Thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Bình
Từ khi triển khai thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, tỉnh Quảng Bình đã tạo sự chuyển biến trong suy nghĩ, hành động của người dân vùng sâu, vùng xa nhằm hướng tới những giá trị tốt đẹp hơn.
Trường Sơn là xã biên giới của huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình được chọn làm điểm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I năm 2021-2025 với sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Một năm qua, ở xã biên giới là nơi có đông đồng bào Bru-Vân Kiều sinh sống này đã có nhiều thay đổi nhận thức về giới.
Hội Liên Hiệp phụ nữ xã Trường Sơn đã thành lập các tổ truyền thông cộng đồng, câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, “Địa chỉ tin cậy” với nhà tạm lánh cộng đồng, các hoạt động có sự tham gia của cán bộ địa phương, thôn, bản, thầy cô giáo, học sinh và đồng bào. Các tổ truyền thông cộng đồng, câu lạc bộ triển khai nhiều hoạt động phong phú, phù hợp thực tiễn và thu hút được đông đảo đồng bào tham gia, như: truyền thông thay đổi khuôn mẫu giới trong gia đình; hướng dẫn, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình; phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết; khơi dậy ước mơ được học tập của trẻ em Bru-Vân Kiều.
Chủ tịch Hội Liên Hiệp phụ nữ xã Trường Sơn Nguyễn Thị Mỹ Duyên cho biết, tuy thời gian thực hiện chưa dài nhưng các mô hình và cách làm đã giúp tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người dân và hội viên phụ nữ. Đặc biệt là thông qua hoạt động của các tổ truyền thông cộng đồng, bà con Bru-Vân Kiều đã được tiếp cận nhiều hơn với những kiến thức như: phòng chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, các kiến thức về hôn nhân và gia đình.
Đặc biệt, sự tham gia của các hội viên phụ nữ là người trong cuộc đã tác động mạnh mẽ đến suy nghĩ, hành động không chỉ của riêng phụ nữ mà cả nam giới trong cộng đồng. Sau khi được tham gia tập huấn, Trưởng bản Đá Chát Hồ Thị Thư đã tổ chức các hoạt động lồng ghép để nói cho bà con hiểu về bình đẳng giới, bạo lực gia đình, tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết… thông qua từng câu chuyện, con người cụ thể, gần gũi nên có tác động rất tích cực, kịp thời.
Chị Hồ Thị Mai là Chi hội trưởng phụ nữ bản Đá Chát, xã Trường Sơn. Chồng chị trước đây khá khó tính trong việc vợ để cho vợ tham gia hoạt động xã hội cũng như tư tưởng việc lớn việc nhỏ trong gia đình đều vợ đảm nhận. Tuy nhiên, từ khi có các hoạt động của tổ truyền thông cộng đồng, anh được nắm bắt các nội dung được tập huấn nên có nhiều thay đổi rõ rệt trong tư tưởng và hành động. Giờ đây anh chia sẻ cho chị Mai nhiều công việc gia đình để cho vợ có thêm thời gian làm công việc xã hội ở bản.
Không chỉ chị Mai mà nhiều phụ nữ khác ở xã Trường Sơn chia sẻ, sau khi tham gia các buổi truyền thông của tổ truyền thông cộng đồng tại bản mình, nhiều người chồng về nhà có sự thay đổi hẳn, bỏ rượu chè và giúp đỡ vợ việc nhà. Ngay cả các thói quen cổ hủ trong đời sống sinh hoạt gia đình cũng có sự thay đổi đáng kể, mang lại sự bình yên cho bản làng.
Anh Hồ Văn Ngọc ở bản Đá Chát chia sẻ, thấy vợ làm việc nhà nhiều cũng thương nhưng mình phải ra ngoài làm thuê để kiếm tiền, khi có thời gian thì mình đưa con đi học, tắm giặt cho con.
Khi biết cách san sẻ gánh nặng công việc gia đình với chồng và người thân trong gia đình, nhiều phụ nữ ở Trường Sơn có thêm thời gian để tham gia các hoạt động, phong trào của bản, có chị là những thành viên tích cực tronbg các nhóm đàn hát dân ca, điệu múa của dân tộc mình.
“Tôi biết nhiều bài hát của người Bru-Vân Kiều, nên hay hát trong các buổi giao lưu, sinh hoạt văn hóa trong bản và ở xã. Chúng tôi rất vui vì các điệu hát chà chấp, hát sim, sa nớt, hát ru con và các nhạc cụ như thanh la, chiêng núm, kèn amam, khơ-lúi, pi, đàn pư-kua, sáo của bà con Bru-Vân Kiều vẫn được gìn giữ đến ngày hôm nay”- Trưởng bản Chân Trộng Hồ Thị Quê nói.
Cùng với đó, việc thành lập địa chỉ tin cậy với nhà tạm lãnh cộng đồng nhằm hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình được hỗ trợ kịp thời khi có hành vị bạo lực xảy ra. Sau khi thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ xã Trường Sơn tích cực truyền thông, giới thiệu cho bà con nói chung, phụ nữ nói riêng biết để có thể liên hệ bất cứ lúc nào đều được hỗ trợ kịp thời.
Đến nay, toàn tỉnh Quảng Bình đã thành lập 32 tổ truyền thông cộng đồng, 6 câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi và 19 địa chỉ tin cậy. Hội Liên hiệp phụ nữ chú trọng công tác truyền về Dự án 8 trên các nhóm zalo, fanpage và trang thông tin điện tử của Hội để cập nhật, chia sẻ thông tin đến cán bộ, hội viên trên địa bàn.
Qua kết quả thực hiện bước đầu có thể thấy, Dự án 8 nhằm thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi với nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích và mang lại quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em trên địa bàn. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tăng quyền năng cho phụ nữ và trẻ em các vùng, địa bàn còn nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, đây là dự án mới nên việc triển khai dự án đối với các cấp Hội Phụ nữ, nhất là ở cơ sở còn nhiều khó khăn do còn thiếu và yếu về kiến thức, kỹ năng. Mặt khác, công tác thành lập các tổ truyền thông tại các thôn, bản chỉ mới bước đầu, việc duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động gặp khó do không có nguồn kinh phí.
Vì thế, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Bình đề nghị cần tăng cường công tác tập huấn cho đội ngũ cán bộ hội cấp xã và cốt cán các thôn, bản ở địa bàn thực hiện dự án; kịp thời hướng dẫn để thực hiện các nội dung trong Dự án 8 như: hỗ trợ sinh kế, tổ vay vốn tiết kiệm phụ nữ thôn, bản hay nội dung hỗ trợ bà mẹ sinh đẻ an toàn. Việc tổ chức các mô hình cần đi đôi với quan tâm hỗ trợ kinh phí hợp lý để duy trì hoạt động qua từng năm và suốt cả giai đoạn.