Thủ tướng Chính phủ: Thoái vốn nhưng phải có trật tự

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Để hoàn thành nhiệm vụ đến năm 2015 là đẩy mạnh thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thì phải gỡ cho được những vướng mắc trong thoái vốn.

 Thủ tướng Chính phủ: Thoái vốn nhưng phải có trật tự
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

"Điển hình là việc xây dựng lộ trình chặt chẽ và khả thi để có thể thoái những khoản đầu tư không hiệu quả", Phó trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp (DN) - ông Phạm Viết Muôn nêu đúc rút từ thực tế.

Lộ trình thoái vốn đầu tư Nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã sớm được khởi động bằng Nghị quyết của Chính phủ cách đây 3 năm (năm 2011). Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường triển khai, kết quả vẫn chưa đạt yêu cầu cả về giá trị và mục tiêu cải cách bộ phận quan trọng này của khu vực kinh tế Nhà nước. Ngoài nguyên nhân chủ quan từ phía những cơ quan, cá nhân, cũng còn tồn tại bất cập về chính sách giữa ý chí chủ quan của chủ sở hữu và thực tiễn khách quan của thị trường.

2 năm phải thoái gần 22.000 tỷ đồng

Tháng 7/2012, tại Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ đã nêu rõ: Việc thoái vốn đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước là một nội dung quan trọng của quá trình tái cơ cấu DNNN. Từ nay đến 2015, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải hoàn thành việc thoái vốn đầu tư không thuộc ngành nghề kinh doanh chính theo nguyên tắc thị trường. Tổng số vốn phải thoái là 21.797 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết năm 2013 mới thoái được hơn 4 nghìn tỷ đồng, bằng 19% số vốn phải thoái.

Rất nhiều những khó khăn về thoái vốn đã được phản ánh trong hơn một năm qua, như về nguyên tắc "bảo toàn vốn", về thị trường suy giảm… hay còn thiếu những văn bản pháp lý cần thiết cho dù đến nay các DN đã quan tâm hơn tới thoái vốn ngoài ngành. Những khó khăn đó thể hiện ngay ở con số mà Phó trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN - ông Phạm Viết Muôn đưa ra mới đây: trong tổng số vốn nhà nước đã thoái được hơn 4.100 tỷ đồng thì bán ra bên ngoài chỉ hơn 200 tỷ đồng, còn lại vẫn nằm trong… nội bộ.

Tại Hội nghị tái cơ cấu DNNN vừa qua, các lãnh đạo DN cũng phản ánh: tốc độ thoái vốn chưa được như kế hoạch không chỉ là do thị trường trầm lắng, mà cái khó của DN là tìm nhà đầu tư chiến lược, là thoái vốn làm sao cho hiệu quả và không thất thoát tài sản.

Ông Trần Ngọc Thuần, Tổng giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam dẫn chứng: Tập đoàn đang rất muốn thoái vốn của một dự án đầu tư ở Campuchia để thu vốn về, cho dù dự án này đang rất hiệu quả nhưng IPO khó khăn. Cũng theo ông Thuần, có những dự án nằm trong diện phải thoái vốn, nhưng lại chưa hoàn thành giai đoạn xây dựng cơ bản nên chưa bán được. Những khó khăn khác nữa mà các DN cho biết là vướng về cách tính giá trị sử dụng đất, rồi xác định giá trị lợi thế thương hiệu…

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV chia sẻ, trong quá trình thoái vốn, các DN ngoài những khó khăn tìm đối tác còn gặp lực cản do dự án hoặc DN đó đang tồn tại tình trạng sở hữu chéo… "Với những khoản đầu tư lỗ, kém hiệu quả (vì phải chuyển giao với giá rẻ - PV) còn khó thoái vốn thì với dự án rất hiệu quả sẽ thoái vốn ra sao trong bối cảnh thị trường ảm đạm suốt hơn 2 năm qua", ông Hà nêu vấn đề của thực tế.

Để hoàn thành nhiệm vụ đến năm 2015 là đẩy mạnh thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thì phải gỡ cho được những vướng mắc trong thoái vốn. "Điển hình là việc xây dựng lộ trình chặt chẽ và khả thi để có thể thoái những khoản đầu tư không hiệu quả", ông Muôn nêu đúc rút từ thực tế.

