Thủ tướng đồng ý mở rộng hầm đường bộ Hải Vân
(Taichinh) - Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc đầu tư mở rộng hầm đường bộ Hải Vân với quy mô 4 làn xe và bổ sung vào Dự án hầm đường bộ Đèo Cả, tiếp tục giao Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả thực hiện.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và nhà đầu tư nghiên cứu, hoàn thiện các thủ tục đầu tư, bảo đảm tính khả thi, đúng quy định hiện hành.
Công trình Hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, được khởi công xây dựng vào năm 2000 và khánh thành, đưa vào sử dụng vào năm 2005. Hầm đường bộ Hải Vân gồm 1 hầm chính, 1 hầm lánh nạn chạy song song với hầm chính, 1 hầm thông gió và 3 hầm lọc bụi tĩnh điện cùng 15 ống hầm thông ngang. Sau khi đưa vào sử dụng, Hầm đường bộ Hải Vân không chỉ rút ngắn đáng kể đoạn đường qua đèo từ 21km xuống còn hơn 6,2km, bảo đảm an toàn cho các phương tiện qua lại đèo Hải Vân mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ cho các địa phương trong khu vực.
Tuy nhiên, mật độ phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 1A, đặc biệt là đoạn qua miền Trung nói chung, hầm đường bộ Hải Vân nói riêng ngày càng gia tăng mạnh mẽ. Nên sau gần 10 năm khai thác, đến nay, hầm đường bộ Hải Vân đã trở nên quá tải, nhất là vào những lúc cao điểm, dẫn đến mất an toàn giao thông, gây ra ùn tắc, hỏa hoạn... Vì vậy, việc đầu tư mở rộng hầm đường bộ Hải Vân nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải hiện tại và trong tương lai là vô cùng cần thiết.
Theo phương án của Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả, dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân sẽ mở rộng đường hầm lánh nạn (dài 6,2 km) thêm 3,5 m. Cùng đó, xây dựng đường dẫn phía bắc thuộc thị trấn Lăng Cô, Thừa Thiên-Huế (dài 2,1 km) và đường dẫn phía nam thuộc thành phố Đà Nẵng (dài 4,3 km).
Dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT) với tổng mức đầu tư hơn 6.200 tỉ đồng với thời gian khởi công vào đầu năm 2016 và hoàn thành, đưa vào khai thác vào đầu năm 2019.