Thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam


Việt Nam đang hướng tới các mục tiêu trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, theo đó, mọi người dân, doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu, chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm. Để thực hiện thành công các mục tiêu này, cần có sự tham gia, vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành và cộng đồng xã hội. Trong đó, các vấn đề cần thực hiện gồm: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; Phát triển cơ sở hạ tầng tài chính và dịch vụ thanh toán; Đa dạng hóa kênh phân phối và mạng lưới các tổ chức cung cấp dịch vụ về tài chính; Tăng cường hiểu biết về tài chính và bảo vệ người tiêu dùng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đặt vấn đề

Tài chính toàn diện (TCTD) được hiểu là việc cung cấp dịch vụ tài chính (DVTC) phù hợp và thuận tiện cho mọi thành viên trong xã hội, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận, sử dụng DVTC, tạo cơ hội sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã  hội. Các nhà hoạch định chính sách cho rằng, TCTD có vai trò rất quan trọng đối với một quốc gia bởi tiếp cận tài chính chính thức có ý nghĩa vô cùng lớn trong xóa đói giảm nghèo, công bằng xã hội và phát triển bền vững.

Chính vì vậy, TCTD đã và đang nhận được sự được quan tâm của toàn cầu dựa trên những cơ hội mà TCTD đóng góp cho quá trình phát triển. Chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới đang triển khai các chương trình TCTD và xem đây là phương cách để đạt được các mục tiêu tăng trưởng toàn diện. Cùng với đó, các tổ chức quốc tế, đã đặt TCTD là trọng tâm trong nhiều chương trình hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các quốc gia trên thế giới.

 Tại Việt Nam, tháng 01/2020, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược TCTD quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu tổng quát là mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một các có trách nhiệm và bền vững.

Để thực hiện thành công các mục tiêu này, trong thời gian tới, cần có sự tham gia, vào cuộc đồng bộ từ các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị cung cấp dịch vụ và hơn hết là sự quan tâm, tham gia tích cực của cộng đồng xã hội. Trên cơ sở tổng hợp những vấn đề chung về TCTD, bài viết phân tích những vấn đề đặt ra đối với quá trình phát triển TCTD tại Việt Nam.

Khái quát về tài chính toàn diện

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), TCTD là các cá nhân và doanh nghiệp có thể tiếp cận và sử dụng các sản phẩm và DVTC - các giao dịch, thanh toán, tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm - đáp ứng nhu cầu của họ và có mức chi phí hợp lý, được cung cấp theo một cách thức có trách nhiệm và bền vững. Liên minh Tài chính toàn diện (AFI) định nghĩa về TCTD rộng hơn và đa chiều hơn, nhấn mạnh đến cả khía cạnh chất lượng sử dụng dịch vụ. Theo Tổ chức Hợp tác toàn cầu về TCTD (GPFI), TCTD là một trạng thái theo đó tất cả các người ở độ tuổi lao động có thể tiếp cận hiệu quả tới dịch vụ tín dụng, tiết kiệm, thanh toán và bảo hiểm từ các nhà cung cấp dịch vụ chính thống.

Theo Liên Hợp quốc, mục tiêu của TCTD bao gồm: (1) Tiếp cận ở mức chi phí hợp lý của tất cả các hộ gia đình trong nhiều loại dịch vụ tài chính, bao gồm dịch vụ tiết kiệm hoặc gửi tiền, dịch vụ thanh toán và chuyển tiền, tín dụng và bảo hiểm; (2) Các tổ chức kinh doanh an toàn và hiệu quả, được quản lý bởi hành lang pháp lý và những tiêu chuẩn hoạt động ngành rõ ràng; (3) Bền vững thể chế và tài chính, đảm bảo tính liên tục và chắc chắn của hoạt động đầu tư; (4) Cạnh tranh giúp mở rộng sự lựa chọn và đáp ứng khả năng chi trả.

Như vậy, có thể hiểu TCTD là việc cung cấp các DVTC chính thức (tín dụng, tiết kiệm, bảo hiểm, thanh toán…) một cách thuận tiện, chi phí hợp lý, phù hợp với nhu cầu cho tất cả người dân. TCTD không chỉ giới hạn trong việc cải thiện khả năng tiếp cận tài chính mà còn bao gồm cả việc nâng cao hiểu biết về tài chính cho người dân và bảo vệ người tiêu dùng.

