Thúc đẩy chỉ số nội địa hóa cho ngành công nghiệp điện tử Việt Nam

PV.

Công ty TNHH Reed Tradex – nhà tổ chức triển lãm hàng đầu Đông Nam Á và Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) đồng thời tổ chức khai mạc ba triển lãm, gồm “ NEPCON Vietnam 2017”, “ Triển lãm Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam 2017” và “ Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 7”.

Nepcon Vietnam 2017 hướng tới mục tiêu tăng chỉ số nội địa hóa cho ngành công nghiệp điện tử Việt Nam.
Nepcon Vietnam 2017 hướng tới mục tiêu tăng chỉ số nội địa hóa cho ngành công nghiệp điện tử Việt Nam.

Tham dự triển lãm có hơn 200 thương hiệu hàng đầu, từ 20 quốc gia và bao gồm 7 gian hàng quốc tế từ các quốc tế các quốc gia công nghệ hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Đài Loan và Thái Lan…

Triển lãm là cơ hội tốt để các doanh nghiệp trưng bày những công nghệ tiên tiến tới các nhà chế tạo điện tử, gặp gỡ khách mua hàng tiềm năng và giao thương tới các doanh nghiệp trong nước.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Quốc Khánh - Thứ Trưởng Bộ Công Thương khẳng định: Sự kiện tổng hợp này sẽ mang đến những cơ hội thiết thực để các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tiếp cận, học hỏi các xu thế mới của thị trường, các thành tựu đổi mới về kỹ thuật, công nghệ, gặp gỡ trực tiếp các đối tác tiềm năng đến từ Nhật Bản và quốc tế, đóng góp quan trọng cho những bước chuyển mình mạnh mẽ và bền vững của ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

Theo Phó đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Jun Yanagi, thì hiện có khoảng 1.600 doanh nghiệp Nhật đang hoạt động tại Việt Nam. Mặc dù gần một nửa trong số đó là từ khu vực sản xuất, nhưng tỉ lệ các linh kiện nội địa mà các công ty sản xuất Nhật Bản thu mua rất thấp. Ngoài ra, hầu hết các linh kiện nội địa đều do các công ty Nhật Bản cung cấp tại Việt Nam.

Chung quan điểm, ông Hironobu Kitagawa – Trưởng đại diện của JETRO phân tích: Khó khăn trong việc thu mua các bộ phận và linh kiện nội địa vẫn là vấn đề lớn đối với các ty Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam. Tỉ lệ thu mua nội địa của các nhà sản xuất Nhật Bản ở Việt Nam là 34,2% vào năm 2016; thấp hơn so với tỉ lệ 67,8% ở Trung Quốc; 57,1% ở Thái Lan và 40,5% ở Indonesia.

Ông Hironobu Kitagawa cũng đưa ra lời cảnh báo về sự cạnh tranh từ Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN sẽ áp dụng đầy đủ vào năm 2018. Theo ông Hironobu Kitagawa, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của các nhà chế tạo từ các nước láng giềng cung cấp các sản phẩm với giá thành thấp hơn, do việc gỡ bỏ hàng rào thuế quan.

Để khắc phục những vấn đề này, ông Jun Yanagi nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nền công nghiệp của Nhật Bản. Theo đó, ông Jun Yanagi dẫn chứng, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khoảng 99,7% tổng số doanh nghiệp, khoảng 70% số lượng nhân viên. Các công ty nổi tiếng như Toyota, Honda, Sony cũng từng bắt đầu hoạt động từ một nhà máy nhỏ.

Về phía Việt Nam, ông Trần Quốc Khánh – Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh: Sự gia tăng tỉ lệ nội địa hóa trong ngành công nghiệp sản xuất quan trọng như ô tô, dệt may, điện tử… cũng như việc tham gia sâu rộng vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu đang là mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam.

Được biết, để đáp ứng nhu cầu nâng cao kỹ thuật và công nghệ hàn, trong khuôn khổ triển lãm còn có “Cuộc thi Hàn tay điện tử” từ ngày 13 – 15.9. Cuộc thi kỹ thuật này là đấu trường để các thí sinh cạnh tranh trong việc xây dựng một bảng mạch điện tử chức năng trong khoảng thời gian ngắn. Ngoài ra, chương trình “Show in show” cũng là nơi trình diễn các công nghệ tiên tiến.