Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo: Tạo bước chuyển biến tích cực hơn nữa trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Theo Chinhphu.vn

Sáng 8/2, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) đã họp Phiên họp thứ 9 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo và Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo.

Tại phiên họp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các cấp, các ngành phải luôn coi công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, công tác này phải được tiến hành cương quyết, kiên trì và liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực và có trọng tâm, trọng điểm.

Tạo bước chuyển biến tích cực hơn nữa trong đấu trang phòng chống tham nhũng
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong năm 2009, các cấp, các ngành cần tiếp tục tăng cường thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng nhằm tạo bước chuyển biến tích cực hơn nữa đối với công tác này.
Đấu tranh phòng chống tham nhũng cần gắn liền với hoạt động tuyên truyền, giáo dục, học tập Nghị quyết Trung ương 3 (Khoá X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng; Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chỉ đạo, đôn đốc xây dựng mới và ban hành các văn bản nhằm hoàn thiện thể chế theo chương trình, kế hoạch đã đề ra; rà soát các văn bản đã ban hành để xem xét, điều chỉnh, sửa đổi bổ sung kịp thời nhằm giải quyết những vướng mắt trong quá trình thực hiện, nhất là các văn bản liên quan đến quản lý và sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, sử dụng tài sản công, chi tiêu công...
Về chống tham nhũng, khi đã phát hiện xác định rõ các vụ án, vụ việc tham nhũng thì cần khẩn trương xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, đúng đối tượng, không để lọt tội, không làm oan sai cho người vô tội, coi việc xử lý kiên quyết, triệt để các vụ án, vụ việc tham nhũng là một hình thức răn đe, phòng ngừa tham nhũng.
 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố và xét xử cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Trước một vụ án, một vụ việc tham nhũng, các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác cung cấp thông tin cho báo chí nhằm định hướng dư luận, đảm bảo tính chính thống, tính công khai, minh bạch của các thông tin được đưa ra từ các cơ quan chức năng, tránh tình trạng thông tin không chính thống gây sự hiểu lầm trong nhân dân cho rằng sự việc được bưng bít, các hoạt động công tác điều tra, truy tố, xét xử cũng chỉ là "đầu voi đuôi chuột".
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao các thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện các quy định, giải pháp về bảo vệ người tố cáo và cương quyết đấu tranh chống tham nhũng cũng như các quy định xử lý sai phạm đối với những các cá nhân lợi dụng đưa tin tố cáo không đúng sự thực.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng bày tỏ đồng tình với một số nhiệm vụ trọng tâm trong quý I/2009 Ban Chỉ đạo đã đề ra là: xử lý dứt điểm các vụ án còn lại trong 8 vụ án trọng điểm; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng xử lý đối với 15 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp; tiếp tục xác minh, làm rõ những vụ việc tham nhũng có dấu hiệu nghiêm trọng để xử lý; hướng dẫn  các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng rà soát, lập danh mục để phối hợp giải quyết đối với các vụ án tham nhũng  tại địa phương.
Kết quả phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng trong năm 2008
Đối với 8 vụ án trọng điểm đã tiến hành xét xử 7 vụ, gồm: vụ đất đai ở Đồ Sơn (Hải Phòng), vụ Mai Văn Dâu, vụ Mạc Kim Tôn, vụ Lương Cao Khải, vụ Nguyễn Lâm Thái, vụ PMU 18 (mảng đánh bạc); vụ Nguyễn Đức Chi (mảng hợp đồng mua bán gạo ở Trà Vinh).
Đối với vụ Điện kế điện tử Thành phố Hồ Chí Minh: Hội nghị liên ngành đã thống nhất đưa ra xét xử trước ngày 15/2/2009; mảng điều tra mở rộng từ vụ PMU 18 và mảng làm, sử dụng giấy tờ giả trong vụ Nguyễn Đức Chi đang được các cơ quan tố tụng chuẩn bị đưa ra xét xử.
Đối với 15 vụ án nghiêm trọng, phức tạp: đã đưa ra xét xử sơ thẩm 1 vụ (vụ Thiên Lợi  Hoà); 4 vụ đã kết luận điều tra, chuẩn bị đưa ra xét xử (vụ đất Quán Nam ở Hải Phòng, vụ Tổng Công ty Mía đường II, vụ Công ty Vinaconex 10, vụ Sở Quản lý kinh doanh vốn và ngoại tệ-Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); 4 vụ đang chuẩn bị kết luận điều tra (vụ tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, vụ Đề án 112, vụ Nông trường Sông Hậu, vụ than Quảng Ninh); 6 vụ đang đang khẩn trương tiến hành điều tra. Việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án trên đều đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Trong năm 2008, toàn ngành Thanh tra đã triển khai trên 11.400 cuộc thanh tra kinh tế xã hội, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng như: quản lý và xử dụng đất đai; quản lý đầu tư xây dựng; quả lý thu chi ngân sách... Qua kết quả thanh tra phát hiện sai phạm trên 7.000 tỷ đồng, gần 287.500 USD, 12.308 ha đất; đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước trên 3.800 tỷ đồng, 2.565 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 237 tập thể, 1.751 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra hình sự 66 vụ việc, 95 người.
Cũng trong năm 2008, các cơ quan pháp luật đã khởi tố gần 300 vụ án với trên 600 bị can về các tội tham nhũng (giảm 44,% số vụ và 35,1% số bị can so với năm 2007) trong đó tội tham ô tài sản là 138 vụ/267 bị can; tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ  là 49 vụ/182 bị can.