Tác động từ Hiệp định CPTPP tới FDI và ngoại thương của Việt Nam
iệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới chất lượng cao và khá toàn diện, với mức độ cam kết sâu nhất từ trước tới nay, có nhiều tác động đến thương mại quốc tế - hoạt động ngoại thương, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cải cách thể chế của Việt Nam.
Trên cơ sở khái quát về FDI và hoạt động ngoại thương của Việt Nam, bài viết tập trung phân tích một số tác động chủ yếu của Hiệp định CPTPP tới FDI, hoạt động ngoại thương và một số ngành kinh tế của Việt Nam dựa trên những phân tích có sử dụng kết quả của các nghiên cứu khác dựa trên mô hình cân bằng tổng thể toàn cầu (GTAP).
1. Khái quát về Hiệp định CPTPP và các FTA có Việt Nam tham gia
Hiệp định CPTPP sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với quy mô thị trường với tổng giá trị GDP khoảng 10.567 tỷ USD, chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường rộng lớn trải rộng trên nhiều châu lục. Trong đó, Nhật Bản là quốc gia chiếm đến gần 50% về quy mô kinh tế của khối Hiệp định CPTPP với 4.872 tỷ USD. Các quốc gia thành viên khác có tổng sản phẩm trong nước lớn thứ là Canada với 1.653 tỷ USD, Mexico 1.150 tỷ USD và Australia 1.323 tỷ USD. Quy mô kinh tế Việt Nam đứng thứ 10 với 255 tỷ USD, tương đương khoảng 2% tổng GDP toàn khối.
Cơ cấu xuất, nhập khẩu hiện nay đã cho thấy, thực tế là Việt Nam mới chỉ tập trung khai thác được 4/10 thị trường trong Hiệp định CPTPP. Đây cũng là những nước mà Việt Nam đã có các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương hoặc đa phương (Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Australia). Theo UNComtrade (cơ sở thống kê dữ liệu thương mại tiêu dùng của Liên Hợp quốc, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước Hiệp định CPTPP là khoảng 29 tỷ USD (năm 2015), tập trung vào các nhóm mặt hàng nông sản (chiếm 11%), sản phẩm chế tạo (27%), máy móc và thiết bị (33%). Việt Nam xuất khẩu chủ yếu vào một số thị trường các nước thuộc Hiệp định CPTPP là Nhật Bản (48,6%), Malaysia (12,3%), Singapore (11,2%), Australia (10%), trong đó Nhật Bản chiếm tỷ trọng lớn trong hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu từ Việt Nam. Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Nhật Bản (50,4%), Singapore (21,4%) và Australia (7,19%). Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ Hiệp định CPTPP là máy móc và thiết bị vận tải (42,2%), hàng chế biến, chế tạo (18,1%), hóa chất và sản phẩm hóa chất (10,1%).
Việt Nam hầu như chưa khai thác được thị trường châu Mỹ. Hiện xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này là khoảng 4,8 tỷ USD, chiếm 16,6% trong kim ngạch xuất khẩu sang Hiệp định CPTPP và 2,98% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tương tự, nhập khẩu từ các thị trường này mới khoảng 1,2 tỷ USD, chiếm 4,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu từ Hiệp định CPTPP và 0,7% tổng kim ngạch nhập khẩu. Việc tiếp cận với các thị trường này còn nhiều hạn chế là do khoảng cách địa lý, mức độ tương đồng trong xuất khẩu (liên quan đến mức độ cạnh tranh trực tiếp) giữa Việt Nam với các nước.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), lũy tiến đến tháng 3/2019, các nước thuộc Hiệp định CPTPP đã đăng ký khoảng 120 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam, chiếm khoảng 26,5% tổng vốn đăng ký. Tương tự như thương mại, các nhà đầu tư lớn trong Hiệp định CPTPP của Việt Nam là Singapore (38,3%), Nhật Bản (41,5%) và Malaysia (11,7%).
