Thu hút FDI năm 2015: Niềm vui trọn vẹn

Theo baodautu.vn

Một năm thăng trầm trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam, đầu năm suy giảm, cuối năm tăng mạnh. Con số của cả năm chắc chắn sẽ không chỉ dừng ở 22,76 tỷ USD như ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mà còn lớn hơn thế và điều này đã khiến cho Việt Nam có một niềm vui trọn vẹn trong năm 2015.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Niềm vui ngày cuối năm

Những ngày cuối cùng của năm 2015, dồn dập tin vui đến với thu hút FDI của Việt Nam. Chiều ngày 29/12, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) đã chính thức trao Giấy chứng nhậnđầu tưđiều chỉnh choDự ánTổ hợp Samsung CE Complex (SEHC). Theo đó, dự án này sẽ nâng vốn đầu tư từ 1,4 tỷ USD hiện tại lên 2 tỷ USD, đồng thời thời bổ sung nội dung thành lập Phòng thí nghiệm đo kiểm trong lĩnh vực điện tử, viễn thông và bổ sung hoạt động bảo hành, sửa chữa trong phạm vi nhà máy của Dự án.

Có thêm chỉ khoản vốn tăng thêm 600 triệu USD này, vốn FDI vào Việt Nam chắc chắn sẽ vượt qua con số 23 tỷ USD, chứ không chỉ là 22,76 tỷ USD (bao gồm cả đăng ký mới và tăng thêm) như con số ước tính đến ngày 20/12/2015 của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Trước đó đúng một ngày, Shinsegae, tập đoàn bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc - vốn cùng một mẹ sinh ra với Tập đoàn Samsung - cũng đã khai trương đại siêu thị đầu tiên với tên gọi Emart tại TP.HCM. Trao đổi với Báo Đầu tư, ông Choi Kwang Ho, Giám đốc Emart Việt Nam, cho biết, dự án đầu tiên này có diện tích 3 ha và được đầu tư với chi phí khoảng 60 triệu USD. Ngoài Emart đầu tiên này, đánh dấu sự hiện diện chính thức của Shinsegae tại thị trường Việt Nam, Tập đoàn cũng đã lên kế hoạch đầu tư tiếp một đại siêu thị tại quận Tân Phú (TP.HCM).

Trong khi đó, ngày 25/12, dự án FDI có quy mô vốn lớn nhất hiện nay - Liên hợp Thép Formosa và Cảng nước sâu Sơn Dương (Hà Tĩnh), với vốn đăng ký hiện đã lên tới 10,5 tỷ USD - cũng đón nhận sự kiện lớn, đánh dấu bước tiến trọng đại của Dự án: dây chuyền sản xuất thép cuộn đầu tiên của Dự án đã cho ra cuộn thép cán nóng đầu tiên đạt chất lượng sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn kinh doanh.

3 dự kiện dồn dập đã mang tới một cái kết hoàn hảo cho một năm thành công của Việt Nam trong thu hút FDI, không chỉ về vốn đăng ký, mà cả vốn giải ngân.

Số liệu tổng hợp từ Cục Đầu tư nước ngoài, ước tính đến ngày 20/12/2015, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tăng 12,5% so với năm ngoái. Trong khi đó, vốn giải ngân tăng 17,4%, đạt 14,5 tỷ USD. “Đây là mức giải ngân kỷ lục mà chưa bao giờ Việt Nam đạt được”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhận định.

Những con số này cho thấy, Việt Nam đã có một năm thành công trong cả thu hút mới và giải ngân vốn FDI. “Điều này chứng tỏ, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã có những dấu hiệu cải thiện, niềm tin của các nhà đầu tư đã dần tăng lên”, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.

Một năm thăng trầm và kỳ vọng làn sóng FDI mới

Cũng cần phải nhắc lại rằng, Việt Nam đã khởi đầu một năm 2015 thu hút FDI trong khó khăn. Liên tục là các con số thống kê về sự sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. 4 tháng, vốn FDI vào Việt Nam chỉ là 3,72 tỷ USD, giảm hơn 23% so với cùng kỳ. 5 tháng, mức giảm vẫn xấp xỉ 20%. 6 tháng, với 3,839 tỷ USD, mức giảm thậm chí đã tăng lên tới 30% so với cùng kỳ.

