Thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước: Chờ thời cắt lỗ

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Việc cho phép doanh nghiệp (DN) bán dưới mệnh giá là điều kiện tốt, song chưa hẳn đã dễ thỏa thuận vì bên bán bao giờ cũng muốn giá cao, hoặc chí ít, thấp nhất cũng phải bằng mức lúc mua vào. Trong khi đó, điều kiện đi kèm thoái vốn dưới mệnh giá cổ phiếu hoặc dưới giá trị sổ sách kế toán của DN được Chính phủ quy định rõ là “chỉ sau khi tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã trích lập khoản dự phòng tổn thất đầu tư tài chính theo quy định”.

Thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước: Chờ thời cắt lỗ
Tiến trình thoái vốn của DNNN còn chờ dòng tiền mới của nhà đầu tư. Nguồn: internet

Khó quyết định cắt lỗ

Theo kế hoạch, đến năm 2015, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) sẽ thoái toàn bộ 20% vốn điều lệ mà DN này sở hữu tại OceanBank, tương đương khoảng 400 tỷ đồng ở thời điểm năm 2009. Tuy nhiên, Tập đoàn này thừa nhận rằng trong bối cảnh thị trường chứng khoán hiện nay, không dễ thoái vốn trong lĩnh vực bất động sản, ngân hàng với yêu cầu vẫn phải bảo toàn vốn Nhà nước.

Điều này cũng dễ hiểu vì khoản đầu tư vào Oceanbank trước đây của PVN tối thiểu cũng phải mua ngang mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Còn hiện nay, thị giá cổ phiếu OceanBank giảm thấp hơn mệnh giá trên từ 30-35% tùy thời điểm. Nếu cứ giữ mức giá bán cao hơn sẽ khó thu hút người mua, nhưng bán lỗ - đồng nghĩa làm mất vốn Nhà nước - lãnh đạo PVN sẽ phải gánh trách nhiệm. Nên quyết định thoái vốn khỏi lĩnh vực ngân hàng tại thời điểm này với PVN là việc không dễ dàng.

Nằm trong số ít DNNN thoái vốn thành công, mấy tháng trước Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chuyển nhượng 25,2 triệu cổ phiếu ABBank cho CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) với giá trị 252 tỷ đồng. Hiện EVN vẫn còn nắm giữ tỷ lệ 16,02% vốn điều lệ của ABBank. Theo lộ trình, đến hết năm 2015, EVN phải hoàn thành việc thoái vốn tại ABBank nói riêng, cũng như tại các DN thuộc lĩnh vực bất động sản, NH, bảo hiểm.

Nhưng, cái khó ở chỗ, trong khi thị giá cổ phiếu ABBank chỉ dao động từ 6.000-7.000 đồng/cổ phiếu thì giá khởi điểm EVN đưa ra đấu giá công khai tại HNX vừa rồi tới 10.000 đồng/cổ phiếu. Động thái chào giá này của EVN chẳng khác nào “bán mà như không muốn để ai mua”.

Hiện nay, những trường hợp thoái vốn đầu tư ra khỏi lĩnh vực ngân hàng gặp nhiều khó khăn như trên của PVN khá phổ biến bởi giá cổ phiếu ngân hàng sau một thời gian dài liên tục giảm sâu đã xuống mức rất thấp, thậm chí dưới mệnh giá. Đáng chú ý là với những khoản đầu tư vào các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ, chưa niêm yết trên sàn và đang phải đối mặt với áp lực tái cơ cấu, đáng lẽ giá mà các DNNN chào bán tối đa cũng chỉ nên ở mức thị giá, đằng này - một số đơn vị còn chào giá cao hơn.

Ví dụ, câu chuyện xảy ra ở ACB. Sau khi khủng hoảng nhân sự cấp cao, ngân hàng này phải thoái vốn đã đầu tư vào một số ngân hàng trước đó như: Kienlong Bank, Eximbank, DaiA Bank, VietBank. Trong số ngân hàng này, ACB nắm giữ khoảng 5% cổ phần tại VietBank. VietBank đã đặt vấn đề mua lại tỷ lệ cổ phần ACB đang nắm giữ, nhưng do ACB chào giá tới 12.500 đồng/cổ phiếu, trong khi thị giá cổ phiếu của VietBank tại cùng thời điểm chưa tới 10.000 đồng/cổ phiếu nên các bên không đạt được thỏa thuận chuyển nhượng.

