Ứng dụng công nghệ thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam


Công nghệ thông tin và viễn thông thế hệ mới (ICT) đang làm thay đổi nhanh chóng diện mạo của dịch vụ tài chính trên khắp toàn cầu nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Các ứng dụng của công nghệ đã len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống, làm thay đổi mô hình kinh doanh, đem lại những chuyển biến to lớn trong việc cung cấp dịch vụ tài chính cho người dân. Tác giả nghiên cứu các mô hình ứng dụng công nghệ hiện nay, từ đó đưa ra một số đề xuất, kiến nghị nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phát triển tài chính toàn diện ở Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Định hướng thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam

Việt Nam đã, đang nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện. Mục tiêu Chiến lược tài chính toàn diện hướng tới đó là: Phấn đấu đảm bảo tất cả người dân và doanh nghiệp, nhất là dân cư ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có quyền tiếp cận và sử dụng hiệu quả các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, chính thức, phù hợp với nhu cầu, có chất lượng, tiện lợi, nhanh chóng ở mức chi phí chấp nhận đượctrên cơ sở phát triển hệ thống các tổ chức tài chính hoạt động an toàn, hiệu quả, và bền vững. Để đạt được các mục tiêu trên, 3 trụ cột của Chiến lược tài chính toàn diện đã được đặt ra gồm:

Trụ cột 1: Các sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng: Mục tiêu chủ đạo của trụ cột 1 là đa dạng hóa loại hình tổ chức tài chính nhằm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính phong phú, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng tài chính.

Trụ cột 2: Các kênh phân phối đổi mới: Mục tiêu của trụ cột 2 là các sản phẩm, dịch vụ tài chính được cung cấp đến người sử dụng thông qua các kênh phân phối từ truyền thống đến hiện đại. Trong đó, nhấn mạnh phát triển các kênh phân phối mới dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại như ngân hàng điện tử, ngân hàng di động, ngân hàng đại lý để cung ứng dịch vụ/sản phẩm ngân hàng thông qua internet (mạng trực tuyến), điện thoại di động, thông qua việc cộng tác với các đại lý bán lẻ phi ngân hàng, theo đó, đại lý bán lẻ phi ngân hàng sẽ đại diện ngân hàng, cung cấp các dịch vụ tài chính tại những nơi ngân hàng không có chi nhánh.

Trụ cột 3: Bảo vệ người tiêu dùng tài chính và tăng cường hiểu biết tài chính. Mục tiêu của trụ cột này là hình thành những người tiêu dùng tài chính có khả năng sử dụng, đánh giá các sản phẩm, dịch vụ tài chính mà các tổ chức tài chính có trách nhiệm cung cấp để sáng suốt lựa chọn các sản phẩm dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu thực tế của cá nhân.

Bám sát định hướng trên, thời gian qua, các ngân hàng Việt Nam đã nhanh chóng nhìn nhận và nắm bắt được cơ hội phát triển trên nền tảng công nghệ, nhất là xu hướng tiến tới cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Hoạt động tài chính vi mô được coi là khởi nguồn của tài chính toàn diện đang dần tiếp cận và ứng dụng công nghệ một cách nhanh chóng nhằm tạo ra các sản phẩm thuận tiện hơn. Sự phát triển của dịch vụ ngân hàng trên nền tảng công nghệ hiện đại cũng giúp các ngân hàng mở rộng độ bao phủ, đổi mới mô hình kinh doanh, cung cấp dịch vụ tới phạm vi khách hàng rộng lớn hơn với chi phí thấp hơn, góp phần quan trọng cho sự phát triển bền vững.

Có thể thấy, các ứng dụng của công nghệ đã len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống, làm thay đổi mô hình kinh doanh đem lại những chuyển biến to lớn trong việc cung cấp dịch vụ tài chính cho người dân. Tác giả nghiên cứu các mô hình ứng dụng công nghệ hiện nay, từ đó đưa ra những hàm ý về ứng dụng công nghệ thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam.

Những ứng dụng công nghệ thúc đẩy tài chính toàn diện

Những năm gần đây, công nghệ đã cho thấy vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam. Những ứng dụng của công nghệ để thúc đẩy tài chính toàn diện thể hiện rõ nét nhất ở các mô hình sau:

Ngân hàng di động và thanh toán di động

Ngân hàng di động và công nghệ thanh toán được coi là phát kiến có ý nghĩa lớn nhất trong khu vực tài chính thời gian qua. Hiện tại, tất cả các ngân hàng đều hỗ trợ ứng dụng ngân hàng di động trên điện thoại thông minh của tất cả các ngôn ngữ hệ điều hành.

Ở Việt Nam, với tỷ lệ sử dụng thiết bị di động chiếm gần 70% tổng dân số và hơn 50% dân số sử dụng internet, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng trực tuyến trên thiết bị di động đang gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ, có kiến thức và ham trải nghiệm. Báo cáo của tổ chức Visa (2020) cho thấy, có 9 trên 10 người tiêu dùng sẵn sàng thử các phương thức thanh toán mới, với 88% nói rằng họ rất có thể sẽ sử dụng smartphone để thanh toán. Dòng xoáy phát triển không ngừng của thị trường, các phát minh thanh toán di động mới với đa dạng tiện ích ngày càng nhiều, thách thức đặt ra cho ngành Ngân hàng, đó là phải cho ra đời các ứng dụng ngân hàng di động vượt qua các tính năng thanh toán thông thường, trở thành một công cụ quản lý tài chính, thanh toán, một hệ sinh thái mua sắm, tiêu dùng đa dạng cho khách hàng.

Bên cạnh những vấn đề về cơ cấu và điều tiết thị trường còn có những chính sách của Nhà nước có thể thúc đẩy việc sử dụng ngân hàng di động. Từ giữa thập niên 2000, Việt Nam đã đón bắt xu hướng e-banking. Tuy các quy định về hoạt động dịch vụ ngân hàng vẫn còn nhiều bất cập nhưng Chính phủ cũng đã nỗ lực tạo điều kiện để các ngân hàng khai thác tiềm năng và phát triển dịch vụ trên. Một biểu hiện cho thấy xu hướng ngân hàng điện tử được thúc đẩy ở Việt Nam là sự bùng nổ của thanh toán số. Người Việt ngày càng ưa chuộng dịch vụ thanh toán này thay vì sử dụng tiền mặt.

Nếu vào năm 2015, hệ thống thẻ NAPAS (cho phép người dùng có thể rút tiền, chuyển tiền ở tất cả cây ATM hay máy POS trong hệ thống Napas) xử lý đến 90% giao dịch rút tiền ở hệ thống các cây ATM, thì đến năm 2019 chỉ còn lại 40%. Lượng người dùng thẻ ngân hàng để thanh toán thay cho thanh toán tiền mặt ngày càng nhiều hơn. Trong giai đoạn đầu của dịch bệnh COVID-19, cụ thể là trong những tháng đầu năm 2020, số liệu về thanh toán số tăng vọt. Kênh thanh toán qua internet tăng gần 50% về giá trị, thanh toán qua smartphone tăng gần 160% so với cùng kỳ năm 2019. Trong giai đoạn cách ly xã hội, những hoạt động thanh toán điện tử tăng cả về số lượng lẫn giá trị giao dịch.

Để phát triển ngân hàng điện tử, ngoài hành lang pháp lý, việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ cũng rất quan trọng. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ trong e-banking được đầu tư và mang lại nhiều giá trị cho xã hội. Nhờ sự ra đời của bộ chuẩn hóa thẻ chip, người dùng thẻ hiện nay được chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip, loại thẻ an toàn với độ bảo mật cao hơn. Hệ thống máy ATM, máy POS tăng mạnh về số lượng và được lắp đặt tại nhiều nơi, từ siêu thị, trường học, bệnh viện đến cơ sở phân phối, bán lẻ... phục vụ cho việc thanh toán nhanh chóng, dễ dàng.

