Thúc đẩy bình đẳng giới, xóa bỏ phân biệt đối xử và bạo lực giới


Tại Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới năm 2023, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Sẽ không có bình đẳng giới nếu không có sự tham gia của nam giới trong công việc gia đình cũng như chấm dứt bạo hành với phụ nữ và trẻ em gái.

Các đại biểu tham dự cùng chung tay nhấn nút chính thức phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023.
Các đại biểu tham dự cùng chung tay nhấn nút chính thức phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023.

Cùng với đó, nam giới cần xây dựng được niềm tin về khả năng đảm đương và thực hiện tốt vai trò chăm sóc gia đình, đây là một phần của giải pháp nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ”.

Con số đáng “báo động”

Theo báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ công bố năm 2020, cứ 3 phụ nữ Việt Nam lại có gần 2 người (tỷ lệ 63,8%) từng bị ít nhất một hình thức bạo lực cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời. 

Trong đó, thống kê của Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) chỉ ra rằng, trong số các vụ bạo lực gia đình bị phát hiện, có 74% nạn nhân là nữ, 11% nạn nhân là trẻ em.

Bà Elisa Fernandez - Trưởng đại diện UN Women (Cơ quan Liên Hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ) tại Việt Nam trăn trở, bạo lực gia đình thường diễn ra một cách bí mật và vẫn còn được xem là vấn đề cá nhân, riêng tư phải giấu kín.

Tại Việt Nam, điều cần lưu ý nhất trong vấn đề bạo lực giới chính là và văn hóa im lặng. Cộng đồng chưa xây dựng được không gian để phụ nữ không phải xấu hổ khi kể ra tình cảnh của mình. 

Thảo luận về dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Văn Thị Bạch Tuyết (TP. Hồ Chí Minh) từng nêu vấn đề phòng ngừa bạo lực gia đình và cho rằng, vai trò của cộng đồng là rất quan trọng. Tuy nhiên, theo đánh giá của bà Tuyết, có tình trạng nơi làm tốt, nơi làm chưa tốt. 

Chứng minh cho ý kiến nêu ra, bà Tuyết dẫn lại trường hợp bé gái 8 tuổi ở quận Bình Thạnh (TP. Hồ Chí Minh) bị bạo hành đến chết. Bà Tuyết cho biết, các hộ gia đình xung quanh đã nghe bé gái khóc rất nhiều lần nhưng họ không quan tâm xem tại sao. Cô giáo của bé cũng biết hoàn cảnh gia đình của bé nhưng không để tâm nhiều. 

Bà Tuyết một lần nữa nhấn mạnh vai trò của cộng đồng trong việc phòng ngừa bạo lực gia đình là rất quan trọng và cho rằng cần thay đổi quan điểm, nhận thức trong cộng đồng phải tốt hơn. Trong nhóm giải pháp, cần có quy định khung về vai trò của cộng đồng.

Ngôi nhà Ánh Dương - hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực

Trung tâm Dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương được thành lập tại Quảng Ninh tháng 4/2020, thông qua dự án “Xây dựng mô hình ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam do KOICA tài trợ, giai đoạn 2017-2021 có  tổng kinh phí là 2,5 triệu USD.

Sau hơn 2 năm thành lập và hoạt động, mô hình đã khẳng định được hiệu quả, tính ưu việt trong việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bị bạo lực trên cơ sở giới.

Ngôi nhà Ánh Dương cung cấp các dịch vụ thiết yếu, toàn diện và tích hợp cho phụ nữ và trẻ em gái đang bị hoặc có nguy cơ bị bạo lực trên cơ sở giới và bạo lực gia đình.

Năm 2022, đã có thêm 3 Ngôi nhà Ánh Dương được thành lập tại tỉnh Thanh Hóa, TP. Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.

Đến nay, 4 Ngôi nhà Ánh Dương trên cả nước đã hỗ trợ trực tiếp cho hơn 60 người bị bạo lực giới tại Ngôi Nhà Ánh Dương và gần 1.100 người bị bạo lực trên cơ sở giới tại cộng đồng.

Đánh giá cao hiệu quả và sự cần thiết của mô hình này, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết: Thời gian qua, Việt Nam luôn nỗ lực trong việc thực hiện các biện pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi hành vi

Năm nay, Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 có chủ đề là “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”.

Chủ đề Tháng hành động khẳng định những ưu tiên và cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới thực chất, góp phần giúp phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, giảm bớt áp lực và nguy cơ bị bạo lực, xâm hại.

Bà Pauline Tamesis - Điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam, cho biết, những năm qua, đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, các thảm họa tự nhiên, chiến tranh, xung đột đều làm gia tăng bạo lực giới và làm trầm trọng thêm khó khăn kinh tế của các hộ gia đình.

Nhằm khắc phục và giảm thiểu tác động của những mối đe dọa trên, theo bà Tamesis, việc đầu tư vào phòng ngừa là cực kỳ cần thiết, không chỉ giúp ích cho phụ nữ, trẻ em, gia đình mà còn giúp cho nền kinh tế quốc gia khỏe mạnh và bền vững hơn.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, những cam kết của Việt Nam trong đảm bảo bình đẳng giới, tăng cường quyền năng và vị thế của phụ nữ cũng như nhấn mạnh vai trò của công tác truyền thông về bình đẳng giới.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, để giải quyết bất bình đẳng giới ở Việt Nam, bên cạnh luật pháp, chính sách, chương trình để đảm bảo an sinh xã hội thì công tác truyền thông được xác định là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhất nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, góp phần xóa bỏ định kiến, tiến tới thực hiện bình đẳng giới thực chất.

Cũng theo Bộ trưởng, từ năm 2016 đến nay, công tác triển khai Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới và thực hiện Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đã tạo ra những hiệu ứng tích cực, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của người dân, cộng đồng và các cơ quan, tổ chức, góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, rút ngắn khoảng cách giới trong hầu hết các lĩnh vực.

 

Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 diễn ra từ ngày 15/11 - 15/12, thể hiện ưu tiên và nội dung trọng tâm của Việt Nam hiện nay trong việc thúc đẩy bình đẳng giới thực chất, nhằm phát huy năng lực, vai trò, tiềm năng của phụ nữ và nam giới cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.

Màu cam được chọn là màu của Chiến dịch toàn cầu về chấm dứt bạo lực giới, vì đây là màu sắc tươi sáng, mang lại niềm hi vọng cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực cũng như những người đang hoạt động trong lĩnh vực này. Đây cũng là màu sắc gây sự chú ý cao - thể hiện cấp độ nguy hiểm và đáng báo động của tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và hàng triệu trẻ em trên toàn cầu, kêu gọi sự vào cuộc mạnh mẽ của các bên liên quan nhằm xóa bỏ vấn nạn này.

Theo Vân Nhi/kinhtenongthon.vn