2. Phương pháp nghiên cứu
2.1. Phương pháp thu thập thông tin
Tác giả tiến hành thu thập số liệu về thương mại quốc tế, về vốn FDI của các quốc gia thuộc Hiệp định CPTPP và Việt Nam từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), từ UNComtrade trong giai đoạn 2007 - 2019. Ngoài ra, tác giả còn tham khảo số liệu về xuất nhập khẩu và FDI trong một số công trình khoa học đã được công bố để phục vụ quá trình nghiên cứu.
2.2. Phương pháp xử lý, tổng hợp và phân tích số liệu
Sau khi thu thập và tổng hợp được số liệu nghiên cứu, tác giả tiến hành phân tích số liệu bằng các phương pháp đồ thị, phương pháp so sánh và bảng thống kê. Ngoài ra, tác giả còn ứng dụng phần mềm tin học Microsoft Excel và các công cụ máy tính để xử lý dữ liệu. Để làm sáng tỏ các tác động của Hiệp định CPTPP tới thương mại và đầu tư của Việt Nam, nhóm tác giả sử dụng mô hình GTAP (Global Trade Analysis Project).
3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
3.1. Khái quát về FDI và hoạt động ngoại thương của Việt Nam
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức tương đối cao nhưng trên thực tế không đạt mục tiêu để ra theo Chiến lược 2011-2020: Chỉ đạt 6,3% so với mục tiêu đặt ra là bình quân 7 - 8%/năm mặc dù có lợi thế về dân số vàng. FDI đóng góp trên 50% giá trị sản lượng công nghiệp, 72% giá trị xuất khẩu, 23,4% vốn đầu tư xã hội. Tuy nhiên, hiệu ứng lan tỏa thấp (tỷ lệ DN có vốn FDI sử dụng công nghệ của châu Âu và Hoa Kỳ chỉ chiếm khoảng 6%; tỷ lệ DN có vốn FDI sử dụng công nghệ Trung Quốc khá cao từ 30-40%, tỷ lệ DN FDI sử dụng công nghệ lâu năm, có tuổi đời từ năm 2000 - 2005 chiếm tới hơn 65%). Công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, kéo theo hệ lụy và tác động lâu dài đến sức khỏe người dân và hệ sinh thái. Đóng góp cho ngân sách nhà nước luôn thấp hơn của khu vực tư trong giai đoạn 2008-2018.
Như vậy, có thể thấy trong 10 năm trở lại đây, FDI tăng cao, có sự dịch chuyển mạnh cả về hình thức, đối tác và lĩnh vực đầu tư; FDI tập trung chủ yếu vào công nghiệp chế biến, chế tạo, song bắt đầu có sự dịch chuyển tới một số ngành dịch vụ; FDI từ Hồng Kông và Trung Quốc tăng nhanh; xu hướng góp vốn và đầu tư mua cổ phần thông qua hình thức mua bán và sáp nhập (M&A) ngày càng rõ nét. Xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng khá, cán cân thương mại thặng dư cao; xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng mạnh.
3.2. Tác động của Hiệp định CPTPP tới FDI và hoạt động ngoại thương của Việt Nam
- Đối với hoạt động ngoại thương:
Kết quả tính toán cho thấy, lợi ích ròng mà các thành viên Hiệp định CPTPP nhận được từ tự do hóa thương mại sẽ chỉ vào khoảng 0,3% tổng GDP của các thành viên, tương ứng với 37,3 tỷ USD trong trung hạn. Trong đó, Malaysia sẽ có thể có được nhiều lợi ích nhất (bằng 2% GDP), theo sau là Việt Nam và Brunei với khoảng 1,5% GDP. Nhìn chung, về tổng thể Hiệp định CPTPP là có lợi cho Việt Nam, nhưng thấp hơn khá nhiều so với TPP. Cụ thể, do tác động của cắt giảm thuế quan, Hiệp định CPTPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 1,32% (Số liệu cơ sở là của năm 2011), tương đương với 1,7 tỷ USD (trong TPP, con số này là khoảng 6,7%).
