Thu phí BOT đường thủy: Minh bạch là yêu cầu bức thiết

Theo Nguyễn Quỳnh/daibieunhandan.vn

Dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi (TP. Hồ Chí Minh) tới cảng Bến Súc (Bình Dương), dự án đường thủy đầu tiên thực hiện theo hình thức BOT, sẽ thu phí từ cuối năm nay. Phó trưởng Bộ môn Quy hoạch và quản lý giao thông vận tải, Đại học Giao thông - Vận tải Vũ Anh Tuấn cho rằng, thu hút dự án BOT vào đường thủy là cần thiết nhưng phải minh bạch thông qua ứng dụng công nghệ trong quản lý.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Phải quản lý được doanh thu

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về chủ trương thu hút hình thức đầu tư BOT vào đường thủy nội địa?

Phó trưởng Bộ môn Quy hoạch và quản lý giao thông vận tải, Đại học Giao thông - Vận tải Vũ Anh Tuấn
Phó trưởng Bộ môn Quy hoạch và quản lý giao thông vận tải, Đại học Giao thông - Vận tải Vũ Anh Tuấn

Ông Vũ Anh Tuấn: Nước ta được thiên nhiên ưu đãi cho hệ thống sông, kênh dày đặc, với tổng chiều dài gần 42.000km, trong đó, hơn 3.500km sông, kênh chính và hơn 3.200km bờ biển... đã tạo thành 45 tuyến đường thủy nội địa thuận lợi.

Tuy vậy, chúng ta vẫn chưa tận dụng được những lợi thế đó để bứt phá phát triển. Một trong những nguyên nhân phải kể đến là hạ tầng giao thông đường thủy nội địa còn quá nhiều điểm nghẽn.

Ngoài luồng lạch, nhiều tuyến bị hạn chế bởi chiều cao tĩnh không của các cây cầu dẫn đến khó có thể đưa vào khai thác các loại tàu, thuyền có sức chở lớn. Do vậy, huy động nguồn vốn xã hội cho các công trình hạ tầng giao thông là một chủ trương đúng đắn và cần thiết để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, gỡ “nút thắt” hạ tầng, thúc đẩy phát triển giao thông đường thủy.

Tuy nhiên, phương án thu phí dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi tới cảng Bến Súc đang có một vấn đề. Đó là tàu thuyền đi qua tuyến này phải trả tiền xây mới cầu sắt Bình Lợi. Điều này có công bằng không?

Tôi cho rằng, việc thu phí này hoàn toàn hợp lý bởi hiện nay cầu đường sắt cũ thì tĩnh không không cho phép thuyền ở cấp độ trung trở lên lưu thông qua đó mà chỉ những thuyền rất nhỏ mới có thể đi qua được.

Họ đầu tư cây cầu mới có nghĩa là cung cấp một dịch vụ cho phép tàu, thuyền lớn có thể di chuyển qua thì đương nhiên người được hưởng từ dịch vụ đó phải đóng phí. Còn mức phí bao nhiêu phải phụ thuộc vào việc đầu tư cho dự án như thế nào và hiệu quả của dự án ra sao, cũng như khả năng chi trả của chủ phương tiện.

Dự án này thu phí kéo dài đến 20 năm 9 tháng trong khi mức đầu tư không quá lớn, khiến nhiều người ví như một kiểu tận thu, ông nghĩ sao?

Tôi không nghĩ thế! Đây là bài toán của tất cả các dự án BOT đang gặp phải. Bản chất của nó vẫn là minh bạch trong quản lý việc thu. Nếu một dự án BOT bảo đảm cam kết cho nhà đầu tư có lợi nhuận định mức đủ hấp dẫn thì họ thu trong 10 năm, 20 năm hay 30 năm... phụ thuộc vào doanh thu thực tế.

Nếu minh bạch được, trong 10 năm họ thu hoàn vốn và có thể thu đến 12 năm để có phần lãi định mức. Còn nếu không minh bạch doanh thu thì chúng ta không thể biết được trong 20 năm đó họ thu được bao nhiêu? Liệu họ đã hoàn vốn hay chưa? Nếu phụ thuộc vào báo cáo của họ thì không thể tin được.

Hình thức thu được tiến hành nhờ các cảng vụ thu hộ khi các phương tiện này cập cảng. Như vậy liệu có phải là mượn tay cơ quan nhà nước làm việc không đúng chức năng, nhiệm vụ và có minh bạch không, thưa ông?

Theo tôi, ai thu không quan trọng nếu như chúng ta có hệ thống quản lý được doanh thu. Chẳng hạn như hệ thống Metro ở Hong Kong, họ thuê bên thứ ba thực hiện quản lý và phân bổ doanh thu giữa các tuyến chứ không sử dụng người thu vé từ hệ thống.

Như vậy, Nhà nước và nhà đầu tư hoàn toàn có thể thuê một bên thứ ba hoặc thuê một đơn vị chuyên trách thực hiện việc thu phí này. Mấu chốt vấn đề ở đây là thu phải minh bạch.

Ứng dụng công nghệ trong quản lý là mấu chốt

Như ông nhấn mạnh thì quan trọng nhất là phải minh bạch. Nhưng làm thế nào để có thể minh bạch trong thu phí BOT đường thủy này, thưa ông?

Không chỉ đường thủy mà ngay cả đường bộ, minh bạch là yêu cầu bức thiết. Một nhà đầu tư bỏ tiền ra để đầu tư một dự án thì điều quan trọng là hoàn vốn và sinh lời. Về phía quản lý nhà nước phải làm sao minh bạch trong vấn đề thu chi.

Cụ thể là phần chi cho xây dựng dự án và phần thu để hoàn vốn dự án. Đối với chi, căn cứ vào quy mô, khối lượng của dự án có thể tính được chi phí đầu tư. Cái khó và tiêu cực hay xảy ra ở phần thu và quản lý doanh thu đó. Nếu chúng ta quản lý thủ công thì không có cách nào minh bạch được.

Đối với đường bộ, Bộ Giao thông - Vận tải có quy định tất cả phương tiện đăng kiểm mới từ 2019 bắt buộc phải dán thẻ điện tử. Hơn nữa, các trạm phải có làn thu phí tự động nhưng trên thực tế chúng ta có triển khai thu phí điện tử 100% được hay không lại là vấn đề khác.

Đối với đường thủy cũng tương tự. Thu phí BOT cũng hoàn toàn minh bạch được nếu chúng ta ứng dụng thu phí điện tử và quản lý tự động. Điều này đồng nghĩa với việc cả ba chủ thể bao gồm nhà quản lý, nhà khai thác vận hành và chủ phương tiện đều tham gia một cách nghiêm túc vào quá trình hoạt động thông qua công nghệ.

Công nghệ gồm thiết bị đặt trên phương tiện để kết nối với trạm thu phí và thiết bị thu phí tại trạm. Nhiều nước có công nghệ thu phí hiện đại đến mức không cần trạm nhưng có thể kiểm soát được phương tiện di chuyển như thế nào và tự động thu phí.

Mặc dù chúng ta chưa đạt được trình độ công nghệ đó nhưng hoàn toàn có thể sử dụng các công nghệ thu phí điện tử đang được ứng dụng ở Việt Nam để thực hiện. Để làm được điều đó, Nhà nước đóng vai trò quyết định, tạo ra các cơ chế, thủ tục, quy định để các bên tuân thủ.

Xin cảm ơn ông!