Có nhiều cách tiếp cận khác nhau về đánh giá mức độ phát triển của TCTD. Theo AFI, TCTD đo lường bằng 04 chỉ tiêu gồm: Thứ nhất, mức độ tiếp cận, đề cập đến khả năng sử dụng các DVTC, với các chỉ số: số lượng hoặc tỷ lệ những người có khả năng tiếp cận DVTC cơ bản (tín dụng, tiết kiệm, thanh toán, bảo hiểm) từ nhà cung cấp (chính thức hoặc không chính thức); Khoảng cách giữa các điểm giao dịch với khách hàng; Các mức độ nghèo; Thứ hai, sử dụng DVTC, đề cập đến khả năng sử dụng dịch vụ và sản phẩm tài chính, đo lường bởi tần suất sử dụng dịch vụ hay tỷ lệ tài khoản đang hoạt động; Thứ ba, chất lượng DVTC, đánh giá các thuộc tính, mức độ phù hợp của dịch vụ hoặc sản phẩm tài chính đối với nhu cầu của người tiêu dùng, với các chỉ số: Khả năng tài chính của người tiêu dùng; Khoảng cách hợp lý giữa người sử dụng và nhà cung cấp dịch vụ; Tần suất khiếu nại; Thứ tư, tác động phúc lợi, tập trung vào tác động của các DVTC đối với lợi ích của người tiêu dùng, bao gồm những thay đổi trong tiêu dùng, hiệu suất kinh doanh và chất lượng cuộc sống, với các chỉ số: tăng khả năng tiết kiệm; tăng khả năng tiêu thụ và tăng khả năng quyết định trong gia đình.

TCTD giúp mở rộng cơ hội tiếp cận DVTC cho tất cả mọi người, qua đó, tạo ra những tác động tích cực trong gia tăng tiết kiệm và đầu tư, qua đó, thúc đầy phát triển kinh tế, xã hội. Đối với các tổ chức tài chính, TCTD mở rộng đối tượng phục vụ đến tất cả mọi thành viên trong xã hội, qua đó, phát triển khách hàng và hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Phát triển tài chính toàn diện ở Việt Nam

Tại Việt Nam, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược TCTD quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, DVTC phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững.

Trong đó, chỉ tiêu đặt ra là phấn đấu đến cuối năm 2025 đạt được: Ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tiến tới mỗi người trưởng thành có ít nhất một tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác vào năm 2030; Ít nhất 20 chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng thương mại trên 100.000 người trưởng thành; Ít nhất 50% tổng số xã có điểm cung ứng DVTC (chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng và đại lý ngân hàng; ngoại trừ điểm cung ứng dịch vụ tài chính của Ngân hàng Chính sách xã hội); Ít nhất 25% - 30% người trưởng thành gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng; Số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng từ 20% -25% hàng năm; Ít nhất 250.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa có dư nợ tại các tổ chức tín dụng; Dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt 25%; Doanh thu phí bảo hiểm bình quân GDP là 3,5%; Ít nhất 70% người trưởng thành có thông tin về lịch sử tín dụng trong hệ thống thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Việt Nam hiện có 125 triệu người sử dụng điện thoại di động; 50 triệu người sử dụng internet và 46 triệu người dùng mạng xã hội; 41 triệu người trưởng thành có tài khoản thanh toán; 27% người trưởng thành khu vực nông thôn có tài khoản ngân hàng; 41 ngân hàng có dịch vụ thanh toán di động; 40 ngân hàng là đối tác với các công ty Fintech cung cấp ví điện tử; 11 công ty tài chính tiêu dùng với 7-10 triệu khách hàng; 1.280 tổ chức ngân hàng được cấp phép và 27 định chế tài chính phi ngân hàng (năm 2016); 1.177 Quỹ Tín dụng nhân dân; 04 Tổ chức tài chính vi mô cấp phép hơn 150 chương trình, dự án tài chính vi mô với gần 840.000 khách hàng.

Theo thống kê từ WB, số lượng chi nhánh ngân hàng và số lượng ATM trên 100.000 người trưởng thành có xu hướng được cải thiện trong những năm trở lại đây. Số lượng chi nhánh ngân hàng trên 100.000 người trưởng thành trung bình khoảng 3,5 và số lượng ATM trên 100.000 người trưởng thành là hơn 20 nghìn máy.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/12/2020, số lượng tài khoản thanh toán của cá nhân, tổ chức tại các tổ chức tín dụng đạt 104,2 triệu tài khoản, số lượng chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng thương mại/100.000 dân số trưởng thành tiếp tục tăng, số lượng ATM tăng 2,34% so với năm 2019. Từ năm 2019, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, việc triển khai mở rộng mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch truyền thống chậm lại cùng với mạng lưới chi nhánh phân bổ không đồng đều trong cả nước, đồng thời, việc tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản ngân hàng dù đã tăng lên nhưng tốc độ tăng chậm cho thấy ảnh hưởng nhất định đến ổn định tài chính.

