Thúc đẩy liên kết vùng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam

Nguyễn Thị Luyến Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp

Thúc đẩy liên kết vùng luôn là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta thời gian qua. Đây là nội dung quan trọng được đề cập đến trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng như trong Kế hoạch phát triển kinh tế trung hạn 2021-2025 và Chiến lược triển kinh tế - xã hội 2021-2030. Đặc biệt, những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 càng cho thấy tầm quan trọng của việc đẩy mạnh liên kết vùng trong phục hồi phát triển kinh tế ở mỗi địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua, dù có nhiều cải thiện, chất lượng và phạm vi hoạt động liên kết vùng còn chưa tương xứng với yêu cầu và bối cảnh phát triển.

Tổng quan về liên kết vùng

Khái niệm về liên kết vùng

Theo Lê Văn Đính, Nguyễn Đức Hoàng (2021), liên kết vùng được hiểu là những mối quan hệ phối hợp, hợp tác thường xuyên, ổn định trong các hoạt động (trên nhiều lĩnh vực của đời sống, trong đó, lĩnh vực kinh tế có vị trí trọng tâm) do các địa phương, đơn vị trong một vùng thực hiện dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng và cùng có lợi nhằm khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế và bảo đảm lợi ích cho các địa phương tham gia.

Liên kết vùng được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, như liên kết ngành, liên kết giữa các chủ thể chức năng và liên kết không gian (bao gồm liên kết nội vùng và liên vùng...). Thực tế, mỗi vùng thường bao hàm hầu hết sự tác động tổng hợp của các hình thức liên kết trên. Để thúc đẩy phát triển kinh tế của từng địa phương nói riêng và vùng nói chung, việc thúc đẩy liên kết vùng có ý nghĩa cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.

Vai trò của liên kết vùng

- Tạo ra sự lan tỏa tri thức: Sự lan tỏa tri thức có thể bắt nguồn từ các chủ thể liên kết gần gũi nhau về mặt địa lý. Các chủ thể tham gia liên kết có khuynh hướng tự nhiên là tập trung vào một không gian nào đó, cho phép họ giảm chi phí vận tải, tiếp cận thông tin, đảm bảo sự sẵn có của lao động có kỹ năng và dịch vụ cao cấp.

- Làm giảm các chi phí giao dịch: Nếu các đối tác có giao dịch tương tự thường xuyên và liên tục, họ sẽ có động cơ để tạo ra các quá trình và thủ tục giao dịch sao cho giảm được chi phí. Nói cách khác, sẽ có nhiều thỏa thuận và kết nối giao dịch được thiết lập giữa hai và nhiều chủ thể, tạo thành mạng lưới làm giảm chi phí giao dịch và các rào cản.

- Làm gia tăng vốn xã hội: Sự tương đồng về các yếu tố dân tộc, tôn giáo, ngôn ngữ, phong tục, tập quán và các mối quan hệ kinh tế, chính trị truyền thống có vai trò không nhỏ trong việc tạo lập và làm sâu sắc các mối liên kết vùng. Liên kết vùng ở giác độ nhất định làm gia tăng vốn xã hội vì nó góp phần củng cố các chuẩn mực, giá trị chung và sự tin tưởng lẫn nhau.

- Nâng cao hiệu quả và hiệu lực chung của các chính sách kinh tế của vùng và của từng địa phương: Do sự phụ thuộc giữa các địa phương trong vùng ngày càng tăng, các chính quyền địa phương cũng phát sinh nhu cầu liên kết nhằm đưa ra các định hướng tổng thể trong việc thu hút và phân bổ các nguồn lực, hỗ trợ nhau trong quản lý và điều hành nền kinh tế, giải quyết các tranh chấp phát sinh...

Liên kết vùng ở Việt Nam

Việt Nam hiện nay được phân thành 6 vùng KT-XH, 4 vùng kinh tế trọng điểm. Với việc nhìn rõ vấn đề mang tính chiến lược trong phát triển liên kết nội vùng, liên vùng, tại Đại hội XII, Đảng xác định: Thống nhất quản lý tổng hợp chiến lược, quy hoạch phát triển trên quy mô toàn bộ nền kinh tế, vùng và liên vùng... Khắc phục tình trạng nền kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính hoặc đầu tư dàn trải, trùng lặp. Để phát huy những kết quả đạt được trong liên kết vùng, Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục xác định: Phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết chặt chẽ, hiệu quả giữa các khu vực, các vùng, các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh. Đẩy nhanh việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển quốc gia, các vùng, các ngành, lĩnh vực phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và thực tiễn đất nước nhằm nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế. Tăng cường tính liên kết ngành, liên kết nội vùng và liên vùng, thúc đẩy tham gia vào các mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, mở ra những không gian phát triển mới.

