Thúc đẩy phát triển tài chính xanh ở Việt Nam
Ở Việt Nam, tăng trưởng xanh được xác định là một chiến lược nhằm hướng đến phát triển bền vững, không chỉ tập trung ở một lĩnh vực và trong ngắn hạn. Trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, thực tiễn đang đặt ra yêu cầu xây dựng và triển khai được một khuôn khổ định hướng về tài chính xanh và các sản phẩm tài chính xanh cho các doanh nghiệp hoạt động trên thị trường chứng khoán (TTCK).
Ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết hiện nay tăng trưởng xanh được xác định là vấn đề trọng tâm trong chính sách phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới nhằm hướng tới sự phát triển bền vững. Ở Việt Nam, tăng trưởng xanh được xác định là một chiến lược nhằm hướng đến phát triển bền vững.
Cụ thể, ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1393/2012/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Ngày 20/3/2014, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 403/2014/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020. Hiện đầu tư của Chính phủ cho các chương trình và dự án tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu khoảng 1 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, tăng trưởng xanh không chỉ tập trung ở một lĩnh vực và không phải chỉ thực hiện trong ngắn hạn mà là một chương trình lâu dài, liên tục, cần có sự tham gia của nhiều đơn vị, nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau của nền kinh tế.
Trong lĩnh vực tài chính, ngày 20/10/2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 2183/QĐ-BTC phê duyệt Kế hoạch hành động của ngành Tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020. Theo đó, xây dựng, hoàn thiện các chính sách tài chính liên quan tới thúc đẩy thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh; rà soát, hoàn thiện chính sách phát triển thị trường vốn xanh và các sản phẩm tài chính xanh (trái phiếu xanh, các chỉ số xanh…). Mới đây nhất, quy định công bố các thông tin môi trường và xã hội trong Thông tư số 155/2015/TT-BTC ngày 6/10/2015 của Bộ Tài chính về hướng dẫn công bố thông tin trên TTCK, đánh dấu nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc xây dựng nền tảng đầu tiên và quan trọng cho một TTCK xanh.
Ngoài ra, kể từ năm 2012, UBCKNN cũng đã phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Tổ chức Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI) và hai Sở Giao dịch chứng khoán xây dựng và triển khai nhiều chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho các công ty niêm yết về công bố các thông tin môi trường, xã hội và quản trị. Từ năm 2016-2017, GIZ tiếp tục hỗ trợ UBCKNN soát xét các báo cáo bền vững của các công ty niêm yết làm cơ sở phát triển chỉ số xanh/bền vững, một trong những sản phẩm tài chính xanh cho TTCK Việt Nam.
Trong lĩnh vực ngân hàng, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) với sự hỗ trợ kỹ thuật của IFC cũng đã đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm từ các nước đang phát triển khác, cũng như các tổ chức quốc tế trong việc xây dựng, ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo ra các dịch vụ ngân hàng mang tính phát triển bền vững, quản lý rủi ro tín dụng và tạo ra các cơ hội kinh doanh mới, chuyển đổi lĩnh vực tài chính, ngân hàng theo hướng phát triển bền vững. Tháng 3/2015, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, cũng như chương trình hành động thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia. Đây có thể coi là bước đi đầu tiên để tạo một sân chơi bình đẳng cho các ngân hàng hoạt động tại Việt Nam trong lĩnh vực này.
Đánh giá về nỗ lực thúc đẩy phát triển tài chính xanh của Việt Nam, TS. Michael Krakowski, Giám đốc chương trình – Cố vấn trưởng Chương trình cải cách Kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh cho biết GIZ luôn đánh giá cao các nỗ lực và hỗ trợ tích cực của Bộ Tài chính, UBCKNN, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh và các địa phương đi tiên phong trong việc xây dựng các chính sách phù hợp thúc đẩy tài chính xanh và phát triển các sản phẩm tài chính xanh và định hướng lại nguồn vốn hướng tới đầu tư xanh. GIZ cũng cam kết sẽ tăng cường hợp tác với Việt Nam trên con đường dài thực thi chiến lược tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững của Việt Nam.
Kinh nghiệm cho thấy, việc tạo ra được sự hợp tác giữa cơ quan quản lý, các tổ chức chính trị, xã hội, cộng đồng doanh nghiệp cũng như công chúng đầu tư trong tăng trưởng xanh nói chung và tài chính xanh nói riêng là rất quan trọng. Sự phối hợp hài hòa, hiệu quả giữa các bên liên quan sẽ đưa ra được những chính sách, phương hướng thực hiện đồng bộ và toàn diện. Sự chủ động tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, công chúng đầu tư sẽ tạo một nền tảng bền vững cho tăng trưởng xanh.
"UBCKNN mong muốn trong thời gian tới, với sự ủng hộ, phối hợp của các Bộ, ngành, các đơn vị liên quan và sự hỗ trợ của GIZ, các nhà tài trợ và các tổ chức quốc tế khác, UBCKNN sẽ có thể xây dựng và triển khai được một khuôn khổ định hướng về tài chính xanh và các sản phẩm tài chính xanh cho các doanh nghiệp hoạt động trên TTCK, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt" ", ông Phạm Hồng Sơn chia sẻ tại “Hội nghị Phát triển thị trường vốn xanh tại Việt Nam do UBCKNN phối hợp với GIZ tổ chức ngày 10/11/2017.