Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn
Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Để đạt được mục tiêu nêu trên, bên cạnh quyết tâm về chính trị, Việt Nam cần phải xây dựng khung chính sách và có những hành động thực tế nhằm thu hút, kêu gọi sự vào cuộc của các thành phần kinh tế, các bộ, ngành, địa phương.
Tại COP26, các quốc gia đưa ra những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 để giữ cho mức tăng nhiệt độ Trái đất không quá 1,5oC vào cuối thế kỷ này. Trong đó chuyển đổi năng lượng từ hóa thạch sang năng lượng sạch, tái tạo là giải pháp trọng tâm. Tuy nhiên, theo Quỹ Ellen MacArthur (là một tổ chức từ thiện đã đăng ký của Vương quốc Anh nhằm thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn), chuyển đổi năng lượng cùng với tiết kiệm sử dụng hiệu quả năng lượng chỉ đóng góp được 55% cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, 45% còn lại nằm ở các giải pháp kinh tế tuần hoàn.
Ngoài ra, việc áp dụng các nguyên tắc loại bỏ chất thải và ô nhiễm, lưu thông các sản phẩm, nguyên liệu và tái tạo thiên nhiên trong mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính trong công nghiệp, nông nghiệp. Cụ thể, việc giảm và loại bỏ chất thải và ô nhiễm sẽ giảm phát thải khí nhà kính trong toàn bộ chuỗi giá trị; bằng cách luân chuyển, thu giữ lại năng lượng có trong các sản phẩm và vật liệu; tái tạo tự nhiên giúp cô lập và thu giữ được các-bon.
Quỹ Ellen MacArthur cũng đã tính toán và đưa ra thí dụ minh họa, thế giới có thể giảm 38% lượng khí thải từ vật liệu xây dựng vào năm 2050 bằng cách loại bỏ chất thải trong các tòa nhà và quá trình xây dựng, chia sẻ mục đích sử dụng các tòa nhà nhiều hơn; tái sử dụng và tái chế vật liệu xây dựng. Tương tự như vậy, có thể giảm một nửa lượng khí thải từ hệ thống thực phẩm vào năm 2050 thông qua các biện pháp tuần hoàn trong nông nghiệp...
Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà: So với mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống, việc thúc đẩy các hành động theo mô hình kinh tế tuần hoàn góp phần thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia và doanh nghiệp. Phát triển kinh tế tuần hoàn là thể hiện trách nhiệm của quốc gia trong giải quyết những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu; đồng thời nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Tại Việt Nam, xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường đã được đưa vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ mô hình tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn bước đầu sẽ gặp khó khăn nhất định do trong bối cảnh Việt Nam còn thiếu cơ chế chính sách thúc đẩy và nguồn lực, công nghệ tái chế, tái sử dụng còn hạn chế.
Để phát triển kinh tế tuần hoàn bền vững, trước hết Việt Nam cần cụ thể hóa các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, nhất là những quy định về trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại, tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn về môi trường (phát thải và công nghệ) tương đương với nhóm các nước tiên tiến trong khu vực.
Tiếp tục ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp môi trường, trong đó có công nghiệp tái chế; lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm nhiệt điện… theo mô hình tuần hoàn, không phát thải chất thải, khí thải và nước thải.
Các chuyên gia môi trường cho rằng, trong phát triển kinh tế tuần hoàn cần xây dựng lộ trình thay thế các nhiên liệu, sản phẩm sử dụng nguyên liệu nguy hại, sản phẩm sử dụng một lần (đồ nhựa, túi nylon) bằng các nhiên liệu, nguyên liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm sử dụng nhiều lần, kéo dài thời gian sử dụng hữu ích của sản phẩm; lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm nhiệt điện,…theo mô hình tuần hoàn, không phát thải chất thải, khí thải và nước thải.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, đổi mới tư duy, thiết kế mô hình sản xuất theo hướng tăng cường sử dụng các sản phẩm có thể tái chế, tái sử dụng hoàn toàn; tăng cường phục hồi tài nguyên từ trong các sản phẩm đã qua sử dụng, kéo dài tuổi đời của sản phẩm thông qua tái chế, tái sử dụng, nâng cấp, làm mới và thiết kế lại…; đẩy mạnh hợp tác trong nghiên cứu, phát triển, kết nối người tiêu dùng thông qua hình thức tiêu dùng chung để nâng cao hiệu quả sử dụng sản phẩm. Truyền thông nâng cao nhận thức trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và người dân về kinh tế tuần hoàn; về trách nhiệm phân loại tại nguồn các loại rác thải để thực hiện tái chế, tái sử dụng; thay đổi hành vi tiêu dùng hướng tới các sản phẩm thân thiện môi trường...
Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Bùi Trung Nghĩa đề nghị: Việt Nam cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, trong đó cần sự hỗ trợ từ phía Chính phủ về mặt tài chính, cơ sở hạ tầng (hệ thống thu gom, tái chế, ràng buộc trách nhiệm), nguồn nhân lực, thông tin... cho các doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn hiệu quả; cần có hệ thống tiêu chí đánh giá, ghi nhận nỗ lực của doanh nghiệp trong việc áp dụng kinh tế tuần hoàn theo các thông lệ quốc tế và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam; đồng thời khuyến khích, động viên, vinh danh và nhân rộng những điển hình tốt kịp thời và hiệu quả.