Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực
Chiều ngày 23/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo trước Quốc hội về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTKCLP) năm 2021. Theo Bộ trưởng, kết quả THTKCLP năm 2021 đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát và nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã đề ra.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, kéo dài ở nhiều địa phương, Chính phủ kịp thời điều chỉnh về chính sách tài khóa nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình và người dân. Năm 2021, đã thực hiện miễn, giảm, giãn ước khoảng 119.400 tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, góp phần từng bước khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống cho người dân trong trạng thái bình thường mới.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp THTKCLP; tổ chức điều hành dự toán ngân sách nhà nước chủ động, chặt chẽ, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách; cải cách công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước. Thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021. Tổng số chi ngân sách nhà nước năm 2021 ước đạt 1.854,9 nghìn tỷ đồng, bằng 110% dự toán.
Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động điều hành, tăng cường quản lý nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh; giám sát chặt chẽ nợ chính quyền địa phương. Đến cuối năm 2021, dự kiến dư nợ công khoảng 43,1% GDP, nợ Chính phủ khoảng 39,1% GDP, dư nợ vay nước ngoài quốc gia khoảng 38,4%GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước khoảng 21,7%. Các chỉ tiêu an toàn nợ công đảm bảo nằm trong mức trần, ngưỡng nợ được Quốc hội cho phép.
Trong đầu tư công, quản lý tài sản công, ngay từ đầu năm 2021, Chính phủ xác định đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, công điện để hướng dẫn, triển khai, đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm đúng mục tiêu, định hướng đề ra.
Lũy kế giải ngân năm 2021 là khoảng 383.000 tỷ đồng, đạt 83,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ước thanh toán từ đầu năm đến hết ngày 31/1/2022 là 431.000 tỷ đồng, đạt 93,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Nhiều bộ, cơ quan, địa phương có kết quả giải ngân đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, như: Ngân hàng Phát triển Việt Nam (100%), Bộ Tài chính (96,89 %), Tiền Giang (98,9%), Hưng Yên (98%), TP. Hải Phòng (97%), Bình Thuận (96,7%)...
Về sắp xếp lại bộ máy, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập giảm được 12,35% so với năm 2015; hết năm 2021 biên chế công chức giảm 10,01%, biên chế sự nghiệp giảm 11,67%, số người hoạt động không chuyên trách, thôn, tổ dân phố giảm 46,64% so với năm 2015, hoàn thành vượt mục tiêu tinh giản biên chế 10% mà Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 39-NQ/TW...
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong THTKCLP như: một số bộ, ngành, địa phương chậm ban hành Chương trình THTKCLP năm 2021; công tác lập, chấp hành dự toán còn hạn chế; tình trạng chưa phân bổ chi tiết vốn ngân sách trung ương, chưa phân bổ hết vốn ngân sách địa phương, giải ngân chậm nguồn vốn ODA chưa được khắc phục, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn...
Năm 2022, Chính phủ đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp THTKCLP chủ yếu. Trong đó, tăng cường công tác tổ chức THTKCLP trên các lĩnh vực, đặc biệt là một số lĩnh vực: Quản lý ngân sách nhà nước; quản lý vốn đầu tư công; quản lý nợ công; quản lý tài sản công; quản lý tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là đối với đất đai; quản lý vốn, tài sản Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; quản lý lao động, thời gian lao động...
Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện công khai, nâng cao hiệu quả kiểm tra, thanh tra, giám sát THTKCLP. Chú trọng thực hiện công khai việc sử dụng ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính được giao, công khai thông tin về nợ công và các nội dung đầu tư công theo quy định pháp luật.
Chính phủ sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các vi phạm quy định về THTKCLP, tập trung một số nội dung, lĩnh vực trọng điểm như: Quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản công; cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
Thực hiện nghiêm quy định pháp luật về xử lý vi phạm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các cá nhân để xảy ra lãng phí. Cùng với đó là đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa quản lý; gắn THTKCLP với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.