Hoàn thiện khung chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn

Theo Lan Anh/kinhtemoitruong.vn

Kinh tế tuần hoàn đang được xem là giải pháp hướng đến phát triển bền vững. Để khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, cần sớm hoàn thiện khung pháp luật về kinh tế tuần hoàn, đặc biệt chính sách hỗ trợ phát triển các mô hình kinh doanh hiệu quả.

Chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn đang là một xu hướng mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới như EU, Trung Quốc và cả các quốc gia ASEAN.
Chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn đang là một xu hướng mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới như EU, Trung Quốc và cả các quốc gia ASEAN.

Xu hướng mạnh mẽ hiện nay

Mới đây, Hội thảo “Chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn" được tổ chức nhằm hướng tới việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trước một chính sách lớn của Chính phủ.

Đồng thời, tạo diễn đàn đối thoại giữa các cơ quan hoạch định chính sách, các nhà khoa học, các doanh nghiệp để cùng nhau chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và đề xuất những giải pháp để phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam hiện nay.

Kinh tế tuần hoàn đang được xem là giải pháp hướng đến phát triển bền vững. Tuy nhiên, khung chính sách cho kinh tế tuần hoàn còn nhiều hạn chế, cần được xây dựng để Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2025.

Theo Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn đang là một xu hướng mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới như EU, Trung Quốc và cả các quốc gia ASEAN bởi chính những lợi ích về cả kinh tế và môi trường.

Ước tính, đến nay có khoảng 30 quốc gia trên thế giới đã và đang xây dựng các lộ trình để phát triển kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, năm 2021, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN đã ký thông qua Khung Kế hoạch thực hiện kinh tế tuần hoàn cho Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Tín hiệu đó cho thấy, kinh tế tuần hoàn ngày càng nhận được sự ủng hộ trên cả phương diện khoa học, thực tiễn của các quốc gia trên thế giới.

Tại Đề án “Phát triển Kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”, Thủ tướng Chính phủ đã xác định cần tập trung ban hành các chính sách dài hạn nhằm khuyến khích, ưu đãi, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế tuần hoàn trên cơ sở nâng cao nhận thức, sự chủ động, phát huy đổi mới sáng tạo và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng đồng và xã hội…

Nghị quyết cũng đề ra các mục tiêu cụ thể đối với phát triển kinh tế tuần hoàn như: Góp phần giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về "0" vào năm 2050; đến năm 2030 các dự án kinh tế tuần hoàn trở thành động lực chủ yếu trong giảm tiêu hao năng lượng sơ cấp; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn thông qua các mô hình kinh tế tuần hoàn đạt 50%; 100% rác thải hữu cơ ở đô thị và 70% rác thải hữu cơ ở nông thôn được tái chế...

Gỡ khó cho doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 nhấn mạnh: "Khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất. Tuy nhiên, nhận thức của 1 bộ phận xã hội, các lãnh đạo địa phương về kinh tế tuần hoàn còn hạn chế.

Các chuyên gia cho rằng, để phát triển mô hình này, Việt Nam cần có chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thông qua giảm thuế phí, thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ mua sắm công các sản phẩm áp dụng kinh tế tuần hoàn, cung cấp tín dụng xanh cho kinh tế tuần hoàn.

Đối với một quốc gia như Việt Nam để thực hiện kinh tế tuần hoàn chứa đựng cả những cơ hội và rào cản. Trong đó, cần phải có những nỗ lực từ các cơ quan Chính phủ, tổ chức, cá nhân ở trong nước nhằm hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật theo hướng đồng bộ. Cùng với đó, cần có sự đồng thuận chung của cộng đồng quốc tế trong việc gỡ bỏ các rào cản mang tính toàn cầu.

Chính vì vậy, trong ngắn hạn Việt Nam cần tập trung đưa các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 vào cuộc sống, sớm xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện kinh tế tuần hoàn để lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên, xây dựng các định hướng mục tiêu, chỉ tiêu, giao trách nhiệm cho các bộ, ngành và địa phương trong cụ thể hóa chủ trương này. Điều này cũng phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

Về dài hạn, hệ thống pháp luật có liên quan cần lồng ghép tư duy của kinh tế tuần hoàn để hoàn thiện các quy định khác có liên quan như pháp luật về đầu tư công để hướng đến thúc đẩy mua sắm công xanh, pháp luật về thuế, phí bảo vệ môi trường hướng đến điều chỉnh hành vi của người sản xuất, tiêu dùng theo hướng thân thiện với môi trường; pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn để giao trách nhiệm rõ ràng cho các bộ, ngành trong việc phát triển các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với nguyên liệu, vật liệu thứ cấp; pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng để hướng đến bảo đảm “quyền được sửa chữa, cập nhật các sản phẩm, kéo dài vòng đời sản phẩm”.

Đặc biệt, hệ thống pháp luật cần phát huy vai trò kiến tạo của Chính phủ trong điều hành, hoạch định chính sách nhằm kích thích ngày càng nhiều các tổ chức, cá nhân đổi mới, sáng tạo, áp dụng các giải pháp kinh tế tuần hoàn vào trong quá trình thiết kế, sản xuất, phân phối, tiêu dùng và quản lý chất thải để tạo ra những vòng lặp tuần hoàn, kết nối một cách hệ thống để tạo dựng một xã hội tuần hoàn.

Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, để thực hiện được kinh tế tuần hoàn đòi hỏi một tiến trình dài hạn với sự quyết tâm và nỗ lực của toàn hệ thống để từng bước hình thành và vận hành các hoạt động sản xuất, tiêu dùng trong nền kinh tế; đổi mới, sáng tạo trên cơ sở áp dụng những thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển của công nghệ để thiết lập một chuỗi giá trị gia tăng mới, tạo lập các mô hình kinh doanh tuần hoàn mới, và các động lực giá trị mới cho nền kinh tế.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, để khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn cần sớm hoàn thiện khung pháp luật về kinh tế tuần hoàn, kinh doanh tuần hoàn, đặc biệt là các quy định chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển các mô hình kinh doanh một cách hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của quốc gia và điều kiện của từng ngành nghề, từng doanh nghiệp.

Phát triển khoa học công nghệ nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình kinh doanh tuần hoàn. Xây dựng và áp dụng các bộ tiêu chuẩn, khung hướng dẫn áp dụng kinh tế tuần hoàn, kinh doanh tuần hoàn, đặc biệt là xây dựng số tay hướng dẫn áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn cho các doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực, quy mô.

Đối với doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoa Cương cho rằng, cần thực hiện phân tích chi phí - lợi ích (CBA) của mô hình kinh doanh tuần hoàn mà doanh nghiệp dự kiến áp dụng trước và sau khi chuyển đổi để thấy rõ được tiềm năng, lợi ích của việc chuyển đổi.