Thị trường vốn năm 2020: Nhiều kỳ vọng
Thị trường vốn năm 2020 được dự báo sẽ có những thay đổi tích cực với dòng tiền đến từ khối ngoại, thông qua kênh đầu tư trên thị trường chứng khoán và việc cổ phần hóa (CPH), thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) kỳ vọng được đẩy mạnh hơn để “bơm” thêm vốn cho nền kinh tế.
Chứng khoán - kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế - trong năm 2019 có sự tăng trưởng khá tốt. Theo báo cáo của Ủy ban Chứng khoán nhà nước, chỉ số VN-Index năm 2019 đạt 960,99 điểm, tăng 7,7% so với cuối năm 2018, cao hơn các nước trong khu vực.
Quy mô thị trường cổ phiếu giữ vững đà tăng trưởng. Với tổng số 1.622 mã cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết/đăng ký giao dịch trên 2 sở giao dịch chứng khoán, quy mô của thị trường đạt gần 1.402 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với cuối năm 2018. Quy mô vốn hóa của thị trường tăng mạnh và đạt 4.384 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2018, tương đương 79,2% GDP năm 2018 và 72,6% GDP năm 2019.
Một điểm đáng ghi nhận là nhà đầu tư ngoại tiếp tục giữ vai trò xúc tác quan trọng, góp phần cho tăng trưởng của thị trường. Năm 2019, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng gần 7.516 tỷ đồng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và mua ròng hơn 13.738 tỷ đồng trái phiếu, nâng tổng giá trị danh mục của khối đầu tư này lên khoảng 36,4 tỷ USD, tăng 11,6% so với cuối năm 2018.
Theo Báo cáo chiến lược đầu tư năm 2020 của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt vừa công bố, dự báo mức tăng điểm của VN-Index trong năm 2020 sẽ vừa phải và theo sát yếu tố cơ bản hơn do sự thổi phồng về giá, VN-Index có thể sẽ dao động trong vùng 950 - 1120.
Trong đó, kỳ vọng hoạt động của khối ngoại trên sàn có thể tích cực hơn bởi một số nguyên nhân chính: Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng tỷ trọng trong rổ MSCI Frontier 100 (chỉ số xếp hạng thị trường chứng khoán của quốc tế) lên 30%; hoạt động thoái vốn và CPH có thể sôi động trở lại trong năm 2020, thị trường cũng có thể thu hút thêm tiền từ nhà đầu tư nước ngoài.
Đồng quan điểm tích cực về thị trường chứng khoán năm 2020, Quỹ đầu tư Vina Capital nhận định, VN-Index có thể tăng trưởng 15 - 20% trong năm 2020. Ngân hàng Đầu tư toàn cầu JPMorgan Chase thì cho rằng, Việt Nam có thể lọt vào danh sách theo dõi nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi vào năm 2021; đồng thời, chỉ số VN-Index có thể cán mốc 1.200 điểm.
Đánh giá về dòng vốn từ nguồn cổ phần hóa (CPH), thoái vốn DNNN, theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt, hoạt động thoái vốn CPH sẽ sôi động hơn trong năm 2020. Thực tế, trong danh sách các DN cần CPH theo chủ trương của Chính phủ, có một số công ty, tổng công ty và tập đoàn lớn. Trong đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đề xuất thoái 15% tại HVN trong giai đoạn 2019-2020, đồng thời thực hiện tăng vốn trong giai đoạn 2019 - 2025 để giảm tỷ lệ vốn nhà nước xuống 51%.
Ngoài ra, một vài công ty lớn CPH các năm trước như BSR, PVOIL và POW cũng có thể tiếp tục thoái trong năm 2020 sau khi thực hiện xong quyết toán sau CPH. Về công tác CPH, Genco1 đang lựa chọn thời điểm phù hợp để xác định giá trị DN, trong khi Genco2 đã phê duyệt hồ sơ tư vấn từ các nhà thầu. Đây là những yếu tố thuận lợi để góp thêm nguồn cung vốn cho nền kinh tế.
Theo Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, thị trường chứng khoán đang đứng trước nhiều cải cách về khung pháp lý, chính sách phát triển thị trường hướng tới triển vọng nâng hạng, mặt bằng giá cổ phiếu hấp dẫn, khối ngoại nhiều khả năng quay trở lại mua ròng. Dự báo, mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của các DN năm 2020 đạt khoảng 10%. |