Mặc dù, mức độ bao phủ của hệ thống các tổ chức tín dụng khá lớn, nhất là ở khu vực đô thị, tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong khi những người dân đô thị và các doanh nghiệp lớn được tiếp cận khá dễ dàng các dịch vụ tài chính do ngân hàng cung cấp thì nhóm đối tượng dân cư nông thôn, vùng sâu, vùng xa và hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiếp cận với nguồn lực tài chính này. Điều này ảnh hưởng nhất định đến sự an toàn của hệ thống tài chính và cuối cùng là ổn định tài chính.

Giải pháp thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam trong thời gian tới

TCTD liên quan đến nhiều chủ thể, trong đó, Nhà nước với vai trò kiến tạo cũng như quản lý, giám sát; đối với người dân và doanh nghiệp, TCTD vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ, nhận thức và tham gia có trách nhiệm của mỗi người sẽ thúc đẩy TCTD của quốc gia. Với các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính, TCTD mở ra cơ hội mở rộng đối tượng khách hàng và đa dạng hóa sản phẩm/dịch vụ, qua đó, gia tăng thu nhập. Chính vì vậy, để thúc đẩy TCTD cần sự tham gia có trách nhiệm của tất cả các chủ thể có liên quan để tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch, hệ thống sản phẩm dịch vụ đa dạng, tiện ích, an toàn được xác lập trên nền tảng của sự nhận thức đầy đủ về lợi ích và vai trò trong phát triển TCTD. Một số vấn đề cụ thể cần triển khai để thực hiện thành công Chiến lược TCTD quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, gồm:

Thứ nhất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến việc cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, nhất là những sản phẩm, dịch vụ dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ số, các tổ chức cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính.

Thứ hai, phát triển và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng tài chính gồm: Hạ tầng thanh toán; cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cơ sở dữ liệu quốc gia về TCTD.

Thứ ba, phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng, kênh phân phối các điểm tiếp cận dịch vụ, bao gồm cả các tổ chức tài chính vi mô, các tổ chức công nghệ tài chính, các kênh phân phối hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ số. Mở rộng độ bao phủ các điểm cung ứng dịch vụ của các tổ chức tín dụng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính.

Thứ tư, nâng cao năng lực và kiến thức tài chính để tăng cường kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính, nâng cao hiểu biết về sản phẩm, dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp, từ đó tăng khả năng sử dụng, đánh giá lợi ích, rủi ro của các sản phẩm, dịch vụ tài chính do các tổ chức được cấp phép cung ứng để người dân và doanh nghiệp sáng suốt lựa chọn các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu.

Kết luận

Chiến lược TCTD quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc theo đuổi các mục tiêu dài hạn nhằm thúc đẩy phát triển bền vững. Triển khai thực hiện thành công chiến lược quốc gia về TCTD sẽ mở ra những cơ hội to lớn để thúc đẩy TCTD trên bình diện quốc gia.

Với sự quan tâm và những nỗ lực của Chính phủ, sự sẵn sàng hỗ trợ của các định chế tài chính quốc tế lớn, các nhà tài trợ, đặc biệt, là nhận thức ngày càng tăng về tầm quan trọng của TCTD đối với sự phát triển bền vững đất nước, tại các cơ quan quản lý nhà nước, các định chế tài chính, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, đây sẽ là những điều kiện cần và đủ đảm cho sự thành công của Chiến lược TCTD quốc gia, từ đó hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước.  

Tài liệu tham khảo:

Chính phủ (2020), Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 về việc phê duyệt  Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Ngân hàng Nhà nước (2016), Sơ lược về tài chính toàn diện, http://khoahocnganhang.org.vn/news/wp-content/uploads/2017/09/So-luoc-tai-chinh-toan-dien.pdf;

Cấn Văn Lực (2017), “Tài chính toàn diện trong thời đại số - Cơ hội, thách thức, và giải pháp đối với Việt Nam”. Hội thảo Công nghệ số thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam;

Lê Thị Diệu Huyền (2021), Phát triển tài chính toàn diện hướng tới ổn định tài chính tại Việt Nam, Tạp chí Ngân hàng, http://tapchinganhang.com.vn/phat-trien-tai-chinh-toan-dien-huong-toi-on-dinh-tai-chinh-tai-viet-nam.htm;

Nguyễn Thị Thu Hoài (2020), Phát triển tài chính toàn diện và giải pháp cho Việt Nam trong bối cảnh mới, Tạp chí Tài chính kỳ 1 Tháng 5/2020;

Nhóm công tác tài chính vi mô tại Việt Nam (2016-2020), Bản tin Tài chính toàn diện số 1, 2, 3, 4, 5, www.cgap.org/about/faq.

(*) Nguyễn Thế Bính - Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh; ThS. Trần Duy - Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 tháng 10/2022