Đặc biệt, trong năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết về phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm: Vùng trung du, miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng.

Thời gian qua, việc đẩy mạnh, triển khai liên kết vùng tại các địa phương trong cả nước đã được Chính phủ, các bộ, ngành của Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức và thực hiện trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong phát triển KT-XH. Nhiều văn bản liên quan, từ phê duyệt quy hoạch phát triển KT-XH của vùng, đến việc hình thành quy chế phối hợp, tổ điều phối vùng... đã giúp cho sự liên kết giữa các vùng thời gian qua đã được đẩy mạnh, tạo động lực trong phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành liên quan trong nhiệm vụ phát triển liên kết vùng. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được khẩn trương hoàn thành xây dựng và trình phê duyệt Quy hoạch các vùng KT-XH, đồng thời, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu chuẩn bị các tiền đề, điều kiện để thúc đẩy liên kết vùng nói chung, trong đó trọng tâm là hoàn thiện nền tảng thể chế thúc đẩy liên kết vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 khi có chủ trương của cơ quan có thẩm quyền. Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương có liên quan nghiên cứu cơ chế phân chia lợi ích, chia sẻ tài chính và các nguồn thu từ các chương trình, dự án liên kết vùng. Chủ trì, nghiên cứu báo cáo Chính phủ đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và các văn bản hướng dẫn dưới luật tạo cơ chế thuận lợi cho việc phối hợp nguồn lực giữa các địa phương nhằm thực hiện các mục tiêu chung của vùng...

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2023), các hoạt động liên kết vùng trong thời gian qua đã có những tác động tốt trên một số khía cạnh, đó là: Khắc phục một phần tình trạng biệt lập trong hoạch định và thực thi chính sách của các địa phương; Góp phần kết nối đồng bộ cơ sở hạ tầng vùng và liên vùng; Tạo sự chia sẻ, lan tỏa kinh nghiệm tốt trong quản lý nhà nước; Giải quyết hài hòa hơn các mâu thuẫn giữa các địa phương trong vùng về thu hút đầu tư, xử lý tài nguyên môi trường, các vấn đề xã hội.

Các địa phương đã tham gia thực hiện liên kết, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi trên cơ sở khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh, đặc thù của từng địa phương và toàn vùng để phát triển. Sự liên kết này được phát huy trên tinh thần tự nguyện của các địa phương, tổ chức, DN; có bước đi thích hợp, theo từng giai đoạn, mục tiêu cụ thể trên cơ sở lựa chọn những nội dung, lĩnh vực thiết thực, trọng điểm cho sự phát triển KT-XH của các địa phương và toàn vùng. Các nội dung liên kết được xây dựng thành các dự án, chương trình cụ thể và có mục tiêu rõ ràng, thời gian triển khai, kinh phí và đối tác thực hiện… Nhờ vậy, diện mạo mỗi vùng đã có sự đổi thay, đời sống Nhân dân được cải thiện rõ rệt.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2023), thông qua liên kết vùng, cơ sở hạ tầng vùng ngày càng được hoàn thiện, mạng lưới liên vùng từng bước được kết nối đồng bộ. Việc thúc đẩy liên kết vùng cũng đã tạo sự chia sẻ, lan tỏa kinh nghiệm tốt trong quản lý nhà nước, mâu thuẫn giữa các địa phương trong vùng được giải quyết hài hòa hơn. Liên kết vùng cũng đã góp phần đáng kể trong việc thu hút nhiều nhà đầu tư lớn tham gia hợp tác, đặc biệt là thu hút sự quan tâm của các DN tham gia các hội nghị vùng, hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại vùng...

Khó khăn, thách thức

Từ thực tế phát triển liên kết vùng tại Việt Nam thời gian qua cho thấy, dù có nhiều cải thiện, chất lượng và phạm vi hoạt động liên kết vùng còn chưa tương xứng với yêu cầu và bối cảnh phát triển, vẫn tồn tại rất nhiều khó khăn, thách thức, cụ thể:

- Sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng mới mang tính đơn lẻ, chưa khai thác, phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Hoạt động hợp tác của các địa phương trong vùng chưa đa dạng, chủ yếu là trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đào tạo cán bộ.