Thực hiện cam kết từ Hiệp định CPTPP, Việt Nam dự kiến đạt được lợi ích từ xuất khẩu với tổng mức tăng thêm về kim ngạch xuất khẩu khoảng 4% (tương đương 4,09 tỷ USD); Hiệp định CPTPP chiếm tỷ trọng vừa phải trong cơ cấu xuất khẩu. Tuy nhiên, xuất khẩu sang một số thị trường các nước thuộc Hiệp định CPTPP có sự cải thiện (Hình 06). Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng sẽ tăng thêm ở mức 3,8-4,6%, tương đương 4,93 tỷ USD (Trung tâm thông tin và dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia). Do tốc độ tăng xuất khẩu cao hơn nhập khẩu, nguy cơ thâm hụt thương mại có thể được kiềm chế theo thời gian.
Việc tăng xuất khẩu sẽ chủ yếu là sang các nước trong Hiệp định CPTPP với tốc độ tăng thêm ở mức 14,3% (giả định lũy tiến đến năm 2035), tương đương với 2,61 tỷ USD, trong khi xuất khẩu sang các nước ngoài Hiệp định CPTPP tăng thêm 1,7% (tương đương 1,4 tỷ USD). Điều này cho thấy, việc tham gia Hiệp định CPTPP có thể giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đối với nhập khẩu, mức độ tăng thêm do Hiệp định CPTPP từ các nước trong khối là không lớn, và việc tăng thêm nhập khẩu sẽ chủ yếu là từ các nước ngoài Hiệp định CPTPP (tăng thêm 3,8 tỷ USD, chiếm 83% tổng nhập khẩu tăng thêm). Theo kết quả này, Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ một số nước hiện nay như Trung Quốc, Hàn Quốc ngay cả khi có Hiệp định CPTPP.
- Đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI:
Tác động của Hiệp định CPTPP tới FDI vào Việt Nam xuất phát từ (1) mở cửa đầu tư và giảm rủi ro đầu tư thông qua các cam kết về bảo hộ đầu tư; (2) tự do hóa dịch vụ và (3) tận dụng quy định về nguồn gốc xuất xứ trong thương mại. Tự do hóa và cải thiện môi trường đầu tư từ Hiệp định CPTPP có thể không tác động nhiều tới luồng đầu tư vào Việt Nam, do các yếu tố sau:
Một là, bản thân môi trường đầu tư của Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều trong thời gian gần đây, đặc biệt là những sửa đổi trong Luật DN và Luật Đầu tư (2014). Chỉ số hạn chế đầu tư của Việt Nam đã giảm rất nhanh từ 0,43 xuống còn 0,11 (4 lần). Việt Nam là một trong những nước có tốc độ cải thiện môi trường đầu tư nhanh nhất trong ASEAN.
Hai là, các đối tác đầu tư lớn trong Hiệp định CPTPP (Australia, Nhật Bản, Singapore) đều đã tham gia các FTA với Việt Nam, trong đó các cam kết về đầu tư đã được mở rộng phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ba là, với Hiệp định CPTPP, lợi thế từ xuất khẩu vào thị trường Mỹ không còn, vì vậy không quá hẫp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, thiếu Mỹ, Việt Nam có thể sẽ mất đi cơ hội lớn thu hút đầu tư từ nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Phân tích kết quả từ mô hình GTAP cũng cho thấy, tác động của tự do hóa đầu tư trong Hiệp định CPTPP tới tăng trưởng của Việt Nam ở mức thấp nhất trong số 11 nước Hiệp định CPTPP (0.003 điểm %), tương tự với Nhật Bản, Chile (cao nhất là Malaysia và Singapore).