Việt Nam cũng đã phát triển hạ tầng thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công. Các dịch vụ, phương tiện thanh toán điện tử phát triển mạnh và đa dạng, đặc biệt là thanh toán qua thiết bị di động. Các ngân hàng đang không ngừng cập nhật, nâng cấp công nghệ hiện đại hơn cho e-banking nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng. Các công nghệ tân tiến trong thanh toán như xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sử dụng mã phản hồi nhanh, mã hóa thông tin thẻ, thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS... được các ngân hàng nghiên cứu và ứng dụng. Các ngân hàng cũng từng bước đẩy mạnh dịch vụ thanh toán bằng QR Code, thanh toán qua điện thoại di động…

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, hiện nay 94% ngân hàng thương mại đã bước đầu nghiên cứu và triển khai chiến lược chuyển đổi số. Trong đó, hơn 50% ngân hàng đã và đang thực hiện chiến lược này ở thực tế. Nhiều ngân hàng thương mại đã xác định ngân hàng số là một xu hướng tất yếu trong hoạt động kinh doanh tương lai. Thống kê trong có 4 năm (từ 2017-2021), tỷ lệ người dùng Việt sử dụng dịch vụ tài chính số đã tăng từ 16% lên 56%.

Đổi mới kênh phân phối

Bên cạnh khả năng thúc đẩy trực tiếp tài chính toàn diện, công nghệ ngân hàng di động và thanh toán mới còn tạo ra những mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ có thể mở rộng khả năng tiếp cận tới những dịch vụ tài chính cơ bản. Ngân hàng đại lý là mô hình sử dụng kết hợp công nghệ thẻ và điện thoại di động để cung cấp dịch vụ cho những người trước đây không có tài khoản ngân hàng.
Trong mô hình ngân hàng đại lý, đại diện của một ngân hàng (nhưng không phải nhân viên ngân hàng) có trách nhiệm vận hành các giao dịch nhân danh một hay nhiều ngân hàng ở bên ngoài phạm vi mạng lưới chi nhánh của ngân hàng đó. Đại lý ngân hàng có thể là một địa điểm cố định cung cấp dịch vụ ngân hàng cho khách hàng để hưởng hoa hồng ở những nơi trước đây không có ngân hàng, hoặc là những nhân viên ngân hàng di động định kỳ đi đến những địa điểm xa xôi để cung cấp dịch vụ tài chính cơ bản. Cả hai hình thức ngân hàng đại lý này đang phát triển nhanh chóng nhờ có các công nghệ ngân hàng di động và thanh toán mới, nhờ đó giảm được chi phí giao dịch và mở rộng khả năng tiếp cận tài chính bên ngoài phạm vi bao phủ của mạng lưới chi nhánh truyền thống.

Hiện tại, ở Việt Nam nhiều nền tảng thanh toán di động đã kết hợp với các đối tác ngân hàng để cung cấp phạm vi rộng các sản phẩm, thông qua kênh bán lẻ của mạng lưới đại lý.

Công nghệ cải thiện công tác xác thực nhân thân và báo cáo tín dụng

Để một hệ thống báo cáo tín dụng hoạt động hiệu quả, cần phải có khả năng xác thực nhân thân của từng cá nhân. Đây là thách thức lớn đối với hệ thống ngân hàng ở các nước đang phát triển, bao gồm cả Việt Nam khi chưa có được một hệ thống định danh của tất cả mọi người dân. Ngay cả khi có được một hệ thống định danh chính thức nào đó cũng khó tiến hành xác thực nhân thân khi gặp phải vấn đề chia sẻ thông tin, đặc biệt là chia sẻ thông tin với các tổ chức cung ứng dịch vụ (bên thứ ba). Điều này khiến cho các tổ chức tín dụng e ngại cung cấp dịch vụ nhất là đối với những khách hàng mới.

