Thủ tướng Chính phủ:
Thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh
Tại buổi làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn các cấp công đoàn, công nhân, người lao động và các doanh nghiệp phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong phòng chống dịch, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động, góp phần thích ứng, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những đóng góp của các cấp công đoàn và người lao động, công nhân trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian qua, rất nhiều cán bộ công đoàn ngày đêm lăn lộn, hết mình vì người lao động và doanh nghiệp, bất chấp hiểm nguy, nhiều cán bộ công đoàn thực sự trở thành lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, qua khó khăn, thách thức, vai trò, tầm quan trọng của Tổng Liên đoàn, công đoàn các cấp càng được khẳng định, vị thế, uy tín của tổ chức công đoàn trong hệ thống chính trị càng được nâng cao.
Về trọng tâm công tác phối hợp thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị, hai bên cần phối hợp trong triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và phối hợp theo quy chế, góp phần nâng cao vị thế, vai trò mỗi bên; bảo vệ, tăng cường lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động gắn với xây dựng giai cấp công nhân hiện đại.
Trước mắt, phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, vừa phòng, chống dịch thành công, vừa mau chóng khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, đồng thời cũng không mất bình tĩnh, hoảng hốt, hoang mang, lo sợ, trong quá trình phối hợp phải quán triệt tinh thần này.
Thủ tướng nêu rõ, kiểm soát được dịch bệnh thì mới có thể khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, ngược lại, có khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội thì mới có nguồn lực chống dịch và bảo đảm các nhu cầu khác của đất nước. Thủ tướng khẳng định: “Không ai an toàn nếu người khác còn mắc bệnh, không địa phương, cơ quan, đơn vị nào an toàn nếu cơ quan, địa phương, đơn vị khác còn phải chống dịch”.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiệm vụ khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, sớm đưa người lao động trở lại doanh nghiệp sản xuất an toàn, Thủ tướng gởi mở nhiều giải pháp cụ thể như: bảo đảm phúc lợi, an sinh xã hội, bảo vệ, nâng cao lợi ích (cả vật chất và tinh thần) chính đáng và hợp pháp của người lao động; xây dựng chương trình nâng cao tay nghề cho người lao động và công nhân, đi đôi với phát triển sản xuất kinh doanh để tạo công ăn việc làm ổn định… Thủ tướng đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Tổng Liên đoàn và các cơ quan khác triển khai cụ thể các nhiệm vụ này.
Thủ tướng đề nghị tiếp tục triển khai khai các phong trào thi đua vượt khó, “lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “năng suất cao, chất lượng tốt”, “mỗi người làm việc bằng hai” cùng cả nước phòng chống dịch, phục hồi kinh tế… Tổng Liên đoàn phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng chính quyền địa phương tiếp tục làm tốt công tác đào tạo, nâng cao trình độ mọi mặt cho người lao động, trước hết là kỹ năng nghề, kiến thức pháp luật, ý thức chính trị, bản lĩnh giai cấp, tác phong công nghiệp, tinh thần trách nhiệm, sự gắn bó với doanh nghiệp... Công đoàn phải là một kênh tham gia triển khai một trong ba khâu đột phá chiến lược là đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thủ tướng lưu ý, cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam, nhất là ở cấp cơ sở. Xây dựng công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới. Chính phủ sẽ phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về công đoàn, giai cấp công nhân, người lao động, tạo hành lang pháp lý tốt nhất bảo vệ người lao động...
Thủ tướng đề nghị tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động hiểu, chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chia sẻ với khó khăn chung của đất nước, đoàn kết, đồng thuận đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn. Làm tốt hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội; giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Chia sẻ với những mất mát, hy sinh của giai cấp công nhân, người lao động, các cấp công đoàn, đồng thời, cam kết đồng hành và khắc phục những khó khăn, thách thức của người lao động trong thời gian tới nhằm, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan có liên quan, chính quyền địa phương quan tâm lắng nghe, tiếp thu và chỉ đạo xử lý, giải quyết các kiến nghị, đề xuất của tổ chức công đoàn và người lao động một cách thấu đáo.
Các ban, bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực phối hợp với Tổng Liên đoàn và các cấp công đoàn giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của người lao động, nhất là về việc làm, thu nhập, vấn đề nhà ở, trường học, trạm y tế, nơi vui chơi giải trí… Phối hợp, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là người đứng đầu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Thủ tướng ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của Tổng Liên đoàn; đồng thời, giao các bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quy định hiện hành khẩn trương xử lý, giải quyết; báo cáo các cấp những vấn đề vượt thẩm quyền.