- Đối với một số ngành, lĩnh vực kinh tế của Việt Nam:
Do tác động của Hiệp định CPTPP, tốc độ tăng trưởng sản lượng của một số ngành có thể giảm, bao gồm chăn nuôi, chế biến thực phẩm, và dịch vụ bảo hiểm. Ngành chăn nuôi là ngành bị ảnh hưởng nhiều từ Hiệp định CPTPP do sức cạnh tranh của ngành này rất yếu. Trong nông nghiệp, trừ mặt hàng gạo, thuế quan hiện hành của các nước với sản phẩm chăn nuôi không cao, vì thế, việc hạ thấp thuế quan trong Hiệp định CPTPP không tạo ra nhiều tác động xuất khẩu. Tốc độ tăng trưởng của ngành chế biến thực phẩm giảm đi ở mức 0,37%- 0,52%.
Tác động của Hiệp định CPTPP tới các ngành dịch vụ tài chính là không lớn. Lý do chính có lẽ là cam kết mở cửa dịch vụ không quá lớn so với cam kết trong WTO. Cụ thể, Hiệp định CPTPP tạo thêm 0,01-0,03% tăng trưởng, đồng thời cũng làm tăng nhập khẩu các dịch vụ này ở mức khá cao (2,4-3,6%), trong khi xuất khẩu sẽ bị giảm đi ở mức 2,8% đến 3,2%. Hầu hết các ngành công nghiệp nhẹ và thâm dụng lao động vẫn được hưởng lợi từ Hiệp định CPTPP. Hiệp định có thể tạo thêm mức tăng trưởng cho nhóm ngành này từ 4-5%, và mức tăng xuất khẩu có thể đạt thêm từ 8,7-9,6%...
Kết quả tính toán của nhóm tác giả cũng cho thấy, trong Hiệp định CPTPP, ngành Dệt may vẫn tăng thêm được quy mô sản xuất và giá trị xuất khẩu nhờ Hiệp định CPTPP. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tăng thêm là từ 8,3-10,8%. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao của ngành này là do hàng dệt may, da giày có sức cạnh tranh về giá lớn hơn ở các thị trường mới trong Hiệp định CPTPP, trong khi vẫn giữ được thị trường chủ lực là Mỹ và EU.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, mức tăng trưởng xuất khẩu của ngành da giày vào thị trường Mỹ năm 2016 là 9,9%; Nhật Bản 12%; Canada 16%; Australia 18,4%; Đức 8,3%; Bỉ 14,4%; Hà Lan 11%.
- Đối với lao động:
Tính chung Hiệp định Hiệp định CPTPP có thể mang lại từ 352 ngàn tới 456 ngàn việc làm. Những ngành bị ảnh hưởng là sản xuất nông nghiệp, chế biến thực phẩm, và hầu hết nhóm ngành dịch vụ. Những ngành hưởng lợi lớn về việc làm là dệt may, thương mại, các ngành công nghiệp nhẹ.
3.3. Hàm ý về chính sách đối với Việt Nam khi thực hiện các cam kết của Hiệp định CPTPP
Các kết quả nghiên cứu cho thấy, Việt Nam cần lưu ý một số vấn đề khi thực hiện các cam kết của Hiệp định CPTPP gồm:
Một là, nếu tính bình quân/năm thì tác động tới GDP và xuất khẩu là không đáng kể. Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng cao hơn từ các yếu tố khác (Ví dụ đổi mới mô hình tăng trưởng, tận dụng các FTA hiện tại).
Hai là, cần tính tới tốc độ và khả năng Việt Nam tái cơ cấu kinh tế trong nước và đổi mới thể chế có phù hợp với tốc độ mở cửa trong Hiệp định CPTPP để hiện thực hóa được lợi ích từ tăng trưởng về GDP cũng như xuất khẩu.
Ba là, yếu tố “Nguồn gốc xuất xứ” sẽ ảnh hưởng và quyết định rất lớn tới khả năng hiện thực hóa lợi ích từ Hiệp định CPTPP. Điều này phụ thuộc vào cả trình độ khoa học công nghệ trong nước lẫn khả năng tham gia vào chuỗi giá trị. Việt Nam cần có những đột phá trong cả hai lĩnh vực này để tận dụng được những lợi thế từ Hiệp định CPTPP.
