Thông tin tài chính - ngân hàng trong nước quý I/2015

Theo ncseif.gov.vn

1. Thông tin về hoạt động ngân hàng trong nước

Về tỷ giá: Trung tuần tháng 3, tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do và các NHTM liên tục được điều chỉnh, trong khi trên thế giới, đồng USD có sự tăng giá so với các đồng tiền khác. Tính đến ngày 24/3/2015, tỷ giá Vietcombank duy trì ở mức 21.455-21.575 VND/USD và hiện ở mức cao nhất 21.580 VND/USD, dưới trần tỷ giá chỉ 20 đồng. Mặc dù, trên thế giới, đồng USD đang bị bán tháo và hạ nhiệt, song tỷ giá trong nước vẫn duy trì ở mức cao, điều này ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong nước và lạm phát cũng sẽ bị tác động do hàng nhập khẩu, nguyên vật liệu nhập khẩu tăng giá.

Về lãi suất: Với chủ trương điều hành chính sách tiền tệ của NHNN theo hướng tiếp tục giảm lãi suất 1%/năm, phấn đấu mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn về dưới 10%/năm ngay từ đầu năm, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục phục hồi và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong tháng 3, một số NHTM tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay, đặc biệt là giảm ở các kỳ ngắn hạn. Cụ thể, lãi suất của Vietcombank ở các kỳ ngắn hạn 2 tháng và 6 tháng tiếp tục giảm, trong khi Techcombank giảm lãi suất huy động ở tất cả các kỳ 2, 6, 12 và 24 tháng.

Về nợ xấu: Trong tháng 3, NHNN công bố tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng tính đến hết tháng 12/2014 là 3,25% dư nợ tín dụng. Con số này cao hơn so với tỷ lệ theo tài liệu công bố, được trả lời chất vất của đại biểu Quốc hội vào tháng 02/2015 là 2,5-2,7%. Tuy nhiên, với quyết tâm xử lý nợ xấu của các cơ quan quản lý nhà nước và các NHTM thông qua Chỉ thị 02 của Thống đốc NHNN và thông qua hoạt động của VAMC, thì việc giải quyết nợ xấu trong giai đoạn tới là khá khả quan. Sự khác nhau trong các con số công bố nợ xấu có thể giải thích là do ảnh hưởng của một số chính sách như cơ cấu lại nợ nhưng không phải chuyển nhóm hoặc mức độ thực hiện cơ chế phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư số 09/2014/TT-NHNN.

2. Thông tin về giá một số mặt hàng

Tính đến cuối tháng 3, giá cả lương thực, thực phẩm ổn định, không tăng so với quý trước. Tuy nhiên, giá các loại rau xanh ở thị trường miền Bắc lại tăng khá cao, nhất là thị trường TP. Hà Nội.

Trong tháng 3, giá các mặt hàng nhiên liệu thiết yếu như giá bán lẻ điện sinh hoạt điều chỉnh tăng bình quân 7,5% từ ngày 16/3, giá xăng điều chỉnh tăng từ ngày 11/3 như xăng RON 92 và RON 95 tăng 1.610 đồng/lít, tăng thêm 10,27% do giá thế giới tăng trong thời gian vừa qua.

Động thái tăng giá này sẽ có ảnh hưởng nhất định đến giá các mặt hàng tiêu dùng khác trên thị trường song chưa gây tăng mạnh đến CPI trong tháng 3 này và dự kiến sẽ tác động làm tăng chỉ số CPI từ quý II trở đi.

Trong tháng 3, giá xi măng và thép xây dựng tại các nhà máy của Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng và Tổng Công ty Thép Việt Nam cũng như giá bán lẻ trên thị trường ổn định.

Cụ thể: giá bán lẻ xi măng tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung hiện phổ biến từ 1.050.000-1.550.000 đồng/tấn; tại các tỉnh miền Nam phổ biến từ 1.460.000-1.850.000 đồng/tấn; giá bán lẻ thép xây dựng tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung dao động phổ biến ở mức 14.500-15.200 đồng/kg; tại các tỉnh miền Nam dao động phổ biến ở mức 14.700-15.200 đồng/kg.

Từ đầu năm tới nay, tình hình giá cả xi măng tỏ ra ổn định trong khi giá thép giảm (mức giảm khoảng 700 đồng/kg).

Theo các chuyên gia, mức giá thép hiện đang giảm cao nhất trong vòng 3 năm qua, ngành thép đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi hội nhập kinh tế thế giới.

Trong thời gian qua, nguồn cung thép đã tăng trưởng mạnh mẽ với sự ra đời của hàng loạt dự án thép, trong khi nhu cầu xây dựng chậm có dấu hiệu hồi phục, vì vậy, hoạt động kinh doanh thép xây dựng ngày càng khó khăn hơn.

