Thông điệp "Con đường Tơ lụa" của Trung Quốc gửi tới Washington

Theo Minh Anh/baoquocte.vn

“Mặc kệ” các đồng minh châu Âu hay Mỹ cảnh báo về mối đe dọa chủ quyền, Italy vẫn là nước G7 đầu tiên tiến lại gần hơn với Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Italy tin rằng, Rome sẽ là nhà tiên phong dẫn đầu các nước châu Âu còn lại "đi" theo Con đường tơ lụa của Trung Quốc. Bình luận kinh tế của Thế Giới & Việt Nam.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mời Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker cùng tới gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Paris. Nguồn: Bloomberg
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mời Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker cùng tới gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Paris. Nguồn: Bloomberg

"Con đường tơ lụa đã có mặt ở châu Âu, chuyến tàu đến Trung Quốc sẽ khởi hành từ Duisburg, Đức", các nhà lãnh đạo Italy tin rằng, Rome sẽ là nhà tiên phong dẫn đầu các nước châu Âu còn lại dọc theo Con đường tơ lụa của Trung Quốc. Còn đối với Bắc Kinh, có khoản đầu tư nào có lợi bằng một “con đường dẫn thẳng tới châu Âu”.

Đột phá khẩu

Không nói tới những tính toán được hay  mất của Italy nhằm tìm lối thoát cho nền kinh tế vốn trì trệ của mình, nhưng hình ảnh nước thành viên G7 đầu tiên tham gia Sáng kiến cơ sở hạ tầng xuyên lục địa Vành đai - Con đường (BRI) của Trung Quốc đã thành đề tài gây ra nhiều tranh cãi. Dư luận phương Tây cho rằng, sự kiện này sẽ làm giảm sức ảnh hưởng của Mỹ, làm tăng vai trò của Trung Quốc.

Đặc biệt, khi chuyến công du của ông Tập Cận Bình tới châu Âu diễn ra vào đúng thời điểm Mỹ đang thất thế trong việc thuyết phục các đồng minh "tẩy chay" kế hoạch phát triển 5G của Huawei. Mỹ lo ngại, việc tham gia BRI là một dấu hiệu khác cho thấy các đồng minh của mình đang mềm mỏng hơn với Bắc Kinh. Và Hiệp định Rome - Bắc Kinh được coi như một sự "vượt rào" trong một mặt trận thống nhất chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng về kinh tế của Trung Quốc tại châu Âu.

Trong khi đó, bình luận về bước đi của ông Tập tại châu Âu, hai học giả Veleria Niquet và Christophe Paget thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Pháp (FRS) cho rằng, Trung Quốc đang tiếp tục thành công khi sử dụng mô hình song phương để thúc đẩy sáng kiến BRI, vì trước các đối tác yếu hơn, mô hình này giúp Trung Quốc dễ dàng nắm lợi thế. Theo đó, Trung Quốc đang dùng các khoản đầu tư tài chính lớn, các điều khoản quản lý vốn vay dễ dãi, thậm chí cả sử dụng vốn không cần chứng minh để đưa các đối tác vào khuôn khổ song phương, giúp Trung Quốc dễ dàng điều khiển.

Nghị định thư về thỏa thuận hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ sáng kiến “Con đường tơ lụa mới”, cùng các hợp đồng kinh tế có trị giá tới 20 tỷ Euro do Trung Quốc vừa ký kết với Italy thực chất cũng nằm trong mô hình song phương này.

Trong khi đó, giới bình luận cho rằng, cả giá trị biểu tượng và thực chất trong bước đi của Bắc Kinh tại Italy đều rất lớn. Theo đó, việc kết nối giữa sáng kiến BRI và kế hoạch “xây dựng hệ thống cảng khẩu” cùng “Kế hoạch đầu tư ở Italy” cho thấy rõ, Trung Quốc đã đạt được đột phá khẩu lớn tại châu Âu.

Thông điệp “lịch sự”

Trước chuyến thăm của ông Tập đến Pháp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron luôn thể hiện coi trọng sức mạnh và vai trò của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu, cũng như những nỗ lực nhằm thúc đẩy chủ nghĩa đa phương hiệu quả. Tuy nhiên, vượt lên những lời tán dương mang tính ngoại giao, Tổng thống Pháp là một trong những lãnh đạo châu Âu tỏ rõ thái độ kiên quyết nhất đối với Bắc Kinh.

Ông Macron từng tuyên bố rõ, EU phải có cách tiếp cận thống nhất với Trung Quốc. Paris đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải chọn lọc đầu tư, cũng như sự “có đi có lại” trong tiếp cận thị trường. Tổng thống Pháp cũng cảnh báo rằng, nước này quyết không nhượng bộ trước bất kỳ biểu hiện “bá quyền” nào.

Giới phân tích cho rằng, Tổng thống Macron đã làm cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải bối rối, do ông công nhận sức mạnh của nền kinh tế thứ hai thế giới, song đồng thời lại nhất quyết tuân thủ các quy tắc rõ ràng. Ông François Godement (Viện Montaigne) nhận xét rằng, trong con mắt của người Trung Quốc, Tổng thống Macron thậm chí còn khó “nắm bắt” hơn so với Thủ tướng Đức Angela Merkel. Tuy vậy, Pháp vẫn luôn là đối tượng “quyến rũ” đối với Trung Quốc, nhờ vai trò trụ cột trong EU.

Nhưng “Trung Quốc là một cơ hội chứ không phải là một mối nguy”, ông Macron đã từng viết như vậy trong một cuốn sách khi còn là ứng cử viên Tổng thống. Có thể như vậy mà chuyến thăm của ông Tập đến Pháp tuy không cho ra kết quả là một bản ghi nhớ về BRI, nhưng là một đơn đặt hàng khủng - 300 máy bay trị giá khoảng 35 tỷ USD cho Tập đoàn Airbus.

Thỏa thuận này diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh không ký thêm hợp một đồng lớn nào mua máy bay Boeing, kể từ khi nổ ra cuộc chiến thương mại với Mỹ. Trung Quốc cũng là nước đầu tiên phát lệnh cấm bay đối với dòng Boeing 737 Max 8. Khi Airbus vượt lên chiếm ưu thế, tất cả gần như trở thành cơn ác mộng với Boeing. 

Trung Quốc là một thị trường quan trọng với cả Airbus và Boeing khi theo dự báo, nước này sẽ cần thêm 7.400 máy bay mới trong vòng 20 năm tới, chiếm 20% nhu cầu toàn cầu. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thông thường sẽ tìm cách giữ cân bằng giữa hai nhà sản xuất máy bay của châu Âu và Mỹ.

Nhưng trong bối cảnh đàm phán thương mại Mỹ - Trung còn nhiều bế tắc, được cho là do những đòi hỏi của Mỹ, thương vụ mua Airbus của Trung Quốc là một thông điệp rõ ràng nhất và cũng là “đòn gió” nhưng đau nhất mà Bắc Kinh muốn gửi tới Mỹ rằng, họ muốn Washington phải "chơi đẹp nếu muốn được đáp lại", thay vì “đòn thuế quan”.