Thu về ngân sách hơn 1.200 tỷ đồng qua thanh tra

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Tổng hợp kết quả thanh tra chuyên đề diện rộng về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng từ nguồn vốn Ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ của Thanh tra Chính phủ cho thấy, số tiền vi phạm phát hiện qua thanh tra, kiến nghị xử lý về kinh tế tại các bộ, ngành, địa phương là hơn 7.952 tỷ đồng; trong đó, kiến nghị thu hồi về Ngân sách Nhà nước hơn 1.245 tỷ đồng.

Thu về ngân sách hơn 1.200 tỷ đồng qua thanh tra
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sai phạm từ thiết kế đến quy hoạch

Tại các bộ, ngành, các thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm được phát hiện qua thanh tra như: Công tác khảo sát, lập dự án đầu tư còn sơ sài, thiếu chính xác, chưa phản ánh đúng thực tế địa hình, địa chất công trình dẫn tới phải điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thực hiện dự án làm tổng mức đầu tư của dự án thay đổi. Trong đó, do còn có những tồn tại, thiếu sót ở khâu chuẩn bị đầu tư nên giá trị của dự án phải bổ sung tăng so với quyết định phê duyệt ban đầu là 21.316 tỷ đồng; bổ sung giá trị các hạng mục thiếu trong thiết kế là 11.533 tỷ đồng; trượt giá tăng do thời gian thực hiện dự án thay đổi, kéo dài làm tăng giá trị vật liệu… là 27.887 tỷ đồng.
Phê duyệt dự án chưa hoặc không nằm trong quy hoạch, theo Thanh tra Chính phủ, có bộ có tới 12 dự án chưa có trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và có 9 dự án không nằm trong quy hoạch nhưng vẫn được phê duyệt, triển khai thi công với tổng mức đầu tư là 14.638 tỷ đồng, gây nợ đọng xây dựng cơ bản tổng số tiền là 673 tỷ đồng.

Nhiều dự án thiết kế xong không sử dụng, có dự án do thiết kế không sử dụng được phải thay đổi hoàn toàn gây lãng phí 60,5 tỷ đồng; nhiều dự án do lập tổng mức đầu tư chưa chính xác nên phải thay đổi nhiều lần (có dự án thay đổi tới 4 lần), có dự án do lập dự án chưa chính xác phải loại bỏ tới 192,8 tỷ đồng.

Có 9 dự án xây dựng trường học ở 1 bộ được chủ đầu tư phê duyệt nhưng không có vốn đối ứng với tổng số tiền là 68,47 tỷ đồng dẫn tới dự án dở dang không đưa vào sử dụng được; có bộ chủ đầu tư chưa thu hồi nộp NSNN khoản tạm ứng trước vốn cho nhà thầu tại các dự án bị đình hoãn với tổng số tiền là 521,353 tỷ đồng.

Các sai phạm kiến nghị xử lý về kinh tế, Thanh tra Chính phủ cho biết, tổng số tiền vi phạm phát hiện qua thanh tra, kiến nghị xử lý về kinh tế hơn 4.763 tỷ đồng; trong đó, kiến nghị thu hồi về NSNN hơn 1.122 tỷ đồng.

Ngoài ra, cơ quan thanh tra các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành kết luận và kiến nghị xử lý về kinh tế tổng số tiền là hơn 3.189 tỷ đồng, trong đó: thu hồi về NSNN hơn 123 tỷ đồng.

Không bố trí vốn ngân sách cho phần tăng tổng mức đầu tư

Qua kết quả thanh tra chuyên đề diện rộng, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng xem xét sửa đổi việc thẩm tra hồ sơ thiết kế đối với các công trình cấp III trở lên theo hướng phân cấp cho các phòng chuyên môn cấp huyện thực hiện thẩm tra thiết kế một số công trình do UBND cấp huyện quyết định đầu tư để giảm áp lực đối với sở chuyên ngành và đẩy nhanh tiến độ dự án.

Đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ khi quyết định đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương, đề nghị giao cho địa phương chủ động trong việc điều chuyển kế hoạch vốn trong năm thuộc nội bộ ngành lĩnh vực để phù hợp với tình hình thực tế triển khai dự án công trình và giao vốn  đúng tiến độ.

Đối với các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thanh tra Chính phủ kiến nghị tập trung bố trí vốn cho các dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng nhưng còn nợ đọng xây dựng cơ bản, những dự án cấp bách, trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới...) nhằm nâng cao hiệu quả của các dự án. Đồng thời, đảm bảo đủ vốn đối ứng cho các dự án ODA hỗ trợ phát triển giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, hỗ trợ phát triển giáo dục đào tạo…

Theo Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành, tỉnh, thành phố không bố trí vốn ngân sách trung ương cho phần tăng tổng mức đầu tư so với quyết định đầu tư quy định tại các quyết định giao vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ theo nội dung các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.