Câu hỏi cũng liên tục đặt ra, phải chăng là Việt Nam đã thua trong cuộc đua thu hút FDI với các quốc gia khác trong khu vực? Và phải chăng, môi trường đầu tư là có vấn đề. Dù khi ấy, ông Đặng Xuân Quang, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài đã nhiều lần khẳng định, vấn đề chỉ nằm ở chỗ từ đầu năm tới thời điểm ấy, ít dự án FDI quy mô lớn đăng ký mới và tăng vốn đầu tư vào Việt Nam và rằng, khi có dự án cả tỷ USD, thì tình thế sẽ xoay chuyển, song dấu hỏi nghi ngờ vẫn tồn tại.

Tình hình bắt đầu khá hơn vào tháng 7, khi riêng vốn đăng ký mới đã đạt 6,9 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ. Nhưng nếu cộng với 1,88 tỷ USD vốn tăng thêm, thì vốn FDI vào Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2015 vẫn giảm 7,4% so với cùng kỳ.

Mức giảm đã thấp hơn và điều quan trọng, vào thời điểm ấy, nhiều nguồn tin cho biết, hồ sơ tăng vốn đầu tư thêm 3 tỷ USD của Samsung Display (Bắc Ninh) đã nằm trên bàn của Chính phủ và chỉ còn chờ cái gật đầu cuối cùng là có thể thông qua.

Và đúng như vậy, sau khi Samsung Display được trao Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh để nâng tổng vốn đầu tư từ 1 tỷ USD lên 4 tỷ USD, vốn FDI vào Việt Nam đã có sự đảo chiều ngoạn mục. 8 tháng, tổng vốn FDI, bao gồm cả cấp mới và tăng thêm lên tới 13,33 tỷ USD, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm 2014. Kể từ sau dự án Samsung Display, vốn FDI từ từ tăng tốc, và chủ yếu nhờ cácdự án tỷ USDđã được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Đó là các dự án Thành phố Đế Vương, vốn đầu tư 1,2 tỷ USD ở TP.HCM; Nhà máy Điện Duyên Hải 2, vốn đầu tư 2,4 tỷ USD tại Trà Vinh và Dự án Nhà máy Sản xuất giấy bao bì Cheng Loong, vốn đầu tư 1 tỷ USD ở Bình Dương. Cuối cùng, dù chỉ tăng thêm 600 triệu USD, nhưng SEHC đã mang tới một cái kết đẹp cho một năm thành công trong thu hút FDI của Việt Nam.

Tương lai thậm chí rộng mở hơn trong năm tới. Bởi nhiều dự báo gần đây cho thấy, với việckinh tếvĩ mô hồi phục, Việt Nam đã và sẽ tham gia một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, trong đó nổi bật là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam - Hàn Quốc, FTA Việt Nam - EU vốn FDI sẽ tiếp tục chảy vào Việt Nam.

“Việt Nam đang là lựa chọn hàng đầu để đầu tư của nhiều tập đoàn đa quốc gia. Trước đây, có thể họ còn nghe ngóng tình hình, nhưng giờ thì mọi chuyện đã rõ, các FTA đã hoàn tất và họ sẽ đầu tư mạnh vào Việt Nam”, ông Glenn Maguire, Chuyên gia Kinh tế trưởng khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương củaNgân hàngANZ nói.

Công ty tư vấnbất động sảnCushman & Wakefield cách đây vài tháng đã công bố bảng xếp hạng “Điểm dừng chân cho các nhà sản xuất năm 2015”, trong đó xếp Việt Nam ở vị trí đầu tiên trong số các quốc gia mới nổi thu hút ngành sản xuất. Trong bảng xếp hạng của mình, Cushman & Wakefield cho rằng các dự án sản xuất hàng tiêu dùng nhanh sẽ bùng nổ ở Việt Nam nhờ vào các cơ hội đến từ thị trường bán lẻ.

Không chỉ các nhà bán lẻ, các nhà sản xuất lớn cũng đang từng bước biến Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất của mình. Không chỉ là Samsung, Intel, Microsoft…, mà những cái tên được nhắc tới gần đây là Jabil Circuit (Mỹ), Hyosung (Hàn Quốc), Texhong (Hồng Kông)…, những nhà đầu tư đang nỗ lực thiết lập hệ thống sản xuất tại Việt Nam để đón đầu các cơ hội do các FTA mang lại.