Bán dưới mệnh giá cũng không dễ

Tuy nhiên, việc thoái vốn đầu tư vào ngân hàng đang đứng trước cơ hội mới. Cơ chế cho cuộc “rút chạy” bằng bán cổ phiếu dưới giá vốn đối với tập đoàn, tổng công ty, DNNN đã được Chính phủ khơi thông tại Nghị quyết số 15/NQ-CP. Theo đó, đối với hoạt động thoái vốn ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN được thực hiện ba giải pháp căn bản là thoái vốn đầu tư dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách kế toán của DN...

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, về mặt chính sách của Nhà nước thì DNNN có thể thoái vốn và chấp nhận thua lỗ. “Nếu trước đây, việc cho phép thoái vốn nhưng không được làm mất vốn Nhà nước gần như chặn đứng hoạt động thoái vốn của DNNN lại thì bây giờ, về mặt kỹ thuật đã được khơi thông”, ông Thành bình luận.

Còn trên thực tế, nhiều chuyên gia khác vẫn tỏ ra khá cẩn trọng khi đánh giá về tác động của chính sách này. Đương nhiên, việc cho phép DN bán dưới mệnh giá cũng là điều kiện tốt, song chưa hẳn đã dễ thỏa thuận vì bên bán bao giờ cũng muốn giá cao, hoặc chí ít, thấp nhất cũng phải bằng mức lúc mua vào. Trong khi đó, điều kiện đi kèm thoái vốn dưới mệnh giá cổ phiếu hoặc dưới giá trị sổ sách kế toán của DN được Chính phủ quy định rõ là “chỉ sau khi tập đoàn, tổng công ty, DNNN đã trích lập khoản dự phòng tổn thất đầu tư tài chính theo quy định”.

Phần trích lập dự phòng được hiểu là phần chênh lệch giữa giá trị ghi sổ với giá thực tế trên thị trường. Một chuyên gia kiểm toán đã chỉ ra rằng, nếu ở vào thời hoàng kim trước đây, DNNN đã trót đầu tư vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng thì giá trị ghi sổ lúc đó lên tới cả trăm nghìn đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, nếu so với mức thị giá hiện nay thấp hơn đáng kể thì khoản tiền phải trích lập dự phòng không phải là nhỏ.

Khi nguồn tài chính trích lập này được tính vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của năm DN thực hiện thoái vốn, đồng nghĩa rằng lợi nhuận của DN trong năm sẽ bị ảnh hưởng. Trong hoàn cảnh kinh doanh nói chung của DNNN đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, lấy đâu ra nguồn hàng trăm tỷ đồng để trích lập dự phòng tổn thất đầu tư cho các khoản này?

Về khả năng tiếp nhận của phía người mua, ông Yun Hang Jin, Giám đốc khối thị trường mới nổi tại Công ty Korea Investment & Securities cho rằng, trước khi bỏ vốn mua, nhà đầu tư cũng phải xem xét đến yếu tố các ngân hàng đã được tái cơ cấu như thế nào. Có thể, trong ngắn hạn từ nay đến cuối năm 2014, các nhà đầu tư vẫn kỳ vọng Chính phủ Việt Nam tiếp tục rót tiền để xử lý nợ xấu thông qua VAMC. Cho dù, VAMC không mua nợ xấu bằng tiền mặt, nhưng bằng trái phiếu đặc biệt nhận được, các ngân hàng sau khi bán nợ có thể dùng trái phiếu cầm cố để lấy được nguồn vốn lãi suất rẻ. Đó cũng là lý do để thu hút nhà đầu tư “rót” vốn vào cổ phiếu ngân hàng.

Tuy nhiên, để kỳ vọng nhóm cổ phiếu ngành này bật mạnh trong thời gian tới, theo ông Jin là chưa thể, vì ngân hàng đang giai đoạn tái cơ cấu và xử lý nợ xấu. Vì thế, dù có được nới thêm “room” cho nhà đầu tư nước ngoài, chưa hẳn thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại, đặc biệt ở những ngân hàng chưa đủ mạnh.