Bốn là, tham gia Hiệp định CPTPP là cơ hội giúp Việt Nam có vị thế, năng lực thỏa thuận tốt hơn ở các FTA khác đang và sẽ được đàm phán. Việc mở rộng thêm các thị trường mới chủ yếu là thị trường nhỏ. Do vậy, với mức cam kết cao trong Hiệp định CPTPP, Việt Nam có tận dụng được cơ hội hay không phụ thuộc vào năng lực và chiến lược ngoại thương, cải thiện tình hình sản xuất trong nước thời gian tới.
Năm là, một số nghiên cứu gần đây cho thấy, hiệu ứng “Bát mỳ” có thể xảy ra khi có quá nhiều các FTA đan xen giữa các quốc gia làm giảm lợi ích thu được từ một FTA. Mặt khác, tỷ lệ sử dụng mức thuế ưu đãi thông qua FTA tại các quốc gia châu Á là khá thấp (trung bình cứ 04 DN mới có 01 DN sử dụng được, ở Việt Nam là khoảng 37%) do quy mô DN nhỏ (Việt Nam có đến trên 90% DN nhỏ và vừa, có nhiều DN siêu nhỏ), cũng như thông tin giúp DN Việt Nam tiếp cận FTA chưa được thực hiện tốt. Việt Nam cần có một chiến lược tốt khắc phục điều này, Hiệp định CPTPP mới thực sự phát huy tác dụng trong thời gian tới.
4. Kết luận
Nhìn chung, cả về mặt định tính và định lượng, Hiệp định CPTPP có tác động tích cực tới kinh tế Việt Nam, trong đó rõ nét nhất là FDI và ngoại thương của Việt Nam. Cơ hội lớn nhất là việc tiếp cận các thị trường xuất khẩu mới ở châu Mỹ, cũng như tận dụng mức cam kết mở cửa sâu hơn với các FTA hiện nay. Đặc biệt, Hiệp định CPTPP có thể giúp Việt Nam giảm phụ thuộc thương mại quốc tế (chủ yếu xuất khẩu) vào một số đối tác truyền thống mà sự phụ thuộc đó có thể kéo theo sự phụ thuộc về các lĩnh vực khác. Tận dụng được những lợi thế và khắc phục những bất lợi từ Hiệp định CPTPP, khi đó FDI và hoạt động ngoại thương của Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng tốt và bền vững.
Tài liệu tham khảo:
Quốc hội, Luật Đầu tư, số 67/2014/QH13;
Chính phủ (2016), Nghị định số 131/2006/NĐ-CP;
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2019), Báo cáo tình hình thu hút và sử dụng vốn FDI giai đoạn 2010- 2019;
Tổng cục Hải quan Việt Nam, Báo cáo tình hình xuất nhập khẩu, 2019;
Tổng cục Thống kê (2019), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam 2018;
Tổng cục Thống kê (2019), Niên giám thống kê 2018, Hà Nội, NXB Thống kê;
Nguyễn Thị Tuệ Anh (2008), Tăng trưởng năng suất lao động Việt Nam 16 năm (1991 - 2006) từ góc độ đóng góp của các ngành kinh tế và chuyển dịch cơ cấu ngành. Hà Nội: NXB Lao động;
Vũ Chí Lộc (2012), Giáo trình Đầu tư quốc tế, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội;
Phùng Xuân Nhạ, Nguyễn Thị Minh Phương, Tạp chí Khoa học Đại học quốc gia Hà Nội: Kinh tế và Kinh doanh, Tập 32, số 1 (2016) 1-10;
Trans Pacific Partnership pact to drive major gains for Vietnam in FDI, realty investment & exports, issued by DealstreetAsia, 20/10/2015;
Pradumna B. Rana and Ji Xianbai, 2017. TPP’s Resurrection: Will It Be Finally Ratified?