Thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử: Phần nhiều là... ảo
(Tài chính) Việc sử dụng internet trong hoạt động kinh doanh đã phổ biến ở nước ta. Nhiều doanh nghiệp (DN) đã ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) trong hoạt động kinh doanh và đạt doanh thu hàng trăm tỉ đồng, song số thuế nộp lại rất khiêm tốn.
Khảo sát mới đây của Tổng cục Thuế cho thấy, hầu hết các DN TMĐT có tốc độ tăng trưởng nhanh, một số DN mới thành lập nhưng doanh thu đã tới hàng trăm tỉ đồng, trong khi số tiền nộp ngân sách lại rất khiêm tốn. Điển hình như Công ty cổ phần Giải pháp thanh toán VN, doanh thu năm 2012 đạt 803 tỉ đồng, nhưng số thuế giá trị gia tăng (GTGT) đã nộp chỉ là 1,8 tỉ đồng và số thuế thu nhập DN (TNDN) chỉ là 35 triệu đồng. Qua thanh tra, kiểm tra, một số DN hoạt động trong lĩnh vực này, cơ quan thuế đã nhận diện được một số sai phạm có tính chất điển hình. Với loại hình quảng cáo trực tuyến google, các DN thường không kê khai đủ hoặc kê khai sai doanh thu thuế GTGT; không kê khai thuế nhà thầu đối với dịch vụ của một số Công ty đa quốc gia như Google, Yahoo… có phát sinh dịch vụ ở Việt Nam. Đặc biệt, hầu hết DN sử dụng website để quảng bá sản phẩm, hàng hóa, bán trực tiếp cho người tiêu dùng là cá nhân, nhưng không xuất hóa đơn bán hàng, không kê khai doanh thu tính thuế GTGT và TNDN.
Để siết chặt quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo toàn ngành rà soát, thu thập thông tin nhằm nhận diện sai phạm của các cá nhân, tổ chức có hoạt động kinh doanh TMĐT. Trong năm 2012, Cục Thuế Hà Nội đã thu thập hồ sơ và khảo sát thông tin của 26 DN kinh doanh TMĐT, quyết định thanh tra, kiểm tra 8 DN. Cơ quan thuế đã giảm số thuế GTGT được khấu trừ 2,7 tỉ đồng; giảm lỗ 26.6 tỉ đồng và truy thu 8,7 tỉ đồng. Tại TP. Hồ Chí Minh, qua thanh tra 9 DN, cơ quan thuế đã kiến nghị giảm lỗ 2.5 tỉ đồng, truy thu 1.8 tỉ đồng. Năm 2013, Cục Thuế Hà Nội tiếp tục thanh, kiểm tra 36 DN, TP. Hồ Chí Minh là 48 DN hoạt động TMĐT. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, số DN thuộc diện thanh, kiểm tra vẫn quá ít so với số đơn vị đang kinh doanh TMĐT.
Theo Bộ Công Thương, 99% DN đã sử dụng máy tính trong hoạt động sản xuất kinh doanh và 79% sử dụng đường truyền internet tốc độ cao. Các thành phố lớn là nơi tập trung tỉ lệ DN có website để quảng bá, mua bán các dịch vụ, sản phẩm qua mạng cao nhất. Trong đó, Hà Nội: 69%, TP. Hồ Chí Minh: 56%, Hải Phòng: 37%, Đà Nẵng: 36%...
Thanh tra trọng điểm
Với đặc thù môi trường internet dễ thay đổi, che giấu thông tin nên việc quản lý thuế với hoạt động TMĐT đang gặp không ít khó khăn. Bởi về cơ sở pháp lý, mặc dù các văn bản điều chỉnh hoạt động TMĐT đã tương đối đầy đủ, như Luật Công nghệ thông tin, Luật Giao dịch điện tử… tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh của TMĐT đã khiến nhiều lĩnh vực chính sách quản lý thuế chưa có quy định cụ thể. Chẳng hạn, DN cung ứng dịch vụ internet và game online đã phát sinh vướng mắc về chính sách thuế đối với thu nhập cá nhân từ hành vi chuyển nhượng, mua bán điểm ảo trong game online để thu tiền thật thì đây có phải là hành vi kinh doanh hay không?
Hơn nữa, thực tế cho thấy, khi thanh tra các DN kinh doanh TMĐT, người nộp thuế thường xóa dữ liệu hoặc không cung cấp dữ liệu của máy chủ. Trong khi đó, trình độ tin học của cán bộ thanh tra còn hạn chế nên rất khó phát hiện sai phạm.
Để nâng cao hiệu quả quản lý đối với hoạt động TMĐT, cần rà soát lại các văn bản pháp luật thuế hiện hành để kịp thời sửa đổi phù hợp. Trước mắt, cơ quan thuế sẽ thanh tra các loại hình TMĐT đang phát triển mạnh và rủi ro cao như kinh doanh trò chơi trực tuyến (game online); cung ứng dịch vụ quảng cáo trực tuyến; sàn giao dịch TMĐT… Việc thành lập tổ chuyên trách để thanh, kiểm tra các DN kinh doanh TMĐT cũng cần được tiến hành cùng với biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn.