Xuất khẩu gạo Việt Nam trong 9 tháng đã thiết lập kỷ lục mới
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu gạo trong 9 tháng năm 2023 đạt 3,66 tỷ USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là con số vượt giá trị xuất khẩu gạo cao nhất nước ta đã từng đạt được năm 2011 (3,65 tỷ USD).
Năm 2011, để đạt được kim ngạch xuất khẩu 3,65 tỷ USD thì khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam phải cần tới 7,1 triệu tấn gạo. Với kỷ lục mới, 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 3,66 tỷ USD mà khối lượng gạo xuất khẩu chỉ 6,6 triệu tấn.
Nguyên nhân là do giá gạo xuất khẩu bình quân từ đầu năm đến nay luôn ở mức cao, đạt 553 USD/tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2022, thậm chí có thời điểm, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lên đến gần 650 USD/tấn.
Thời gian gần đây, giá gạo xuất khẩu có chững lại sau khi một số nước nhập khẩu nhằm kiềm chế lạm phát, tập trung vào chính sách phát triển sản xuất trong nước để tăng cường dự trữ, tồn kho và tìm kiếm các nguồn cung cấp lương thực thay thế cho gạo.
Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn đứng đầu thế giới. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo của Việt Nam vẫn được giữ vững, trong khi một số nước như Thái Lan, Pakistan có sự giảm nhẹ.
“Với giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang dẫn đầu thị trường như hiện nay thì thu nhập của cả chuỗi ngành hàng đã có sự cải thiện rất nhiều so với những năm trước", Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Nguyễn Ngọc Nam cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Nam, hiện nay dư địa xuất khẩu gạo còn rất lớn khi Philippines có nhu cầu nhập thêm 1,1 triệu tấn, Indonesia có nhu cầu nhập khẩu 2,3 triệu tấn gạo đến cuối năm. Cùng với đó, nhu cầu nhập khẩu gạo từ Trung Quốc dự báo cũng sẽ tăng trong những tháng cuối năm 2023. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu phải có chiến lược đảm bảo hiệu quả xuất khẩu khi giá lúa đang tăng cao như hiện nay.
Mặc dù nhu cầu thị trường gạo vẫn đang rộng mở nhưng với quy định bắt buộc dự trữ lưu thông tại các doanh nghiệp xuất khẩu, cùng với việc sản xuất lúa nối vụ tại Đồng bằng sông Cửu Long nên vấn đề đảm bảo an ninh lương thực quốc gia luôn ở mức rất an toàn, không lo thiếu gạo cho thị trường nội địa.
Hơn 30 năm xuất khẩu gạo, Việt Nam đang ngày càng vươn xa, khẳng định vai trò, vị thế của mình trên bản đồ xuất khẩu gạo thế giới. Để giữ vững vị thế này, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp tôn trọng những hợp đồng đã ký để giữ uy tín với các đối tác; hài hòa lợi ích giữa người sản xuất với các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu; đồng thời, tập trung khai thác nguồn hàng, xây dựng, quảng bá thương hiệu. Các doanh nghiệp cũng cần chủ động phối hợp với các địa phương để xác lập cơ chế liên kết, hợp tác, bảo trợ... với cơ sở, người sản xuất để bảo đảm nguồn hàng ổn định, chất lượng phù hợp nhu cầu thị trường và đạt quy chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm của những nước nhập khẩu.