Cụ thể hóa chính sách về kinh tế tuần hoàn
Phần lớn quy định về kinh tế tuần hoàn đang nằm ở dạng chính sách, chưa được cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể nên rất ít được triển khai trong thực tế.
Doanh nghiệp chưa biết đến
Chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn đang là một xu hướng mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới bởi những lợi ích về cả kinh tế và môi trường... Ước tính hiện nay có khoảng 30 quốc gia đã và đang xây dựng các lộ trình để phát triển kinh tế tuần hoàn.
Tại Việt Nam, kinh tế tuần hoàn sớm nhận được quan tâm của Đảng, Nhà nước với các định hướng, chỉ đạo theo hướng toàn diện, thống nhất... Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra định hướng xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thân thiện với môi trường. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 cũng nhấn mạnh: "Khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất".
Tuy nhiên, tại hội thảo "Chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn" ngày 7/9, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Hoa Cương cho biết, qua khảo sát và phản ánh của các doanh nghiệp, quá trình phát triển kinh tế tuần hoàn nói chung và mô hình kinh tế tuần hoàn nói riêng đang gặp không ít khó khăn, rào cản. Các quy định về kinh tế tuần hoàn nói chung và kinh doanh tuần hoàn nói riêng dù đã có nhưng phần lớn đang nằm ở dạng chính sách, chưa được cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, vì vậy gần như rất ít được triển khai trong thực tế.
Theo báo cáo của CIEM, hiện đã có những doanh nghiệp chuyển từ mô hình kinh doanh tuyến tính sang mô hình kinh doanh tuần hoàn song tỷ lệ còn thấp do còn thiếu chính sách khuyến khích, hỗ trợ cụ thể của Chính phủ. Số doanh nghiệp chưa biết đến các mô hình kinh doanh tuần hoàn được đề cập là 8% - 15% tổng số doanh nghiệp được khảo sát. Trong đó, nhóm chưa áp dụng bất cứ hình thức đổi mới mô hình kinh doanh hoặc áp dụng mô hình kinh doanh tuần cao hơn đáng kể, từ 10% - 24% tùy theo từng loại mô hình, trong đó mô hình “tái chế” chỉ dưới 10% chưa biết tới.
Có lộ trình hỗ trợ doanh nghiệp
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng, để thực hiện kinh tế tuần hoàn phải nỗ lực hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật theo hướng đồng bộ. Cùng với đó, cần có sự đồng thuận chung của cộng đồng quốc tế trong việc gỡ bỏ các rào cản mang tính toàn cầu.
Trong ngắn hạn, theo ông Nhân, Việt Nam cần tập trung đưa các quy định của Luật Bảo vệ môi trường vào cuộc sống; sớm xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện kinh tế tuần hoàn để lựa chọn lĩnh vực ưu tiên, xây dựng các định hướng mục tiêu, chỉ tiêu, giao trách nhiệm cho các bộ, ngành và địa phương trong cụ thể hóa chủ trương này. Trong dài hạn, hệ thống pháp luật cần lồng ghép tư duy của kinh tế tuần hoàn. Ví dụ, pháp luật về đầu tư công hướng đến thúc đẩy mua sắm công xanh; pháp luật về thuế, phí bảo vệ môi trường hướng đến điều chỉnh hành vi của người sản xuất, tiêu dùng theo hướng thân thiện với môi trường; pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn để giao trách nhiệm rõ ràng cho các bộ, ngành trong việc phát triển các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với nguyên liệu, vật liệu thứ cấp…
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng CIEM cho rằng cần sớm hoàn thiện khung pháp luật về kinh tế tuần hoàn, kinh doanh tuần hoàn; đặc biệt là các quy định, chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển các mô hình kinh doanh một cách hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của quốc gia và điều kiện của từng ngành nghề, từng doanh nghiệp.
Cùng với đó, phát triển khoa học công nghệ nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình kinh doanh tuần hoàn; xây dựng và áp dụng các bộ tiêu chuẩn, khung hướng dẫn áp dụng kinh tế tuần hoàn, kinh doanh tuần hoàn, đặc biệt là xây dựng sổ tay hướng dẫn áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn cho các doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực, quy mô.
Theo TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, cần xây dựng và thực thi "văn hóa kinh tế tuần hoàn, văn hóa xanh” trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp; đồng thời phát triển đa dạng các loại hình tài chính bền vững cho kinh tế tuần hoàn.
Cụ thể, xây dựng quy trình thẩm định riêng hoặc sổ tay hướng dẫn về tín dụng với kinh tế tuần hoàn và sổ tay đánh giá rủi ro môi trường xã hội cho các ngành kinh tế. Tích cực tham gia đàm phán, thu hút nguồn vốn quốc tế đa dạng, vốn ODA để tài trợ cho các dự án tín dụng kinh tế tuần hoàn, dự án xanh. Có lộ trình hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn…