“Thị trường vừa qua đã đi vào vùng quá bán”
Chuyên gia cho rằng, thị trường vừa qua đã đi vào vùng quá bán, bán trong hoảng loạn, mất kiểm soát, cho nên thị trường sẽ sớm tìm lại điểm cân bằng trong thời gian sắp tới.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua giai đoạn điều chỉnh mạnh với tâm lý hoảng loạn của giới đầu tư, trong đó phần lớn là nhà đầu tư F0. Trước kỳ nghỉ lễ, VN-Index ghi nhận những phiên hồi đáng kể, đem lại kỳ vọng về sự phục hồi. Nhưng liệu điều này đã được thiết lập? Chúng tôi ghi nhận ý kiến của ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao, CTCK KIS Việt Nam.
PV: Ông có bình luận gì về đà giảm mạnh của thị trường thời gian qua?
Ông Trương Hiền Phương: Thị trường điều chỉnh khoảng 3 tuần qua với mức giảm mạnh. Thật ra tất cả thông tin xấu không quá nhiều, không quá nghiêm trọng nhưng có hiện tượng mượn thông tin đó tạo làn sóng giảm. Bên cạnh đó, sự hoảng loạn của nhà đầu tư, hiệu ứng force sell khiến thị trường giảm sâu, mạnh.
Chiết khấu trên mỗi cổ phiếu đã quá nhiều, có những cổ phiếu giảm 10%, cũng có những cổ phiếu giảm 30-40% trong khi bản thân doanh nghiệp hoạt động tốt, các kế hoạch phát triển doanh nghiệp khả thi, ước tính lợi nhuận 2022 tăng trưởng nhiều hơn 2021.
Thị trường giảm không thực sự do doanh nghiệp, do nền kinh tế Việt Nam mà do những thông tin bình thường. Ví dụ, ông chủ doanh nghiệp này bị bắt, tập đoàn thế này thế kia, nhưng ai làm người đó chịu không ảnh hưởng tới những doanh nghiệp, ngành nghề khác. Có thể thấy những tay to trên thị trường mượn các thông tin đó để đạp thị trường xuống, dẫn dắt tâm lý, khiến nhà đầu tư hoảng loạn bán theo, hiệu ứng force sell xảy ra…
PV: VN-Index đã có những phiên tăng trở lại, theo ông xu hướng này có duy trì được trong thời gian tới?
Ông Trương Hiền Phương: Khi thị trường giảm sâu, nhà đầu tư bình tâm lại, những người còn cổ phiếu không có nhu cầu bán ra nữa, trong khi đó những người có tiền mạnh dạn mua vào, đó là lý do thị trường những phiên gần đây hồi phục trở lại.
Tôi cho rằng thị trường vừa qua đã đi vào vùng quá bán, bán trong hoảng loạn, mất kiểm soát, cho nên thị trường sẽ sớm tìm lại điểm cân bằng trong thời gian sắp tới.
Thời gian tới, thị trường đón nhận nhiều thông tin tích cực, như việc giải ngân gói 350.000 tỷ của Chính phủ; xung đột Nga - Ukraine đã đi vào hồi kết, các biện pháp trả đũa đã ra hết không còn gì mới; đặc biệt doanh nghiệp công bố lợi nhuận 2021 tốt so với dự kiến, kế hoạch 2022 tỷ lệ tăng trưởng 10-20% cho thấy biên lợi nhuận ngày càng tốt hơn. Thêm vào đó, chính sách của Chính phủ giữ lãi suất tiền tệ ổn định dù có một vài nguy cơ có thể lạm phát nhưng tốc độ không cao.
Với những thông tin tích cực trên, tôi tin thị trường sẽ sớm hồi phục, lực cung cầu cân bằng, lực cầu nhiều hơn. P/E sau thời gian giảm mạnh đã rơi xuống vùng 11 -13 lần tùy cổ phiếu, tùy ngành, đây là mức hợp lý. Trong khi mặt bằng P/E các quốc gia lân cận 15 -20 lần, tôi tin các nhà đầu tư nhận thấy vùng giá này là rẻ, đẩy mạnh mua vào.
Theo thống kê khoảng 10 năm gần đây, 4/10 năm thị trường Buy in May. Tôi đồng quan điểm tháng 5 năm nay sẽ là Buy in May chứ không là Sell in May.
PV: Ông có đánh giá gì về hoạt động của khối ngoại?
Ông Trương Hiền Phương: NĐTNN thấy thị trường Việt Nam giảm mạnh chính là cơ hội của họ. Cụ thể, tuần thị trường giảm mạnh là tuần họ mua nhiều nhất. Theo thống kê sơ bộ, khối ngoại đã mua hơn 4.000 tỷ trong 5 phiên giao dịch, là lực mua lớn, là chiến lược hợp lý. Nhà đầu tư trong nước sẽ nhận thấy điều này, thay đổi quan điểm và đẩy mạnh mua vào, giúp thị trường tăng trong thời gian tới, đặc biệt là sau lễ.
PV: Vẫn có những quan ngại về lạm phát cao, lãi suất tăng đồng nghĩa thời tiền rẻ đã kết thúc?
Ông Trương Hiền Phương: Tôi nghĩ việc tăng lãi suất chắc chắn có xảy ra. Fed cũng đã tăng lãi suất, khả năng Việt Nam bị ảnh hưởng tốc độ tăng giá cao hơn dự kiến, CPI cao hơn, tỷ lệ lạm phát có thể đạt hoặc vượt 4%. NHNN theo đó phải nâng lãi suất điều hành để ổn định tỷ giá, giá trị đồng tiền nội tệ, đảm bảo nhà đầu tư gửi tiền có lãi suất thực dương.
Tôi nghĩ do tỷ lệ lạm phát Việt Nam không quá cao nên lãi suất điều hành sẽ không để quá cao, khả năng tăng 0,5 điểm % đến 1%, tỷ lệ này là chấp nhận được. Bởi vì lãi suất điều hành nếu điều chỉnh tăng cao sẽ đẩy chi phí tài chính doanh nghiệp cao, giảm khả năng cạnh tranh, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, nên lãi suất điều hành của NHNN sắp tới sẽ thận trọng, vẫn tăng nhưng không tăng quá nhiều, điều tiết trên khuynh hướng phù hợp với nền kinh tế và tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ lạm phát dự kiến.
PV: Cảm ơn ông!