Thậm chí, theo ông Jonathan Choi, Chủ tịch Tập đoàn Sunwah và Tập đoàn VinaCapital thì Việt Nam đang có một cơ hội chưa từng có để thu hút FDI. “Tôi cho rằng, cơ hội đã quay trở lại với Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài đang trông chờ vào các cơ hội đầu tư trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, nông, thủy sản”, ông Jonathan Choi nói.

Cơ hội là chưa từng có. Nhưng vấn đề là, Việt Nam tận dụng được cơ hội này đến đâu. Câu trả lời là phải hành động để tiếp tục cải thiện toàn diện môi trường đầu tư và kinh doanh. Và nói như Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, đó là phải vượt qua chính mình, bởi nếu không tự đổi mới mình, vươn lên, thì sẽ ngày càng nhiều đối thủ trong thu hút FDI. “Ngay cả Lào, Campuchia hay Myanmar cũng sẽ trở thành đối thủ của Việt Nam, chứ không phải là Singapore hay Malaysia như trước”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã nhiều lần nhấn mạnh.

Động lực cho tăng trưởng kinh tế

Sẽ thật thiếu sót nếu chỉ nhìn nhận một năm thành công của thu hút FDI của Việt Nam bằng các con số về vốn đăng ký hay vốn giải ngân. Hãy nhìn vào con số mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Quốc hội mới đây: Năm 2015, xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) ước đạt 115,1 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2014 và chiếm 70,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, nhập khẩu của khu vực này là 97,9 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2014 và chiếm 59,2% tổng kim ngạch nhập khẩu. Tính chung, trong năm 2015, khu vực FDI xuất siêu gần 17,15 tỷ USD.

Sự thắng thế của khu vực FDI trong đóng góp vào kim ngạch xuất nhập khẩu, kéo theo đó là sản xuất công nghiệp và tăng trưởng GDP đã khiến khu vực này trở thành “động cơ tăng trưởng” khỏe nhất trong 4 động cơ của cỗ xe tăng trưởng của Việt Nam, bao gồm khu vực kinh tế nhà nước, khu vựcdoanh nghiệptư nhân trong nước, nông nghiệp hộ gia đình - cá thể và khu vực FDI. Ông Nguyễn Xuân Thành, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright đã nhiều lần khẳng định điều này.

Một cách rõ ràng, các chuyên gia kinh tế cũng đã thừa nhận việc khu vực FDI đã trở thành động lực tăng trưởng quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam. “Chỉ hai dự án của Samsung ở Bắc Ninh và Thái Nguyên đã tạo động lực tăng trưởng cho các tỉnh phía Bắc”, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI nhấn mạnh.

Song khi khu vực FDI quá mạnh, đâu đó lại có những quan điểm trái chiều về việc có nên để các doanh nghiệp FDI lấn sân vậy hay không? Câu trả lời của GS-TSKH. Nguyễn Mại là: “Tại sao lại phải kiềm chế một động cơ đang chạy khỏe nhất”.

Trong khi đó, một cách nhất quán, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định rằng, FDI vẫn là một thành phần kinh tế quan trọng của Việt Nam. “Đúng là không vui khi thấy tăng trưởng xuất khẩu thuộc về FDI, trong khi khu vực trong nước nhập siêu, nhưng không thể vì thế mà đòi ‘đóng cửa’ khu vực FDI để chờ khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển được”, Bộ trưởng Vinh nói.

Cũng theo Bộ trưởng, phải nhìn vào số lượng việc làm, giá trị sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu để thấy khu vực FDI đã có những đóng góp quan trọng nhường nào cho kinh tế Việt Nam trong năm 2015, cũng như trước và tới đây. “Thử hỏi, 200 ha đất mà chúng ta giao cho Samsung, nếu để trồng lúa thôi thì chúng ta được cái gì? Cho nên tôi nhắc lại, chúng ta vẫn phải ủng hộ FDI, chỉ có điều làm sao chọn lọc các dự án chất lượng cao, quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, có cơ chế, chính sách để khu vực trong nước mạnh lên, trở thành đối trọng với doanh nghiệp FDI”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định.