Thời cơ tốt cho lĩnh vực sản xuất
Sự cải thiện của "sức khỏe" lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam đã bước sang tháng thứ 40 liên tiếp từ đánh giá của Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI). Các nhà sản xuất trong nước cần tận dụng thời cơ tốt để gia tăng sự hiện diện của mình.
Dự báo gần đây từ Navigos Group – tập đoàn chuyên về dịch vụ tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam, cho thấy các doanh nghiệp (DN) thuộc lĩnh vực điện tử tiêu dùng đều có kế hoạch mở rộng mặt hàng kinh doanh và phạm vi kinh doanh trong năm 2019, hoặc có thêm các DN mới đi vào hoạt động. Lĩnh vực sản xuất này sẽ tăng mạnh về nhu cầu tuyển dụng.
Nhiều yếu tố thuận lợi
Cũng theo Navigos, do làn sóng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam và kế hoạch mở rộng quy mô, mảng sản xuất điện tử dự đoán tiếp tục tăng mạnh về nhu cầu tuyển dụng trong năm nay, bao gồm các lĩnh vực nhân sự cấp trung và cấp cao.
Trong khi đó, báo cáo của Nikkei vừa công bố cho thấy sự cải thiện của "sức khỏe" lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam đã bước sang tháng thứ 40 liên tiếp.
Chỉ số PMI toàn phần lĩnh vực sản xuất Việt Nam tăng từ mức 51,2 điểm của tháng 2 lên 51,9 điểm trong tháng 3/2019.
Lượng đơn đặt hàng mới của DN liên tục tăng được nhấn mạnh trong chỉ số PMI. Báo cáo của Nikkei cũng cho thấy sản lượng đã tăng mặc dù nguồn lao động giảm nhẹ trong tháng 3 và vấn đề khan hiếm nhân lực đã làm ảnh hưởng đến nỗ lực tăng lượng việc làm để đáp ứng nhu cầu công việc lớn hơn.
Điều đó có thể nhìn thấy rõ ở ngành công nghiệp điện tử khi nhiều DN đang đứng trước thách thức lớn về việc tìm kiếm nguồn lao động trong bối cảnh nguồn nhân sự có phần thiếu hụt.
Hồi năm ngoái, chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng cao và ổn định ở mức 10,2%. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực chính thúc đẩy mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp với mức tăng 12,98%.
Còn tính đến hết tháng 3 năm nay, giới chuyên gia nhận định hoạt động phát triển sản xuất công nghiệp đang có một số yếu tố thuận lợi, nhất là các hiệp định thương mại tự do (FTA) có xu hướng làm tăng xuất khẩu (XK) sang các nước mà Việt Nam ký kết hiệp định.
Nguyên nhân là Việt Nam có danh mục hàng hóa XK đa dạng, cả về thị trường và lĩnh vực XK so với các đối tác thương mại, đặc biệt nhiều DN đang kỳ vọng vào việc tận dụng cơ hội từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Chờ khối nội hiện diện
Sản xuất và XK sản phẩm gỗ cũng là lĩnh vực đang nhận được nhiều sự quan tâm nhằm chớp các cơ hội này. Lũy kế từ đầu năm đến giữa tháng 3, trị giá XK gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt 1,8 tỷ USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc vẫn là thị trường XK đồ gỗ lớn nhất của Việt Nam hiện nay, tuy nhiên các DN đang muốn mở rộng thị trường XK nhằm tận dụng các FTA.
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), CPTPP sẽ tạo cơ hội để các DN gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ đẩy mạnh XK khi các sản phẩm như ván dán, ván ghép, khung tranh, khung cửa và nhất là đồ nội thất có thuế nhập khẩu dao động 6 – 9,5% sẽ được xóa bỏ ngay. Đơn cử như hàng thủ công mỹ nghệ bằng gỗ được hưởng lợi khi Canada đồng ý xóa bỏ mức thuế nhập khẩu từ 7% về 0%.
Thị trường Mexico cũng được đánh giá là có nhiều triển vọng cho XK đồ gỗ của Việt Nam. Trước đây, mức thuế nhập khẩu của nước này áp cho đồ gỗ khá cao, dao động 10 – 15%, nay với CPTPP, các nhà sản xuất Việt Nam sẽ có cơ hội để thâm nhập thị trường sâu hơn vì Mexico đã cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho toàn bộ các sản phẩm gỗ, ván sàn và đồ nội thất, ngoại thất của Việt Nam với lộ trình tối đa là 10 năm. Dự báo đơn đặt hàng từ Mexico với DN Việt sẽ lớn dần theo lộ trình giảm thuế.
Giới phân tích của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng trong dài hạn, lợi ích Việt Nam đạt được không chỉ là tăng XK mà còn bao gồm tăng hàm lượng công nghệ của hàng XK. Đầu tư tăng nhờ các lợi ích tiềm năng của CPTPP có thể làm cho XK ít phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu hơn, thay vào đó sẽ dựa nhiều hơn vào chuỗi cung ứng trong nước để khắc phục các hạn chế của quy tắc xuất xứ.
Phản ứng này sẽ giúp thúc đẩy XK hàng hóa có giá trị gia tăng, khuyến khích các công ty tư nhân trong nước hội nhập tích cực hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó thúc đẩy phát triển lĩnh vực sản xuất ở khu vực DN vừa và nhỏ.
Với đánh giá khả quan của chỉ số PMI, lĩnh vực sản xuất, công nghiệp chế biến của DN nhỏ, giới chuyên gia lưu ý bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, điều quan trọng hơn cả là bản thân các DN sản xuất và phân phối cần có sự kết nối chặt chẽ, từ đó cùng hỗ trợ nhau trong việc tiêu thụ sản phẩm, tăng sự hiện diện của hàng Việt tại thị trường nội địa và mở rộng thị trường XK.