Thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm


Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về kinh doanh có trách nhiệm và chỉ coi đây đơn thuần là tuân thủ các quy định của pháp luật. Đây là một trong những khó khăn khi triển khai Chương trình hành động quốc gia về kinh doanh có trách nhiệm giai đoạn 2023 - 2027.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Vũ Quang
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Vũ Quang

5 mục tiêu về thực hành kinh doanh có trách nhiệm

Ngày 3/11, Viện Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp một số đơn vị tổ chức hội thảo: "Xây dựng và thực thi chính sách thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm: Kinh nghiệm ở EU, Thái Lan, sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức xã hội".

Ông Trần Nhật Minh - Viện trưởng RED cho biết, thực hành kinh doanh có trách nhiệm (Responsible business practice - RBP) là một nội dung quan trọng nhằm đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Chính vì vậy, Liên Hợp Quốc đã công bố Các nguyên tắc hướng dẫn về kinh doanh và quyền con người (UNGPs) nhằm thúc đẩy nội dung này trên quy mô toàn cầu, hướng tới hỗ trợ các quốc gia cụ thể hóa thành chương trình hành động của từng quốc gia.

Tính đến tháng 10/2019, có 25 quốc gia đã đưa các vấn đề RBP vào một phần các chương trình nghị sự quốc gia. Trong đó, 23/25 quốc gia đã xác lập chương trình hành động quốc gia với những mục tiêu cụ thể. Trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan là quốc gia đầu tiên ban hành chương trình hành động quốc gia vào năm 2019.

Tại Việt Nam, tháng 7/2023, Thủ tướng đã ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm giai đoạn 2023 - 2027 (Quyết định số 843/QĐ-TTg).

Chương trình đặt ra 5 mục tiêu cụ thể. Đó là, nâng cao nhận thức và năng lực của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng về thực hành kinh doanh có trách nhiệm; góp phần thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Bảo đảm Nhà nước ban hành chính sách và pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm theo đúng các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên; xây dựng các biện pháp ưu tiên, khuyến khích đối với các doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm.

Cùng với đó, bảo đảm các doanh nghiệp tuân thủ đúng các quy định pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm; khuyến khích các doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm trên mức quy định tối thiểu của pháp luật. Nâng cao hiệu quả, chất lượng của công tác tổ chức thi hành pháp luật liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp ở Việt Nam, bao gồm nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát và thúc đẩy việc tiếp cận các biện pháp khắc phục. Hoàn thiện các chế tài để xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm.

56% doanh nghiệp nhận thức đầy đủ về RBP

Một trong những thách thức khi triển khai Quyết định số 843/QĐ-TTg là mức độ nhận thức về RBP của các doanh nghiệp vẫn còn thấp, ông Vũ Tuấn Anh, Công ty Luật ASL LAW nhận xét. Chỉ có khoảng 56% doanh nghiệp nhận thức đầy đủ về khái niệm này, trong khi 35,7% doanh nghiệp coi RBP đơn thuần là tuân thủ các quy định pháp luật; 6,8% doanh nghiệp đang đánh đồng RBP với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Cũng theo ông Vũ Tuấn Anh, doanh nghiệp có vốn Nhà nước thể hiện mức độ nhận thức cao nhất với 81% và doanh nghiệp tư nhân có mức độ nhận thức thấp nhất với 47%.

Về mức độ thực hiện RBP của doanh nghiệp tại Việt Nam, có khoảng 62% doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ quy định; 27% doanh nghiệp chưa tuân thủ đúng theo yêu cầu và chỉ có 11% doanh nghiệp không chỉ tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật trong nước mà còn áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế. Các lĩnh vực, khía cạnh được chú trọng thực hiện RBP của doanh nghiệp đa phần liên quan đến lao động và môi trường.

Ông Nguyễn Văn Huấn - Chuyên gia kinh doanh có trách nhiệm, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Việt Nam, cũng cho rằng, trong quá trình triển khai thực hành kinh doanh có trách nhiệm, doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều thách thức. Cụ thể là các chính sách pháp luật chưa được hoàn thiện. Doanh nghiệp cũng chưa tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ cho các dự án xanh, các dự án về môi trường; thiếu sự hỗ trợ từ các hiệp hội ngành/nghề trong việc liên kết nhằm tăng năng lực cạnh tranh; khác biệt về mô hình, văn hóa, tư duy và cách tiếp cận của từng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp chỉ dừng lại ở việc tuân thủ kinh doanh có trách nhiệm vì quy định của pháp luật mà chưa thấy rõ động lực, lợi ích từ hoạt động này mang lại.

Tại hội thảo, các diễn giả khuyến nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường truyền thông về thực hiện kinh doanh có trách nhiệm; đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng của công tác tổ chức thi hành pháp luật liên quan trong đời sống. Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành cần định nghĩa rõ, chính xác thế nào là kinh doanh có trách nhiệm.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn