Thủ tục kiểm tra chuyên ngành làm khó Hải quan và doanh nghiệp
Theo Tổng cục Hải quan, thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu hiện nay còn phức tạp, số lượng văn bản quy định về quản lý chuyên ngành của các bộ, ngành có chiều hướng gia tăng và còn nhiều bất cập. Tình trạng này đã gây ảnh hưởng không nhỏ trong công tác kiểm tra chuyên ngành của lực lượng hải quan cũng như doanh nghiệp.
Phó cục trưởng Cục Giám sát hải quan, Tổng cục Hải quan Ngô Minh Hải cho biết, tính đến ngày 30/6/2016, có 344 văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý chuyên ngành, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu do các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước ban hành.
Trong đó, có 21 luật, pháp lệnh; 65 nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 258 thông tư, quyết định của các bộ, ngành liên quan đến các lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành.
Như vậy, số lượng tăng 85 văn bản so với thời điểm xây dựng Đề án nâng cao hiệu quả kiểm tra chuyên ngành theo Quyết định số 2026/QĐ-TTg (tháng 8/2015 là 259 văn bản).
Nguyên nhân được ông Hải nhận định là do một số bộ, ngành đã ban hành mới các văn bản để hướng dẫn các lĩnh vực trước đây chưa được hướng dẫn đầy đủ; trong khi đó, có nhiều văn bản còn bất cập lại chưa được sửa đổi, bổ sung.
Với số lượng văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành ban hành nhiều, đến nay, mặt hàng thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành chiếm đến 30%/tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu. Thực tế này đòi hỏi cơ quan hải quan phải bố trí đủ nhân lực, vật lực để đảm bảo giải quyết thủ tục thông quan hàng hóa.
Không những thế, nhiều mặt hàng chưa có mã số HS (mã số hàng hóa), chưa có đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn để thực hiện việc kiểm tra, khiến cho cơ quan hải quan cũng như doanh nghiệp gặp khó khăn trong thực hiện kiểm tra chuyên ngành.
Ông Hải cũng cho biết, trên thực tế, trong tổng số thờilượng thông quan hàng hóa, phần cơ quan hải quan giải quyết thủ tục trong thẩm quyền chỉ chiếm 28%. 72% thời lượng còn lại phụ thuộc vào hoạt động kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành.
Thời gian qua, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi tới 11 Bộ đề nghị chỉ đạo quyết liệt triển khai việc rà soát sửa đổi, bổ sung 73 văn bản liên quan đến quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành.
Đến ngày 30/6, Bộ Tài chính đã nhận được 10/13 Bộ thông báo về văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế. Tuy nhiên, còn nhiều văn bản chưa đáp ứng yêu cầu chỉ đạo tại Quyết định 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bởi vậy, vấn đề cấp bách được đặt ra hiện nay là cần phải rút ngắn thời gian kiểm tra chuyên ngành từ phía các bộ, ngành trên cũng như đơn giản hóa thủ tục, tạo điệu kiện cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.