Thiếu vắng tập đoàn lớn dẫn dắt cuộc đua, xuất khẩu phụ thuộc "ông lớn" ngoại


Xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang chiếm 73% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong năm 2023. Nguyên nhân được Bộ Công Thương chỉ ra là Việt Nam còn thiếu vắng các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt, tạo động lực đối với các ngành sản xuất trong nước.

Kim ngạch xuất khẩu vẫn còn phụ thuộc nhiều vào khối FDI.
Kim ngạch xuất khẩu vẫn còn phụ thuộc nhiều vào khối FDI.

Theo Bộ Công Thương, những khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu, đặc biệt là từ những tháng đầu năm dẫn đến đơn hàng xuất khẩu giảm đã ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu chung của cả nước nên tính chung cả năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 355,5 tỷ USD, giảm 4,4% so với năm trước.

Thiếu vắng tập đoàn nội dẫn dắt cuộc đua

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 95,55 tỷ USD, giảm 0,3%, chiếm 26,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 259,95 tỷ USD, giảm 5,8%, chiếm 73,1%.

Trong những năm vừa qua, công nghiệp điện tử là ngành sản xuất, có vị trí then chốt trong nền kinh tế và tác động lan tỏa mạnh đến các ngành công nghiệp khác. Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam hiện chiếm tỷ trọng 17,8% toàn ngành công nghiệp, chủ yếu sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học.

Đáng chú ý, ngành điện tử Việt Nam thu hút các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng tăng, nhiều hãng điện tử lớn trên thế giới đã đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao ở Việt Nam như Samsung, LG, Foxconn, Fukang Technology, LG Display Hải Phòng…

Điều này đã giúp Việt Nam trở thành top xuất khẩu điện tử lớn trên thế giới, nhưng cũng cho thấy tỷ trọng đang khá nghiêng về khối ngoại, khi có đến khoảng hơn 90% giá trị xuất khẩu thuộc về DN FDI, dù chỉ chiếm khoảng 20% tổng doanh nghiệp.

Bộ Công Thương cũng nhìn nhận trong cả sản xuất công nghiệp và xuất khẩu còn phụ thuộc vào khối doanh nghiệp FDI, còn thiếu vắng các Tập đoàn, doanh nghiệp trong nước quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt, tạo động lực đối với các ngành sản xuất trong nước; phần lớn kim ngạch XK do đóng góp của các doanh nghiệp FDI.

Trong khi đó, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đã và đang chuyển đổi cấu trúc của nền kinh tế thế giới, hiện bước vào giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào công nghệ và đổi mới sáng tạo đã mang đến cơ hội cho các nước đang phát triển như Việt Nam đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, thực hiện công nghiệp hóa đất nước và bắt kịp các nước phát triển. Tuy nhiên, cũng phải đối mặt với các thách thức rất lớn với mô hình tăng trưởng hiện đang phụ thuộc nhiều vào lợi thế nguồn nhân lực giá rẻ khi lợi thế này đang bị cạnh tranh lớn bởi máy móc và tự động hóa, xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến đang phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI…

Kết nối doanh nghiệp nội vào chuỗi giá trị cao

Vấn đề này đã được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ ra tại Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành Công thương. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá, công nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào khối FDI, các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp năng lượng xanh, vật liệu mới… phát triển chậm.

"Kim ngạch xuất khẩu vẫn còn phụ thuộc nhiều vào khối FDI, vì vậy chúng ta phải xác định được những khâu, những sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và triển khai thay vì chỉ gia công, nhằm phát triển những ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn, cơ bản", Phó Thủ tướng phân tích và cho rằng, đây là những vấn đề lớn đặt ra cho không chỉ đối với ngành công thương mà có liên quan đến rất nhiều ngành, lĩnh vực để tìm ra lời giải tổng thể, hiệu quả.

Trao đổi với VnBusiness, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhìn nhận FDI là động lực tăng trưởng quan trọng, là bộ phận cấu thành hữu cơ nền kinh tế Việt Nam. Tuy vậy, quá trình thu hút FDI cũng cần gắn với phát triển doanh nghiệp trong nước. Hy vọng trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ giúp gia tăng giá trị sản phẩm công nghiệp của khối nội chiếm 60 – 65%, đồng thời tiến tới cân bằng kim ngạch xuất khẩu giữa hai khối. Đây chính là thành công trong việc thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

"Muốn như vậy thì Việt Nam phải bồi dưỡng nguồn lực trong nước, chú trọng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển. Có chính sách riêng với tập đoàn lớn nhưng đồng thời có chính sách ưu đãi tài chính, tín dụng, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển đổi mới sáng tạo với doanh nghiệp vừa và nhỏ", GS.TSKH Nguyễn Mại lưu ý. 

Đồng thời, Việt Nam cần có chính sách kết nối tốt hơn doanh nghiệp trong nước để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, cung ứng trong nước, với tư cách không chỉ chuỗi giá trị thấp mà tham gia vào chuỗi giá trị cao.

“Để đón dòng vốn ngoại chất lượng cao, rõ ràng thể chế là quan trọng, trong đó trước đây chúng ta thường nói về ưu đãi đầu tư nước ngoài, nhưng cái quan trọng nhất là tăng nguồn lực trong nước, với dân số 100 triệu dân thì đây là tiềm lực để phát triển đất nước”, ông Mại nhắn nhủ.

Theo Nhật Linh/vnbusiness.vn