Thỏa thuận thương mại EU - Nhật Bản là thông điệp gửi tới Mỹ

Theo daibieunhandan.vn

Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận thương mại mang tính lịch sử ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G20, như một thông điệp mạnh mẽ gửi tới những nước ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết thỏa thuận về Hiệp định Đối tác kinh tế đã được ký trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại thủ đô Brussels, Bỉ.
Ông Tusk khẳng định các cuộc đàm phán chính trị và thương mại giữa EU và Nhật Bản đã kết thúc và EU đang ngày càng kết nối toàn cầu hơn. “Hôm nay, chúng tôi cùng gửi đi thông điệp mạnh mẽ tới thế giới: chúng tôi bảo vệ chính sách thương mại cởi mở và công bằng. Sẽ không còn sự bảo vệ cho chủ nghĩa bảo hộ”. “Cuối cùng chúng tôi đã chứng tỏ quyết tâm cùng với EU phất lên ngọn cờ tự do mậu dịch”, Thủ tướng Shinzo Abe cũng bày tỏ sự hài lòng về thỏa thuận.

Thỏa thuận tự do thương mại giữa EU và Nhật Bản đánh dấu thắng lợi lớn cho thương mại tự do trong bối cảnh chỉ còn 1 ngày nữa là diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), trong đó Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là sẽ bảo vệ chính sách “Nước Mỹ trên hết” với chủ trương gia tăng bảo hộ thương mại. Ngay sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tiến trình đàm phán Hiệp định tự do thương mại Nhật Bản –EU (JEFTA) được bắt đầu từ năm 2013. Hiệp định này phải đợi đến năm 2019 mới bắt đầu có hiệu lực. Tuy nhiên, với việc đạt được “thỏa thuận chính trị” hôm 6/7, EU và Nhật Bản đã gần như thống nhất hầu hết các lĩnh vực quan trọng của Hiệp định. Theo các nhà đàm phán, thỏa thuận sẽ liên quan tới 99% trao đổi song phương.

EU đạt được một số nhượng bộ quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp như phi thuế quan đối với tất cả các sản phẩm lương thực... Hai bên cũng đạt được nhất trí về những chủ đề nhạy cảm như sản phẩm từ sữa như phô mai từ EU. Mức thuế quan rất cao mà Nhật Bản áp dụng đối với mặt hang này cũng sẽ được giảm dần dần.