Để giải quyết tình trạng này, nhiều nước đã áp dụng những giải pháp công nghệ mới để cải thiện công tác xác thực nhân thân người đi vay. Chẳng hạn Chính phủ có thể sử dụng các hình thức định danh sinh trắc học đối với một cá nhân như vân tay và được liên kết với lịch sử tín dụng của cá nhân đó. Theo đó, mỗi cá nhân có một số định danh (số căn cước) được kết nối với dữ liệu sinh trắc học, bao gồm ảnh, quét mống mắt, và vân tay, được liên kết với hồ sơ tín dụng của từng cá nhân. Điều này giúp các ngân hàng và các tổ chức tài chính vi mô dễ dàng xác thực nhân thân của người đi vay, cải thiện tính minh bạch và giảm vấn đề thông tin bất đối xứng ở thị trường tín dụng.

Một số ứng dụng tiềm năng khác

Những lĩnh vực tiềm năng khác của ứng dụng công nghệ trong tài chính toàn diện có thể kể đến như:
- Dữ liệu số lớn: Dựa vào các nguồn số liệu lớn, các phương pháp phân tích mới sẽ giúp tối ưu qui trình phê duyệt tín dụng. Số liệu từ các nguồn mới chẳng hạn như lịch sử thanh toán hóa đơn dịch vụ điện, nước, điện thoại… cũng tạo điều kiện cho những người trước kia bị loại trừ có thể được cấp tín dụng và có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn nhu cầu và hành vi tài chính của những nhóm người khác nhau. Tương tự, khi các giao dịch được số hóa, các nhà cung cấp có thể khai thác cơ sở dữ liệu này để phân tích hành vi khách hàng từ đó cải thiện sản phẩm cung cấp.

- Điện toán đám mây: Việc lưu trữ và cung cấp số liệu dựa trên công nghệ điện toán đám mây đã giúp tăng khả năng sẵn có của dữ liệu và khả năng xử lý dữ liệu lên gấp nhiều lần, đảm bảo việc xử lý giao dịch nhanh chóng, kết nối trực tiếp giữa khâu giao dịch khách hàng và khâu xử lý sau giao dịch mà không phải qua nhiều khâu trung gian như trước.

- Mạng xã hội: Các trang mạng xã hội có tiềm năng nâng cao mức độ sử dụng dịch vụ thông qua việc chia sẻ thông tin, tác động đến hành vi người sử dụng, tiếp thị trực tiếp các dịch vụ tài chính và tăng cường sự kết nối giữa người sử dụng và người cung cấp dịch vụ.

Hàm ý chính sách về ứng dụng công nghệ thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam

Ứng dụng công nghệ vào quá trình phát triển tài chính toàn diện ở Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn. Cơ sở pháp lý để thúc đẩy tài chính toàn diện cũng dần hoàn thiện. Cụ thể, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp quy như Nghị quyết số 100/NQ-CP ngày 6/9/2021 về việc thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính; Quyết định số 316/2021/QĐ-TTg ngày 9/3/2021 về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hoá, dịch vụ có giá trị nhỏ; Quyết định số 1813/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025… nhằm hỗ trợ các chính sách cho Fintech, tài chính số phát triển, thúc đẩy cho phép sử dụng công nghệ thực hiện đăng ký tài khoản, xác thực giao dịch…

Tuy nhiên, trong thực tế vẫn tồn tại một số hạn chế như: Cơ sở hạ tầng cho thanh toán số chưa đồng bộ, chủ yếu tập trung ở thành phố lớn, chưa phổ biến ở vùng nông thôn; Phạm vi của hạ tầng thanh toán số trên di động, hóa đơn điện, nước, truyền hình, điện thoại, internet, bảo hiểm, tài chính cá nhân, hành chính công… chưa tương xứng với tiềm năng thị trường; Sự liên kết giữa hệ thống thẻ của các ngân hàng chưa thực sự hoàn hảo; Hạn chế về sự cố an ninh bảo mật như nguy cơ khách hàng bị đánh cắp dữ liệu, làm thẻ giả, rút tiền trái phép tại các máy ATM… Trong khi, công nghệ luôn thay đổi với tốc độ không ngừng, do vậy cần phải có một hệ thống quản lý biết thích nghi với những thay đổi không ngừng. Các cơ quan quản lý sẽ cần phải cân đối các ưu tiên để làm sao cho phép những công nghệ mới được triển khai đồng thời duy trì những mức độ rủi ro chấp nhận được.