Sức tiêu thụ trên thị trường vẫn khá chậm dù các doanh nghiệp đã nỗ lực giảm giá bán, ưa đãi chiết khấu, kích cầu thị trường...

3. Thông tin về thị trường chứng khoán

Thanh khoản được cải thiện so với tháng trước đó là điểm nhấn lớn nhất trong tháng 3.

Trên sàn HOSE, VN-Index giảm 2,89% từ 592,57 điểm (ngày 27/02/2015) xuống 575,44 điểm (ngày 20/3/2015), khối lượng giao dịch trung bình đạt 105,07 triệu cổ phiếu/ phiên và giá trị giao dịch trung bình đạt 1.860,11 tỷ đồng/phiên. Tại HNX, HNX-Index giảm nhẹ 0,75% từ 85,77 điểm (ngày 27/02/2015) xuống 85,13 điểm (ngày 20/3/2015).

Khối lượng giao dịch trung bình trên HNX đạt 42,79triệu cổ phiếu/phiên và giá trị giao dịch trung bình đạt 567,72 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục duy trì trạng thái mua ròng trên sàn Hà Nội nhưng lại bán ròng trên sàn TP. Hồ Chí Minh.

Tính đến ngày 20/3/2015, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 127,70tỷ đồng trên HOSE và mua ròng 77,09 tỷ đồng trên HNX.

4. Thông tin về Doanh nghiệp và thị trường bất động sản

Thông tin từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, 2 tháng đầu năm 2015, cả nước có 13.766 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 26,6% về số doanh nghiệp và 23,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, bất động sản (BĐS) là lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao so với cùng kỳ năm 2014, mức tăng khoảng 88%.

Theo thông tin của Bộ Xây dựng, tính đến hết tháng 2, tổng giá trị tồn kho BĐS trong cả nước còn khoảng 73.153 tỷ đồng, so với quý I/2014 đã giảm 55.396 tỷ đồng, tương đương 22,56%; so với tháng 01/2015 giảm gần 234 tỷ đồng.

Trong số này, lượng hàng tồn kho là đất nền nhà ở vẫn có giá trị cao nhất với 27.783 tỷ đồng, tương ứng hơn 8,6 triệu m2. Tiếp đến là lượng tồn kho căn hộ chung cư với khoảng 14.995 căn, tương đương 22.994 tỷ đồng.

Tồn kho nhà thấp tầng cũng ở mức 10.445 căn với giá trị khoảng 17.830 tỷ đồng. Không chỉ đất ở và nhà ở mà cả đất nền thương mại cũng tồn kho hơn 1,6 triệu m2, tương đương 4.545 tỷ đồng. Bộ Xây dựng nhận định, mặc dù lượng tồn kho tiếp tục giảm theo chiều hướng tích cực từ thị trường nhưng con số này vẫn còn khá lớn.

Hiện tốc độ giảm tồn kho cũng bắt đầu chậm lại do phần lớn các dự án còn tồn đọng thường nằm ở vị trí xa trung tâm. Thêm vào đó, các dự án này chưa có đủ hạ tầng đồng bộ nên khó thu hút khách hàng.

5. Thông tin về thị trường vàng

Thị trường vàng thế giới: Ngày 20/3/2015, giá vàng đã chạm mức cao nhất trong vòng 2 tuần trước đó và có tuần tăng giá mạnh nhất kể từ giữa tháng 1, sau khi lưu ý thận trọng của FED về lãi suất đã chặn đà tăng của đồng USD và kích hoạt mua trên diện rộng các mặt hàng.

Phiên đầu giờ sáng 23/3/2015, giá vàng thế giới tiếp đà phục hồi tăng lên 1.183,65 USD/oz, tương đương 30,69 triệu đồng/lượng. Một số chuyên gia nhận định dự báo giá vàng đi xuống trong thời gian tới.

Thị trường vàng trong nước: Trong tháng 3, thị trường vàng trong nước diễn biến khá ổn định, mặc dù giá vàng thế giới biến động khá mạnh trong thời gian qua. Giá vàng trong nước sáng 23/3 điều chỉnh giảm nhẹ 20.000 đồng mỗi lượng. Hiện tại, giá vàng ở mức 35,26-35,36 triệu đồng/lượng, hầu hết các công ty vàng bạc đá quý duy trì chênh lệch mua vào – bán ra ở ngưỡng khoảng 30.000 – 100.000 đồng/lượng.

Tính đến ngày 23/3, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới ở ngưỡng 4,69 triệu đồng/lượng (theo tỷ giá Ngân hàng Vietcombank ngày 23/3 lúc 10h24 chưa kể thuế và phí).

Trong khi đó, tuần trước, chênh lệch giữa giá vàng nội và ngoại ở khoảng 5 triệu đồng/lượng. Cũng vì mức chênh lệch lớn này mà nhà đầu tư trong nước vẫn chưa mặn mà trong việc tham gia vào thị trường.