Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước:

Thiếu quyết liệt, sẽ xử nghiêm

PV.

(Tài chính) Chính phủ đang rất “sốt ruột” với quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện nay. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phát ra thông điệp sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm đối với lãnh đạo DN không thực hiện hoặc thực hiện không có kết quả tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Gắn cổ phần hóa với niêm yết trên thị trường chứng khoán

Theo kế hoạch, năm 2015 cả nước cần phải hoàn thành cổ phần hóa 289 DNNN. Thống kê cho thấy, đến nay đã có 23 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án sắp xếp DNNN theo tiêu chí, danh mục phân loại DN 100% vốn Nhà nước. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt 19 phương án, trong đó bổ sung 106 DN cổ phần hóa năm 2015 và 109 DN cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020.

Về thoái vốn Nhà nước tại DN, cả nước đã thoái vốn được gần 5.000 tỷ đồng nhưng tổng thu về đã lên tới gần 7.000 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực bất động sản chiếm 45% tổng thu từ thoái vốn. Đáng chú ý là số DN thực hiện đấu giá cổ phần hóa và thoái vốn qua 2 Sở Giao dịch chứng khoán trong năm 2014 cao gấp 1,4 lần so với cả 3 năm trước. Trong quý I/2015, hoạt động tái cấu trúc DNNN thông qua kênh thị trường chứng khoán cũng đang khá sôi động. Mới đây, tại Hội nghị phổ biến một số quy định mới về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán, bà Nguyễn Thị Hoàng Lan -  Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phát đi thông điệp đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, gắn đấu giá với đăng ký giao dịch/niêm yết tại Lễ khai trương phiên giao dịch đầu Xuân 2015 tại HNX, hoạt động tái cơ cấu DN nhà nước đã được đẩy nhanh. Thống kê của HNX cho thấy, chỉ riêng trong quý I/2015, HNX đã tổ chức 26 phiên đấu giá, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm ngoái, với gần 80 triệu cổ phần bán được, tương đương giá trị cổ phần bán được đạt hơn 1,4 nghìn tỷ đồng (tăng  20,3% về giá trị cổ phần so với cùng kỳ năm 2014).        

Nhằm đẩy nhanh hơn nữa tiến trình tái cấu trúc DNNN, mới đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa 289 DN trong năm nay, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người lao động và các cổ đông khác; gắn việc cổ phần hóa DNNN với niêm yết trên thị trường chứng khoán. Theo đó, đối với 82 DN đã thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa, khẩn trương xác định giá trị DN trong quý II/2015, phấn đấu trong quý III/2015 tất cả được công bố giá trị DN và quý IV/2015 hoàn thành cổ phần hóa. Đối với 126 DN đang xác định giá trị DN, phấn đấu quý II/2015 công bố được giá trị DN và quý III/2015 hoàn thành cổ phần hóa. Đối với 52 DN đã công bố giá trị DN, phấn đấu trong quý II/2015 hoàn thành cổ phần hóa.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính hướng dẫn việc giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong xác định giá trị DN như: hoàn nhập các khoản dự phòng vào vốn nhà nước, xác định giá trị các khoản đầu tư dài hạn, giá trị tiềm năng, tài sản đã hết khấu hao, định giá lại các khoản đầu tư tài chính tại thời điểm chuyển DN thành công ty cổ phần, xác định giá cổ phiếu bán cho người lao động và tổ chức công đoàn đối với những DN chuyển sang công ty cổ phần nhưng chưa có điều kiện bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) ngay; hướng dẫn việc bán cổ phần theo lô.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tiếp tục chỉ đạo thoái vốn đầu tư ngoài ngành chặt chẽ, có hiệu quả. Trong tháng 4/2015, rà soát những DN đã cổ phần hóa nhưng số cổ phần bán được lần đầu chưa đạt tỷ lệ theo phương án đã được phê duyệt thì đề ra lộ trình và bán tiếp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Trong buổi họp báo chí thường kỳ quý I/2015, đại diện Bộ Tài chính cho biết, nhằm thúc đẩy tiến trình cổ phần, Bộ Tài chính đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính, sắp tới sẽ công khai cụ thể danh sách 260 DNNN phải hoàn thành cổ phần hóa từ nay đến cuối năm, nhằm giúp nhà đầu tư trong và ngoài nước thuận lợi hơn trong tìm hiểu cơ hội đầu tư, đồng thời tăng cường giám sát từ phía các bộ, UBND các tỉnh với tư cách là cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm đầu tiên khi để xảy ra tình trạng cổ phần hóa chậm trễ… Việc công khai danh sách các DN sẽ được tiến hành song song với công bố chi tiết công việc mà ban chỉ đạo cổ phần hóa tại DN phải thực hiện trong từng tháng, từng quý, để các bộ, ngành, địa phương bám sát vào đó đôn đốc các DN triển khai, đảm bảo hoàn thành đúng lộ trình cổ phần hóa đề ra.

Bên cạnh đó, đối với các DN quy mô nhỏ, Bộ Tài chính sẽ thường xuyên phối hợp với các bộ, UBND các tỉnh đôn đốc, kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh, qua đó thúc đẩy các DN sớm hoàn thành kế hoạch cổ phần. Đối với các DN lớn, theo cơ chế phối hợp với các bộ, ngành, Bộ Tài chính trực tiếp cử cán bộ tham gia ban chỉ đạo cổ phần tại các DN này, để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh, nhất là trong quá trình xử lý tài chính, xác định giá trị DN… Hiện nay, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép bán đấu giá cổ phần trọn lô nhằm tăng sức cầu cho thị trường chứng khoán. Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang khẩn trương sửa đổi Nghị định 58/2012 hướng dẫn Luật Chứng khoán, nhằm nới room cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, Bộ Tài chính khẳng định, dù tiến độ cổ phần hóa đặt ra khẩn trương, song mọi khâu phải đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật; không có chuyện bán tháo, bán rẻ cổ phần, gây thất thoát vốn của Nhà nước…

Xử lý nghiêm nếu chậm trễ

Thực tế thời gian qua cho thấy, một trong những nguyên nhân khiến tiến trình tái cấu trúc DNNN có phần chậm trễ vì tư tưởng chần chừ, chưa quyết tâm của một số lãnh đạo DNNN. Do vậy, mới đây, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế chịu trách nhiệm hành chính trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước thuộc phạm vi phụ trách.

Thủ tướng cũng yêu cầu xử lý nghiêm trách nhiệm đối với lãnh đạo DN không thực hiện hoặc thực hiện không có kết quả tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và nhiệm vụ chủ sở hữu giao trong quản lý, điều hành DN. Đồng thời, chỉ đạo các DNNN vừa tái cơ cấu, vừa nâng cao hiệu quả hoạt động của DN; tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả và nâng cao hiệu quả gắn liền với tái cơ cấu. Phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN và các cơ quan liên quan để xử lý, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN tổng kết công tác sắp xếp, tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011 - 2015; xây dựng Phương án tổng thể sắp xếp DNNN cho giai đoạn 2016 - 2020. Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN phối hợp với Bộ Tài chính tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong sắp xếp, tái cơ cấu DN cùng với thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh được giao; định kỳ 3 tháng báo cáo tình hình lên Thủ tướng Chính phủ.