Thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn
Chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp, mà còn cho cả đối tác và cộng đồng. Đặc biệt, việc giảm phát thải khí CO 2 trong sản xuất sẽ góp phần đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 đã được Việt Nam cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Phát triển kinh tế tuần hoàn là giải pháp quan trọng giúp Việt Nam hướng tới phát triển kinh tế xanh, kinh tế các-bon thấp. Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế tuần hoàn, đồng thời là đối tượng thụ hưởng lợi ích từ các mô hình kinh tế sáng tạo và văn minh này.
Những mô hình
Hơn 14 năm hình thành và phát triển, Khu công nghiệp (KCN) Nam Cầu Kiền tự hào là đơn vị tiêu biểu tại TP. Hải Phòng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và đang hướng tới trở thành KCN sinh thái đầu tiên do người Việt Nam đầu tư.
Ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phẩn Shinec, Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền chia sẻ: Xác định xây dựng môi trường đầu tư xanh, thân thiện môi trường là yếu tố then chốt để phát triển bền vững, tăng sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư, doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp để chuyển từ KCN tổng hợp ban đầu thành KCN sinh thái.
Cùng với việc hoàn thiện cơ sở vật chất, các công trình bảo vệ môi trường được đặc biệt quan tâm phát triển đầy đủ. KCN đã xây dựng hệ thống thu gom, vận chuyển toàn bộ lượng nước thải phát sinh từ các doanh nghiệp và xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi xả thải ra môi trường. Đáng chú ý, KCN đã áp dụng các biện pháp "tuần hoàn cục bộ" kết hợp với "tuần hoàn toàn diện" để giải quyết bài toán này. Nhờ đó, nguồn nước được khép kín tuần hoàn và giảm tác động ô nhiễm và nguồn tài nguyên nước.
Đặc điểm nổi bật nhất có thể thấy tại KCN Nam Cầu Kiền là liên kết bền chặt các doanh nghiệp trong ngành-liên ngành trở thành những "khách hàng và nhà cung cấp tiềm năng" của nhau, hình thành các chuỗi tuần hoàn kép và lợi ích kép. Cụ thể, mỗi doanh nghiệp là nhà sản xuất sản phẩm này nhưng những phế thải của họ lại trở thành nguyên liệu đầu vào cung cấp cho doanh nghiệp khác, cứ như vậy hình thành vòng tuần hoàn tại chỗ với lợi ích đa chiều. Tại đây đã hình thành chuỗi cộng sinh tuần hoàn của các ngành sản xuất lớn như thép, nhựa, công nghiệp phụ trợ, điện tử…
Chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần luyện thép cao cấp Việt Nhật Đặng Việt Bách cho biết: Các loại hình đầu tư tại KCN Nam Cầu Kiền đều được đơn vị quản lý định hướng đến việc giải quyết các vấn đề quay vòng chất thải, thực hiện mối quan hệ cộng sinh với nhau nhằm gia tăng giá trị sử dụng đất và giá trị nguồn lợi thiết thực cho nhà đầu tư.
Thí dụ, liền kề với tổ hợp luyện cán thép là các doanh nghiệp cung ứng, xử lý các phế thải từ quá trình sản xuất thép. Xỉ thép, tạp chất tách từ phế liệu kim loại của ngành sẽ được phân loại để thu hồi kim loại; sắt tồn dư đưa trở lại nhà máy thép để luyện phôi; xỉ thép không chứa kim loại được nghiền, sàng tái chế đá nhân tạo ecoslag làm phụ gia xi-măng, vật liệu xây dựng thay đá tự nhiên và tạo ra các sản phẩm khác như: gạch không nung, cấu kiện bê-tông…
Để đa dạng hóa nguồn lực, cũng như bảo đảm đạt được mục tiêu bảo vệ môi trường, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đã xây dựng chiến lược phát triển bền vững hướng đến bảo vệ môi trường, tập trung vào bốn lĩnh vực chính, gồm: hành động chống biến đổi khí hậu; giải pháp bao bì bền vững; mua hàng có trách nhiệm; bảo vệ nguồn nước. Theo ông Binu Jacob - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm dinh dưỡng và đồ uống đã có nhiều sáng kiến tiêu biểu áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn được áp dụng.
Trong mô hình sản xuất cà-phê, bã cà-phê thành nguyên liệu sinh khối thay dầu đốt, bã cà-phê được nén thành viên đốt sinh khối đốt để vận hành lò hơi; tro và cát thải lò hơi sau khi đốt làm nguyên liệu sản xuất gạch không nung; bùn cà-phê được chế biến thành phân vi sinh; vỏ hộp sữa được xử lý làm tấm lợp sinh thái; hơi nước được tái sử dụng cho tháp giải nhiệt; nước thải được xử lý và tái sử dụng cho sản xuất.
