Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
Dù ngành ngân hàng đã sẵn sàng từ lâu, nhưng quá trình triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam hiện nay vẫn "ì ạch" ở vạch xuất phát mà "rào cản" lớn nhất chính là thói quen tiêu tiền mặt của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, "lỗi" của hệ thống, phí cao, dịch vụ nghèo nàn... cũng là những lý do khiến người tiêu dùng không mặn mà với "quẹt thẻ" và chuyển khoản.
Dịch vụ "nghèo nàn"
Theo Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), hiện nay hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã được thiết lập, kết nối 63 chi nhánh tại các tỉnh, thành phố. Cả nước hiện có hơn 10.000 máy rút tiền (ATM), hơn 36.000 thiết bị chấp nhận thẻ được lắp đặt và 22 triệu thẻ ngân hàng được phát hành, đã hình thành một số công ty chuyển mạch của các liên minh thẻ, kết nối giao dịch thẻ giữa các ngân hàng thành viên như Banknet, Smartlink. Song trên thực tế, số đông người dân chỉ sử dụng thẻ ATM để... rút tiền.
Theo các chuyên gia ngân hàng, việc người tiêu dùng Việt đã quá quen và lệ thuộc vào tiền mặt, cũng như tâm lý "sờ tận tay, nhìn tận mắt" mới yên tâm đã khiến cho thanh toán phi tiền mặt gặp rất nhiều khó khăn khi áp dụng vào đời sống. Có một thực tế là dù nhiều công ty đã tiến hành trả lương cho công nhân, nhân viên qua máy ATM, nhưng chỉ vài phút sau khi có lương, các nhân viên đã ùa ra máy ATM để rút sạch tiền, với lý do "để tiền trong tài khoản ngân hàng thì... không yên tâm".
Một lãnh đạo của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng thừa nhận, ngoài thói quen sử dụng tiền mặt của người dân còn quá lớn, người dân không thích sử dụng thanh toán qua ATM còn do các dịch vụ ngân hàng điện tử (Internet Banking, Mobile Banking) hiện vẫn chưa thật sự đa dạng, công tác quảng bá của ngân hàng về dịch vụ này lại khá ít, cho nên không thu hút được sự quan tâm của khách hàng. Ðến nay, Vietcombank có hơn bốn triệu tài khoản thẻ nhưng chỉ có khoảng một triệu khách hàng sử dụng dịch vụ Internet Banking, chủ yếu là để vấn tin tài khoản. Còn chuyển khoản, thanh toán chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 10% (tương đương 100 nghìn người). Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) Phạm Anh Tuấn cũng cho biết, qua một số vụ việc mất an ninh, giao dịch lừa đảo, đã khiến cho niềm tin của người dân vào các dịch vụ như chuyển khoản qua SMS, Internet Banking hoặc Phone Banking... chưa cao. Một điểm nữa được ông Tuấn nhấn mạnh đó là tình trạng hacker trong lĩnh vực ngân hàng. Việc sử dụng thẻ tín dụng ở những nơi không đáng tin cậy làm cho rủi ro tăng lên rất nhiều, dẫn đến người sử dụng có tâm lý lo ngại. Thêm vào đó, khi thanh toán bằng thẻ, khách hàng sẽ phải trả một khoản phí cho nhà phát hành thẻ như Visa, Master Card, mà khoản phí này đối với Việt Nam vẫn còn quá cao. Ðiều này đã làm cho các doanh nghiệp không mặn mà lắm với việc chấp nhận thanh toán bằng thẻ, do đó họ hay viện cớ yêu cầu khách hàng thanh toán bằng tiền mặt, hoặc khi thanh toán thì khách sẽ phải chịu phí.
Phát triển dịch vụ thanh toán bằng thẻ
Trao đổi về kinh nghiệm triển khai thanh toán không dùng tiền mặt ở một số nước, Phó Tổng Giám đốc Phạm Anh Tuấn cho biết, Chính phủ Hàn Quốc áp dụng các mức phí ưu đãi đối với các tổ chức sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt nhằm tạo ra sự chênh lệch với nơi sử dụng tiền mặt. Theo ông Tuấn, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là nhiệm vụ không chỉ một mình các ngân hàng mà là nhiệm vụ chung của các bộ, ngành, cộng đồng xã hội, doanh nghiệp. Tổng Giám đốc công ty Cổ phần công nghệ MK Nguyễn Trọng Khang cho rằng, điều quan trọng là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải đưa ra được tiêu chuẩn về việc ứng dụng thẻ Smart Card, để từ đó các ngân hàng thành viên có thể làm việc theo quy chuẩn. Nếu không xây dựng được các bộ tiêu chuẩn thì các ngân hàng sẽ vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong triển khai sử dụng thẻ và đưa ra các ứng dụng an toàn hơn cho khách hàng.
Còn theo Vụ trưởng Vụ thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) Bùi Quang Tiên, cần áp dụng một số biện pháp đồng bộ để việc lắp đặt và sử dụng POS (máy quẹt thẻ thanh toán) thật sự đi vào cuộc sống, trở nên hấp dẫn và có lợi đối với cả người mua hàng và người bán hàng, trên cơ sở đó mở rộng dần phạm vi và đối tượng sử dụng POS. Thẻ ngân hàng không chỉ đơn thuần là một phương tiện chủ yếu để rút tiền mặt tại quầy giao dịch của ngân hàng và các máy ATM mà còn có nhiều tiện ích thanh toán khác nhau như mua hàng hóa và dịch vụ tại các đơn vị chấp nhận thẻ, thanh toán đối với các khoản chi định kỳ (tiền điện, nước, in-tơ-nét, điện thoại, truyền hình...) hoặc thanh toán các dịch vụ công cộng như phí cầu đường, đi ta-xi, mua xăng, dầu, mua vé xe buýt... Ngân hàng, doanh nghiệp cần nỗ lực nghiên cứu và đầu tư chương trình phát triển dịch vụ thanh toán bằng thẻ nhằm đáp ứng được nhu cầu cơ bản của người dân.