Đẩy nhanh cổ phần hóa cần giải pháp linh hoạt

Phát biểu với các lãnh đạo DNNN và cơ quan quản lý chính sách, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: "Tập đoàn kinh tế, DNNN đã đầu tư đa ngành không phải là quyết định sai. Nhưng qua thực tiễn cho thấy không có lợi thì nay có phương án giảm".

Thủ tướng cũng nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện tái cơ cấu DN, cổ phần hóa và thoái vốn. Những điều kiện cần và đủ cho tiến trình thoái vốn nói riêng cũng như tái cơ cấu DNNN nói chung đã được giao cho Bộ Tài chính chủ trì và các bộ, ngành liên quan cùng phối hợp, để sớm có quy định lộ trình phù hợp. Thủ tướng nhấn mạnh: "Kiên quyết thoái vốn nhưng phải có trật tự và hiệu quả".

Một trong những nút thắt quan trọng nhất đang cản trở tiến độ đã được tháo gỡ khi thông tin về việc Chính phủ sẽ sớm ban hành Nghị quyết về một số giải pháp đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại DN giai đoạn 2013-2015; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN đến năm 2015 và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN. Một trong những điểm mới của chính sách sớm được "hé lộ" là quy định: "Các khoản đầu tư tại công ty chưa niêm yết có giá trị từ 10 tỷ đồng trở lên thì bán đấu giá, nếu đấu giá không thành công thì báo cáo chủ sở hữu quyết định cho bán thỏa thuận".

Bên cạnh những định hướng quan điểm chung về lộ trình, thủ tục và yêu cầu bảo toàn tối ưu tài sản của Nhà nước, cũng có những giải pháp đặc biệt đã được dự kiến để hỗ trợ DN thực hiện thoái vốn đúng hạn. Đó là Chính phủ sẽ giao cho Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành của DNNN vào các lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng nếu các DN này thoái vốn không thành công. Giá mua được xác định theo giá thị trường nhưng không cao hơn giá trị trên sổ sách trừ đi khoản dự phòng giảm giá đầu tư đã trích lập. Các tập đoàn, tổng công ty phải có trách nhiệm thông báo SCIC mua lại các khoản đầu tư này để kịp hoàn thành thoái vốn trước ngày 31/12/2015.

Với trọng trách chủ trì hoạch định tiến trình và yêu cầu khi thực hiện, Bộ trưởng Bộ Tài chính - ông Đinh Tiến Dũng cho biết, trên cơ sở tổng hợp những khó khăn, vướng mắc quá trình thoái vốn, Bộ đã nghiên cứu để trình Chính phủ cơ chế thoái vốn nhà nước đến năm 2015 với 5 giải pháp cơ bản. Đặc biệt, có quy định DNNN được chào bán ra công chúng số cổ phần đã đầu tư tại các công ty đại chúng có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ trên cơ sở phương án thoái vốn đã được chủ sở hữu quyết định.

Ông Dũng khẳng định, Bộ sẽ sớm trình Dự thảo quyết định lên Thủ tướng để thể chế hóa Nghị quyết về đẩy mạnh sắp xếp DNNN, cổ phần hóa và thoái vốn kèm theo lời đề nghị: "DNNN không thực hiện được tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước theo kế hoạch đã được phê duyệt thì ban lãnh đạo DN được xác định là không hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, trước Thủ tướng".

Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, bán phần vốn Nhà nước không cần nắm giữ cần có biện pháp quyết liệt và có bài bản, có lộ trình thực hiện rõ ràng; thực hiện nguyên tắc bán theo giá thị trường, nhất là đối với các khoản đầu tư không hiệu quả cần xây dựng phương án cụ thể, chặt chẽ, khả thi; phân loại rõ từng khoản vốn mà DNNN đầu tư ngoài ngành. Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh hàng tháng giao ban về lĩnh vực này để tháo gỡ ngay các vướng mắc cụ thể phát sinh trong quá trình thực hiện.

(Ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị của Chính phủ triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN 2014-2015, ngày 18/2)