đó, các nhà đầu tư tổ chức khác nên có sự hiện diện lớn hơn để thúc đẩy phát triển khu vực doanh nghiệp. Tại Việt Nam hiện nay, ngoài BHXH, các công ty bảo hiểm nhân thọ cũng là các nhà đầu tư tổ chức tương đối lớn, nhưng cũng mới chỉ tập trung vào trái phiếu Chính phủ và tiền gửi ngân hàng. Trong khi đó, tại các thị trường phát triển, các quỹ hưu trí và các nhà đầu tư tổ chức là các bên chính đứng ra mua cổ phiếu, TPDN… và là động lực để phát triển các công cụ khác. Để đảo ngược tình trạng này, cần sớm có biện pháp để phát triển tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư, thông qua các nhà đầu tư tổ chức, cụ thể là các công ty bảo hiểm, các quỹ hưu trí tư nhân và các quỹ đầu tư.

Trên thị trường chứng khoán, do sự thiếu vắng các nhà đầu tư tổ chức, chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân (dễ tạo ra nhiều biến động do hành vi mua bán mang tính bầy đàn), điều này cũng góp phần làm tích tụ rủi ro trên thị trường TPDN và hạn chế sự phát triển của thị trường cổ phiếu trở thành kênh huy động vốn cho khu vực doanh nghiệp. Để “lọt vào mắt” các nhà đầu tư tổ chức, TPDN cần một cuộc cải tổ, nhất là về tính minh bạch và bảo vệ nhà đầu tư. Đây là điều cần thiết để tái cân đối từ nhà đầu tư cá nhân sang nhà đầu tư tổ chức.

Các quỹ đầu tư được cấp phép hoạt động chuyên nghiệp cùng các nhà đầu tư tổ chức khác cần được tạo điều kiện gia nhập thị trường theo cách tương tự với thị trường ở các quốc gia khác. Muốn vậy, tiêu chí xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp nên được hoàn thiện để phản ánh tốt hơn nhà đầu tư có khả năng đánh giá rủi ro, đồng thời các vấn đề khác như quy trình chào bán trái phiếu đại chúng, yêu cầu đánh giá định mức tín nhiệm… cần được hoàn thiện, áp dụng rộng rãi hơn.

Thị trường cổ phiếu cũng có tiềm năng lớn để phát triển thành nguồn huy động vốn quan trọng cho khu vực doanh nghiệp. Hiện Việt Nam vẫn đang là thị trường cận biên, do đó cần có những cải thiện cụ thể để sớm được nâng hạng thành Thị trường mới nổi, qua đó thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn từ các nhà đầu tư quốc tế.

“Nếu được lồng ghép hợp lý, thị trường vốn của Việt Nam có thể phát triển lành mạnh, trở thành công cụ hiệu quả để huy động vốn, tiết kiệm và tạo tín hiệu định giá, đó là các yếu tố cần thiết để nguồn lực kinh tế được phân bổ hiệu quả”, ông Ketut Ariadi Kusuma, Chuyên gia cao cấp về khu vực tài chính của WB tại Việt Nam nhận định và cho rằng, điều này sẽ giúp Việt Nam đạt tăng trưởng kinh tế cao hơn, không chỉ vì nguồn lực trong nước được sử dụng đảm bảo năng suất cao hơn, mà còn vì quốc gia có thể dùng đòn bẩy bằng nguồn vốn rất cần trên thị trường quốc tế để hoàn thành mục tiêu phấn đấu trở thành quốc gia thu nhập cao. Chính vì vậy, mục tiêu chính của Chính phủ và tất cả các bên là tạo nỗ lực đồng bộ để phát triển thị trường vốn.

Theo Thời Báo Ngân Hàng