G20: Cùng kết nối, hướng tới tương lai
Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 12 diễn ra trong bối cảnh những căng thẳng về thương mại, chống biến đổi khí hậu, người nhập cư, cùng sự rút lui của Mỹ đang ngày một gia tăng.
Diễn ra tại Hamburg (Đức) từ ngày 7-8/7, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các Nền Kinh tế Phát triển (G20) năm nay có sự góp mặt lần đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người vốn có những “mâu thuẫn” với nhiều thành viên của G20 về vấn đề thương mại, chống biến đổi khí hậu và chính sách nhập cư.
Bên cạnh đó, những cuộc gặp song phương bên lề hội nghị lần này cũng nhận được nhiều sự quan tâm đặc biệt, nhất là lần chạm trán chính thức đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Vấn đề về vai trò của G20 trên trường quốc tế nhiều khả năng cũng sẽ trở thành tâm điểm của Hội nghị thượng đỉnh lần này. Kể từ sau thành tựu to lớn trong việc giúp các nước thành viên vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính lớn vào năm 1999 và 2008, G20 đã bị đánh giá là thiếu đột phá, đồng thời không còn đủ sức kết nối các thành viên với nhau.
“Hội nghị Bàn tròn” của các cường quốc
Ra đời vào năm 1999, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, G20 bao gồm 19 quốc gia thành viên có nền kinh tế lớn nhất thế giới và Liên minh châu Âu (EU): Argentina, Australia, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Mexico, Nga, Saudi Arabia, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Mỹ. Hiện các quốc gia G20 chiếm đến 80% tổng GDP toàn cầu, gần 75% lượng thương mại toàn cầu và chiếm khoảng 2/3 dân số thế giới.
Hội nghị thượng đỉnh thường niên G20, bao gồm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã trở thành một diễn đàn chủ đạo nhằm thảo luận về các vấn đề kinh tế, tài chính và phối hợp chính sách toàn cầu. Các cuộc họp ở cấp thấp hơn giữa các Bộ trưởng Tài chính và những người hoạch định chính sách diễn ra trước Hội nghị thượng đỉnh.
G20 không phải là một thế chế thường trực với một trụ sở, hệ thống văn phòng hay nhân viên mà thay vào đó được lãnh đạo trên cơ chế luân phiên hàng năm giữa các quốc gia thành viên và những quyết định được đưa ra dựa trên sự đồng thuận. Việc thực hiện những chương trình nghị sự của G20 phụ thuộc vào ý chí của từng quốc gia thành viên.
Một thế giới kết nối
Ban đầu, Hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến chủ yếu tập trung vào chính sách kinh tế, tuy nhiên trong những năm gần đây đã được mở rộng phạm vi. Trong Hội nghị G20 lần này tại Hamburg, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhấn mạnh chủ đề “Định hình một thế giới kết nối”.
Đứng đầu trong chương trình nghị sự của G20 lần này chính là thảo luận về qui định tài chính mà Đức gọi là “cuộc cạnh tranh thuế nguy hại” giữa các quốc gia. G20 sẽ tiếp tục theo đuổi sáng kiến chia sẻ thông tin nhằm đấu tranh với nạn tham nhũng và rửa tiền. Berlin mong muốn tái khẳng định cam kết toàn cầu đối với thương mại tự do.
Bên cạnh đó, bà Merkel cũng đưa vấn đề quan hệ với châu Phi như là một vấn đề tập trung tại G20 này, trong đó có sáng kiến nhằm đưa các quốc gia thành viên G20 đầu tư, tăng trưởng việc làm và các hoạt động thương mại mới với các quốc gia châu Phi mà đã cam kết tiến hành cải cách nền kinh tế của mình.
Các vấn đề về tăng trưởng kinh tế và thương mại khác cũng sẽ được nhấn mạnh trong lịch trình của G20 lần này. Đức muốn tái khẳng định cam kết toàn cầu đối với thương mại tự do và thảo luận làm thế nào để thực hiện những mục tiêu nằm trong “Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững” của Liên hợp quốc.
Cuối cùng, nước chủ nhà mong muốn đề cập đến việc các quốc gia G20 “đáp ứng” mục tiêu giảm phát khí thải carbon theo Hiệp định Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu, bất chấp sự rút lui của Mỹ. Ngoài ra, việc đầu tư mạnh hơn cho nghiên cứu và phát triển nhằm chống lại các bện dịch lây nhiễm, cũng như các biện pháp phối hợp giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn, di cư tại châu Phi, châu Âu và Trung Đông cũng được đưa ra bàn thảo.
Quãng đứt đoạn
Tuy nhiên, những nỗ lực của Thủ tướng nước chủ nhà Merkel sẽ gặp không ít thách thức, chủ yếu đến từ việc Mỹ đang có mối quan hệ bất hòa với các nước thành viên G20 khác, trong đó có Đức.
Về vấn đề chống biến đổi khí hậu, chính quyết định rút nước Mỹ khỏi Hiệp định Paris của Tổng thống Trump đã cô lập nước Mỹ khỏi phần còn lại của G20. Đức, Pháp đã bày tỏ không hài lòng đối với quyết định này.
Ngoài ra, mối quan hệ Mỹ và EU với Nga liên quan đến cáo buộc Moscow can thiệp vào các cuộc bầu cử tại châu Âu và Mỹ, những mẫu thuẫn liên quan đến cuộc xung đột tại Syria hay những căng thẳng gia tăng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Đức cũng sẽ là chủ đề nóng tại hội nghị này.
Trong bối cảnh đó, hội nghị lần này sẽ đòi hỏi nước chủ nhà Đức và các thành viên trong khối G20 làm việc tích cực để hàn gắn những chia rẽ, cùng đoàn kết, hợp tác để xây dựng một thế giới kết nối hơn, tốt đẹp hơn.