- Các quy định về liên kết bắt buộc còn chung chung, khó triển khai áp dụng và chưa có cơ chế đủ mạnh để ràng buộc liên kết vùng.

- Chủ trương, chính sách về liên kết vùng chậm được thực thi. Đến nay, chưa có một văn bản ở cấp luật hay nghị định để thúc đẩy liên kết kinh tế vùng, hay cụ thể hóa nội hàm “thúc đẩy liên kết kinh tế vùng” như đã đề cập trong Hiến pháp năm 2013.

- Phân bổ và điều phối nguồn lực phát triển giữa các địa phương trong vùng chưa có sự khoa học, dẫn đến tình trạng trùng lắp, thiếu liền mạch trong đầu tư công. Vai trò “vốn mồi” của đầu tư công để thu hút các nguồn lực tư nhân/quốc tế còn tương đối khiêm tốn.

Giải pháp thúc đẩy liên kết vùng tại Việt Nam

Để thúc đẩy liên kết vùng, góp phần phát triển KT-XH đất nước nói chung và các vùng nói riêng, trong thời gian tới cần tập trung một số giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về thúc đẩy liên kết kinh tế vùng một cách thực chất và hiệu quả. Theo đó, cần ban hành một văn bản pháp luật ở cấp luật hoặc sửa đổi một số văn bản pháp luật có tính pháp lý tương đối cao, như nghị quyết của Quốc hội, hoặc nghị định của Chính phủ về thúc đẩy liên kết kinh tế vùng.

Thứ hai, xây dựng thể chế liên kết vùng cần hướng tới thúc đẩy liên kết, tăng cường đầu tư theo vùng, phù hợp với chức năng KT-XH, bảo tồn sinh thái, để tạo điều kiện phát triển nhanh hơn các khu vực còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vùng biên giới, hải đảo, Tây Nam bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc và phía Tây các tỉnh miền Trung...

Thứ ba, hoàn thiện thể chế phân công, phân cấp giữa Trung ương và địa phương trong liên kết vùng trên cơ sở làm rõ mối quan hệ giữa phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng và quá trình phân cấp để vừa bảo đảm tập trung thống nhất của nền kinh tế, vừa phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương.

Thứ tư, cần có quy hoạch thống nhất liên kết trong các địa phương trên phạm vi cả nước. Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi liên kết cơ quan điều phối trong vùng; thiết lập Tổ chức quản lý vùng mang tính pháp lý cao và có thực quyền; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số để nâng cao khả năng điều hành vùng...

Thứ năm, triển khai thực hiện có hiệu quả việc phân bổ nguồn lực cho phát triển, tập trung nguồn lực tạo ra các cực tăng trưởng, đầu tàu phát triển mạnh trong các ngành, lĩnh vực, các vùng... Tập trung xây dựng và hình thành các trung tâm logistics lớn ở các vùng trong cả nước nhằm tăng cường quản lý chuỗi cung ứng sản xuất với quy mô lớn, bảo đảm việc theo dõi và truy xuất thông tin hàng hóa nhanh chóng, chính xác đối với việc sản xuất và lưu thông, phân phối hàng hóa...

Kết luận

Hiện nay, liên kết vùng là yếu tố quyết định việc hình thành vùng quy hoạch và các liên kết, hợp tác trong phát triển các ngành kinh tế, tạo động lực thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của vùng; thể hiện nhu cầu vừa tất yếu, vừa có tính bắt buộc trong hợp tác và hội nhập quốc tế trước xu hướng toàn cầu hóa đối với vùng và quốc gia. Tại Việt Nam, thúc đẩy liên kết vùng đang trở thành quyết tâm chính trị mạnh mẽ nhằm hiện thực hóa định hướng phát triển vùng mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra. Để hiện thực hóa các định hướng, mục tiêu này, trong thời gian tới cần triển khai đồng bộ các giải pháp trên.

Tài liệu tham khảo:

  1. Phạm Thị Túy (2023). Thể chế liên kết vùng: Những vấn đề đặt ra và giải pháp khắc phục. Tạp chí Cộng sản;
  2. Lê Văn Đính, Đinh Như Hoài (2023). Thúc đẩy liên kết vùng - đòn bẩy phát triển KT-XH vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong bối cảnh mới. Tạp chí Cộng sản;
  3. Bùi Việt Cường (2013). Vai trò của liên kết vùng trong sự phát triển bền vững. Tạp chí Khoa học Xã hội số tháng 8/2013.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 số tháng 12/2023