Đặc biệt, để công nghệ thực sự góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, thời gian tới Việt Nam cần chú trọng những nội dung sau:

Một là, sự đối xử pháp luật như nhau đối với cả ngân hàng và phi ngân hàng nếu cùng cung cấp những sản phẩm/dịch vụ tương tự và quản lý những sản phẩm/dịch vụ theo mức độ rủi ro cụ thể của chúng chứ không phải là theo nhóm nhà cung cấp dịch vụ/loại hình tổ chức.

Hai là, nới lỏng những hạn chế đối với các loại hình không trực tiếp huy động tiền gửi nhưng tham gia vào mạng lưới cung ứng dịch vụ tài chính với biện pháp phù hợp với đặc thù rủi ro của loại hình này.
Ba là, xây dựng hành lang pháp lý hiệu quả đối với hoạt động ngân hàng đại lý và ngân hàng di động. Những quy định đối với vai trò, trách nhiệm và quản lý tài chính của đại lý phải đồng thời bảo đảm sự an toàn và nơi giải quyết tranh chấp cho khách hàng; bảo đảm cạnh tranh công bằng và đổi mới sáng tạo; có cách tiếp cận toàn diện khu vực tài chính.

Bốn là, xây dựng quy trình, thủ tục nhận biết khách hàng sao cho tạo thuận lợi cho việc tiếp cận của những khách hàng mới, những người lao động tự do… đồng thời, vẫn bảo đảm an toàn, bao gồm cả áp dụng quy trình nhận biết khách hàng từ xa.

Năm là, đảm bảo sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý. Các cơ quan quản lý phải hợp tác với nhau để đảm bảo một sân chơi công bằng cho tất cả các nhà cung cấp dịch vụ tài chính và có được cách tiếp cận thống nhất, bất kể đó là tổ chức loại nào.

Sáu là, cần đảm bảo rằng chính sách thuế không cản trở sự đầu tư vào công nghệ. Cung cấp những khuyến khích thuế và trợ cấp cho các nhà cung cấp để xây dựng và chia sẻ hạ tầng ở những khu vực chưa được phục vụ.

Tài liệu tham khảo:

  1. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/1/2020 về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
  2. Đỗ Quang Trị (2021), Cơ hội và thách thức phát triển Fintech tại Việt Nam, Tạp chí Công Thương, Số 27, Tháng 12. https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/co-hoi-va-thach-thuc-phat-trien-fintech-tai-viet-nam-86436.htm;
  3. Dương Tấn Khoa (2019), Fintech trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo: Tương lai của Fintech và ngân hàng - Phát triển và đổi mới, tr. 107-114, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh;
  4. Vũ Cẩm Nhung và Lại Cao Mai Phương (2021), Fintech và xu hướng hợp tác với hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam, Tạp chí Thị trường Tài chính tiền tệ. https://thitruongtaichinhtiente.vn/fintech-va-xu-huong-hop-tac-voi-he-thong-ngan-hang-thuong-mai-tai-viet-nam-33443.html;
  5. Vương Minh Giang và Lê Thị Như Quỳnh (2021), Tác động của Fintech đến hệ thống ngân hàng, Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Mối quan hệ tương tác giữa hệ thống ngân hàng và các công ty Fintech trong thị trường dịch vụ tài chính - Kinh nghiệm các nước và gợi ý chính sách cho Việt Nam, tr. 57-67, Hà Nội.

 

* Thái Thị Thu Trang - Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh – Đại học Thái Nguyên

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 5/2022