Thúc đẩy xuất khẩu gia vị Việt Nam sang các thị trường trọng điểm
Theo ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Việt Nam có tiềm năng lớn sản xuất các loại gia vị đặc trưng cho ẩm thực Á Châu. Bên cạnh các thị trường trọng điểm, thị trường với nhiều cộng đồng cư dân châu Á sinh sống cũng là hướng đi mới với tệp khách hàng tiềm năng trong tiêu dùng sản phẩm gia vị.
Tại diễn đàn “Thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm gia vị và đặc sản địa phương sang các thị trường trọng điểm”, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Nguyễn Như Tiệp cho biết, nhiều mặt hàng gia vị của Việt Nam đã khẳng định được vị thế trên thị trường quốc tế.
Việt Nam có tiềm năng lớn sản xuất các loại gia vị như quế, hồi, các loại rau gia vị đặc trưng cho ẩm thực Á Châu. Bên cạnh các thị trường trọng điểm, thị trường với nhiều cộng đồng cư dân châu Á sinh sống cũng là hướng đi mới với tệp khách hàng tiềm năng trong tiêu dùng các sản phẩm đặc sản nhiệt đới và sản phẩm gia vị.
Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ ba thế giới về sản lượng, đạt 46.000 tấn, sau Indonesia và Trung Quốc; Đồng thời, với cây hồi, Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới, sau Trung Quốc, sản lượng hàng năm ước khoảng 20.000 tấn trên diện tích trồng khoảng 55.000 ha.
Ông Lê Việt Anh - Chánh văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu và gia vị Việt Nam (VPSA) thông tin, 9 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 78.599 tấn gia vị, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2022 sang các thị trường xuất khẩu lớn như Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ...
Theo ông Lê Việt Anh, nhu cầu về gia vị của các thị trường vẫn ở mức cao không chỉ trong ngành Thực phẩm mà còn được tiếp tục nghiên cứu và phát triển để đáp ứng nhu cầu trong ngành Dược phẩm, Mỹ phẩm, Thực phẩm chức năng. Cùng với đó là những thuận lợi như: Chính phủ, bộ, ngành có có vai trò quan trọng việc cập nhật các chính sách hỗ trợ ngành hàng Hồ tiêu phát triển là một trong những ngành chủ lực xuất khẩu của Việt Nam; Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, đặc biệt Hiệp định EVFTA, CPTTP... Vì vậy, ông Lê Việt Anh nhấn mạnh cần tận dụng triệt để những thuận lợi này để đẩy mạnh xuất khẩu gia vị.
Tuy nhiên, ngành Gia vị Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể, ngoại trừ hồ tiêu, các mặt hàng gia vị khác như quế, hoa hồi, ớt… chưa có định hướng chiến lược phát triển bền vững cấp quốc gia; các doanh nghiệp vẫn thiếu về công nghệ, vốn để đầu tư chế biến sâu nâng cao giá trị sản phẩm; Diễn biến khó lường của biển đổi khí hậu; Các loại chi phí gia tăng tác động lớn đến nguồn cung….
Để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm, Chánh Văn phòng VPSA cho rằng, phải cải thiện chất lượng và giảm chi phí sản xuất để tạo ra sản phẩm giá trị đạt chất lượng cao và có tính cạnh tranh hơn. Hướng đến phát triển đa dạng hóa, bao gồm đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa vùng trồng.
Bên cạnh đó, duy trì ổn định diện tích các loại cây gia vị theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Và đặc biệt, cần có quy hoạch tổng thể các vùng trồng, sản xuất để các nhà đầu tư yên tâm và có chiến lược đầu tư dài hạn….
Nhìn từ góc độ thị trường, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại EU Trần Văn Công cho biết, châu Âu ngày càng tăng nhu cầu đối với các loại gia vị được sản xuất bền vững, các sản phẩm gia vị có lợi cho sức sức khỏe và dùng gia vị, hương liệu trong ẩm thực. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần rất lưu ý, thị trường này sẽ áp dụng một số yêu cầu bắt buộc đối với gia vị, hương liệu nhập khẩu vào châu Âu như kiểm soát thực phẩm chính thức, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm soát chất gây ô nhiễm...
Thông tin về một thị trường trọng điểm khác của gia vị Việt Nam là Hoa Kỳ, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại Hoa Kỳ tại Việt Nam Phạm Quang Huy nhấn mạnh, để tăng thị phần tại thị trường này cũng như đưa Việt Nam trở thành điểm đến được lựa chọn trong chuỗi cung ứng gia vị toàn cầu, bên cạnh các sản phẩm thô, cần đa dạng hóa sản phẩm gia vị phục vụ ngành Công nghiệp thực phẩm, Hóa mỹ phẩm, Dược phẩm...
Đồng thời, ông Phạm Quang Huy cho biết, cây gia vị không chỉ đem lại giá trị kinh tế mà còn là nguồn gen quý, giúp xóa đói giảm nghèo, góp phầm bảo tồn đa dạng sinh học dưới tán rừng... Đây là các yếu tố các doanh nghiệp có thể đưa vào quảng bá sản phẩm gia vị Việt Nam trước xu hướng tiêu dùng xanh, bảo vệ môi trường, giảm phát thải của thị trường Hoa Kỳ.