Thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam chuyển dịch sang phát thải ròng bằng 0
Để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam chuyển dịch sang phát thải ròng bằng 0, các chuyên gia cho rằng, cần áp dụng những công cụ chính sách đa dạng dựa vào thị trường và các công cụ khác như: Đánh thuế vào hàng hóa nhập khẩu dựa trên carbon; thúc đẩy thương mại hàng hóa xanh; xóa bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch...
Ngày 15/6/2022, tại Hà Nội, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu phối hợp với Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tổ chức Hội thảo tham vấn về nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, 2 năm Chiến dịch Race to Zero và bài học cho Việt Nam về thúc đẩy nền kinh tế phát thải ròng bằng 0.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu Huỳnh Thị Lan Hương cho biết, Việt Nam là nước hàng năm chịu tác động và ảnh hưởng mạnh bởi biến đổi khí hậu. Do đó, Việt Nam coi ứng phó với biến đổi khí hậu có ý nghĩa sống còn để phát triển đất nước bền vững, thịnh vượng, an toàn và góp phần thực hiện nỗ lực toàn cầu theo Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu và Thỏa thuận Paris.
Mới đây, tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết rất mạnh mẽ chung tay cùng các quốc gia về đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để đạt được các cam kết này, cần phải tăng cường sự tham gia và hợp tác của các bên liên quan, nhằm thúc đẩy quá trình xây dựng và triển khai các chính sách hiệu quả, thiết thực và bền vững.
Hiện nay, có gần 150 quốc gia công bố mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ. Các nước G7, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á và nhiều ngân hàng lớn trên thế giới đã tuyên bố không tài trợ cho các dự án phát điện sử dụng than.
Các biện pháp như đánh thuế vào hàng hóa nhập khẩu dựa trên carbon, thúc đẩy thương mại hàng hóa xanh, xóa bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, hỗ trợ kinh tế tuần hoàn, đảm bảo các đối tác thương mại áp dụng các tiêu chuẩn môi trường cao, phát thải các bon thấp, trợ cấp cho các ngành công nghiệp ít phát thải… đang được áp dụng ngày càng rộng rãi để buộc các quốc gia phát triển kinh tế carbon thấp, sử dụng năng lượng sạch.
Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào cuối thế kỷ, các nước đã áp dụng những công cụ chính sách đa dạng dựa vào thị trường và các công cụ khác trong chiến lược dài hạn để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Liên quan tới Chiến dịch Race to Zero, ông Vũ Quốc Anh - Quản lý dự án WWF-Việt Nam, Điều phối Liên minh Hành động vì khí hậu cho biết, chiến dịch này do Chile và Vương quốc Anh khởi xướng vào Ngày Môi trường thế giới năm 2020, Chiến dịch Race to Zero đã huy động được sự chung tay tham gia của các bên thuộc khu vực ngoài nhà nước tham gia vào Liên minh Hành động vì khí hậu và có Kế hoạch cụ thể cho cam kết Net zero.
Theo thống kê, đến tháng 5/2022, Chiến dịch Race to Zero huy động cam kết của 1.122 thành phố, 67 khu vực, 7.552 doanh nghiệp, 441 nhà đầu tư lớn và 1.114 tổ chức giáo dục, 555 tổ chức tài chính/đầu tư, 63 tổ chức về sức khỏe và 25 tổ chức khác với mục tiêu giảm một nửa tổng lượng phát thải vào năm 2030 và đạt “net zero” vào năm 2050 và thúc đẩy chuyển dịch sang nền kinh tế carbon thấp, ngăn ngừa các mối đe dọa khí hậu cho tương lai, tạo việc làm xanh và hướng tới tăng trưởng bền vững và bao trùm.
Nhằm huy động hàng loạt các công ty và thành phố cam kết không phát thải carbon muộn nhất vào năm 2050, Chiến dịch Race to Zero đã xác định những biện pháp hiệu quả nhất để tiến tới phát thải bằng 0 ở các lĩnh vực quan trọng như năng lượng, giao thông, công nghiệp, thực phẩm, bán lẻ và tài chính.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu, nhà khoa học, chuyên gia đã đóng góp ý kiến tham vấn kết quả nghiên cứu các điều kiện cho Việt Nam để chuyển dịch sang nền kinh tế phát thải ròng bằng 0; chia sẻ kinh nghiệm tham gia chiến dịch Race to Zero của khối doanh nghiệp và trường học...
Nhằm huy động hàng loạt các công ty và thành phố cam kết không phát thải carbon muộn nhất vào năm 2050, Chiến dịch Race to Zero đã xác định những biện pháp hiệu quả nhất để tiến tới phát thải bằng 0 ở các lĩnh vực quan trọng như năng lượng, giao thông, công nghiệp, thực phẩm, bán lẻ và tài chính.