Chỉ tính riêng việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất cà-phê đã tiết kiệm được từ 40 đến 50 tỷ đồng mỗi năm chi phí năng lượng. Quan trọng hơn, gần như 100% phụ phẩm cà-phê được tái chế và tái sử dụng để tạo ra giá trị và không xả thải ra môi trường, thay thế hơn 74% chất đốt từ dầu DO và giảm phát thải được gần 12.670 tấn CO2/năm. Ngoài ra, nước thải trong quá trình sản xuất cà-phê được lọc, làm sạch, tái sử dụng cho lò hơi, tiết kiệm được hơn 112 nghìn m3 nước/năm, tái sử dụng 65% lượng nước tái chế, tiết kiệm 30% lượng nước và 40% năng lượng…
Đánh giá về việc thực hiện kinh tế tuần hoàn tại các doanh nghiệp, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng: Các doanh nghiệp đã nhận thức tầm quan trọng của kinh tế tuần hoàn, đồng thời áp dụng nhiều mô hình mang lại hiệu quả trong các ngành sản xuất, dịch vụ góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bền vững của đất nước.
Điều quan trọng là người lao động trong các ngành nghề, lĩnh vực đã tự giác tham gia quá trình chuyển sang kinh tế tuần hoàn với nhiều sáng kiến giảm tiêu hao nguyên liệu, vật tư, năng lượng, tiết kiệm chi phí, hợp lý hóa quá trình sản xuất, kinh doanh, nhất là giảm khí nhà kính…
Cần giải pháp tổng thể
Phó Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Hoa Cương cho rằng: Phát triển bền vững nói chung và phát triển nền kinh tế tuần hoàn, mô hình kinh doanh tuần hoàn nói riêng đã và đang được Đảng, Nhà nước quan tâm và đặt ra những mục tiêu, giải pháp để thực hiện. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhận thức về kinh tế tuần hoàn, kinh doanh tuần hoàn của các doanh nghiệp còn hạn chế, nhất là chưa thấy được tầm quan trọng thực sự của nền kinh tế tuần hoàn, kinh doanh tuần hoàn đối với sự phát triển bền vững của toàn bộ nền kinh tế và chính bản thân của các doanh nghiệp.
Hiện các quy định về kinh tế tuần hoàn đã có nhưng phần lớn vẫn đang nằm ở dạng chính sách, chưa được cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể. Điều đó dẫn đến các hoạt động hỗ trợ nhận thức để phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn gần như chưa được thực hiện. Ngoài ra, thiếu các chính sách cụ thể đối với các hoạt động kinh doanh theo hướng tuần hoàn như hỗ trợ về tài chính, công nghệ, đào tạo, tư vấn, thị trường cho các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm áp dụng các mô hình kinh tế, quy trình theo hướng kinh doanh tuần hoàn. Một số chính quyền địa phương thiếu quyết liệt trong việc thực thi các giải pháp nhằm phát triển kinh tế tuần hoàn như xử lý, phân loại rác thải, quy hoạch các nhà máy tái chế tại địa phương mình…
Để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Mại đề nghị Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, hình thành hành lang pháp lý minh bạch, ổn định, môi trường kinh doanh và đầu tư thông thoáng; Nhà nước cần có khuôn khổ pháp lý cho "đổi mới-sáng tạo", bởi vì để hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn thì "đổi mới-sáng tạo" giữ vai trò rất quan trọng trong việc thay đổi các thiết chế cứng nhắc, lỗi thời. Chính phủ cần có cơ chế, chính sách đầu tư phát triển nguồn lực trong phát triển kinh tế tuần hoàn; nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và lộ trình thu thập, sử dụng, phân tích thông tin nhằm hỗ trợ các ứng dụng, giải pháp công nghệ thông tin và truyền thông; có lộ trình và ưu tiên trong phát triển kinh tế tuần hoàn dựa trên nhu cầu thị trường và đòi hỏi của xã hội…
Đối với các doanh nghiệp, cần tiếp tục nâng cao nhận thức về trách nhiệm của họ trong suốt vòng đời sản phẩm; tập trung ưu tiên nguồn lực tài chính để chuyển đổi phương thức sản xuất, đồng thời phát triển kinh tế tuần hoàn phải gắn với nghiên cứu, phát triển và tiếp cận công nghệ tiên tiến trên thế giới. Mặt khác, doanh nghiệp cần giải bài toán lợi ích ngắn hạn hay chấp nhận đi chậm hơn để tăng tốc độ trong tương lai, vì đầu tư đổi mới công nghệ và đào tạo nhân lực trình độ cao sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, có ảnh hưởng đến sức tiêu thụ và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu tiếp tục đi theo lối mòn của mô hình sản xuất hiện tại thì sẽ phải đối mặt với rủi ro trong tương lai, khi nguồn nguyên liệu thô, nguyên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt...
Ông Phạm Hồng Điệp khuyến nghị để mô hình kinh tế tuần hoàn thực sự thành công, các doanh nghiệp ở Việt Nam đang cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, địa phương trong tháo gỡ các khó khăn, rào cản, vướng mắc về thủ tục, chính sách; có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi mô hình kinh tế tuần hoàn, các dự án năng lượng tái tạo...
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đề nghị cần phát huy hơn nữa vai trò kiến tạo của Chính phủ trong điều hành, hoạch định chính sách để kích thích ngày càng nhiều các tổ chức, cá nhân đổi mới, sáng tạo, áp dụng các giải pháp kinh tế tuần hoàn vào trong quá trình thiết kế, sản xuất, phân phối, tiêu dùng và quản lý chất thải để tạo ra những vòng lặp tuần hoàn, kết nối một cách hệ thống để tạo dựng một xã hội tuần hoàn...