Thu hút đầu tư vào Hậu Giang - Góc nhìn từ một đề tài nghiên cứu
Đề tài “Đầu tư vào Hậu Giang, hiện trạng và giải pháp đến năm 2025” mang lại một bức tranh tổng quan về việc đầu tư vào tỉnh Hậu Giang, đưa ra các giải pháp thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của Tỉnh trong thời gian tới.
Từ góc nhìn thực tế
Thu hút đầu tư để tăng trưởng kinh tế là mục tiêu quan trọng của mọi địa phương, trong đó có tỉnh Hậu Giang. Để việc thu hút đầu tư vào tỉnh đạt hiệu quả cao, cần có cái nhìn tổng quan để đưa ra những phương hướng, biện pháp phù hợp với tình hình thực tế. Do đó, sự ra đời của đề tài “Đầu tư vào Hậu Giang, hiện trạng và giải pháp đến năm 2025” là rất cần thiết. Đề tài do TS.Trần Văn Dương chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Kinh tế là tổ chức chủ trì. Qua hơn 2 năm nghiên cứu, triển khai, đề tài đã mang lại nhiều kết quả có ý nghĩa đối với việc thu hút đầu tư của tỉnh nói riêng và sự tăng trưởng của nền kinh tế nói chung.
Đề tài đã chỉ ra những thế mạnh và khó khăn trong thu hút đầu tư của Hậu Giang. Thế mạnh của tỉnh là có vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, có lợi thế về nguồn nhân lực và sự tiến bộ của khoa học công nghệ. Tỉnh đã đưa ra những chính sách giải quyết việc làm, phát triển nguồn nhân lực, ưu đãi đầu tư nhằm tạo lợi thế cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư vào tỉnh. Tuy nhiên, Hậu Giang cũng gặp nhiều khó khăn khi khả năng cạnh tranh của các thương hiệu, sản phẩm đặc trưng còn thấp, cơ sở hạ tầng giao thông, kỹ thuật thiếu đồng bộ, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, gặp các vấn đề như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, đề tài đã nêu lên hiện trạng đầu tư vào ngành dịch vụ, sản xuất, du lịch và lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Phân tích hiện trạng công nghệ theo các dự án đầu tư, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào tỉnh.
Đề tài đã tiến hành khảo sát 900 mẫu với đối tượng là những tổ chức, doanh nghiệp, lao động tại tỉnh về các yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư vào tỉnh Hậu Giang. Qua khảo sát, các yếu tố được cho là ảnh hưởng nhất là: điều kiện cơ sở hạ tầng (19.8%), nguồn nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực (14,9%), vị trí địa lý và nguồn tài nguyên thiên nhiên (14,3%), thủ tục hành chính và chính sách thu hút FDI của tỉnh (12,9%).
Theo ông Võ Công Khanh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: “Đề tài đã thể hiện những nội dung gần sát với tình hình thực tế của tỉnh và có thể áp dụng vào thực tiễn. Các lý thuyết và số liệu khảo sát mà đề tài thu thập, đưa ra sẽ là những căn cứ để sở phân tích và đưa ra những kế hoạch, quy hoạch để thu hút đầu tư. Đề tài cũng là cơ sở dữ liệu quan trọng để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và năng lực cạnh tranh của các sở ngành, huyện thị”.
Đề ra những giải pháp cho tương lai
Từ góc nhìn thực tế, đề tài đã đưa ra nhiều giải pháp để tăng cường thu hút đầu tư vào tỉnh trong thời gian tới. Cụ thể, đề tài đã đề xuất 3 mô hình thu hút đầu tư đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2030, bao gồm: Mô hình thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị; Mô hình thu hút kiều hối và doanh nhân trong nước; Mô hình thu hút FDI tận dụng những lợi thế của tỉnh Hậu Giang. Đối với từng mô hình, đề tài đã đưa ra những kiến nghị để ứng dụng vào thực tiễn.
Đề tài còn đưa ra nhiều giải pháp về chính sách, quy hoạch và xúc tiến đầu tư của tỉnh. Trong đó, việc thay đổi nhận thức và cách tiếp cận chính sách thu hút đầu tư là điều vô cùng cần thiết. Đề xuất Hậu Giang cần cải thiện chính sách, dịch vụ, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và hỗ trợ nhà đầu tư. Xây dựng chương trình hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, đặc biệt là vào các ngành trọng điểm. Ngoài ra, tỉnh nên tập trung phát triển nguồn nhân lực, có kế hoạch quảng bá môi trường đầu tư hiệu quả và quản lý rủi ro trong đầu tư. Nhiều giải pháp thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, nông nghiệp, nông thôn và du lịch cũng được đề xuất để mang lại hiệu quả cao cho tỉnh.
Vừa qua, đề tài đã được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh tiến hành đánh giá, nghiệm thu. Hội đồng đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp để nhóm nghiên cứu hoàn thiện đề tài. Ông Nguyễn Huỳnh Phước, Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Trong giai đoạn 2021-2025, Hậu Giang xác định công nghiệp là mũi nhọn. Tỉnh đang xây dựng định hướng phát triển các khu, cụm công nghiệp. Đến năm 2025, sẽ quy hoạch thêm 5 khu công nghiệp với quy mô 2.000ha. Trong các khu này, đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung, quy hoạch hệ thống giao thông, vỉa hè và số lượng cây xanh... để đảm bảo công tác môi trường. Do đó, nhóm nghiên cứu cần bổ sung thêm những nội dung này”. Ngoài ra, đề tài cần bổ sung thêm những đề xuất về các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh để nghiên cứu, áp dụng.
Ông Huỳnh Thanh Phong - Giám đốc Sở Công thương Hậu Giang, nhận xét: “Đề tài đã đánh giá được thực trạng đầu tư vào các lĩnh vực trên địa bàn tỉnh Hậu Giang và đưa ra được 3 nhóm giải pháp từ cơ sở khoa học và thực tiễn. Đề tài có ý nghĩa lý luận và có tính ứng dụng, là nguồn tài liệu tham khảo mới cho các nhà nghiên cứu kinh tế, cơ quan quản lý nhà nước và các nhà đầu tư mong muốn đầu tư vào tỉnh Hậu Giang”. Với những giá trị đó, đề tài sẽ là cơ sở quan trọng để thu hút đầu tư vào tỉnh trong thời gian tới