Nghiên cứu bỏ miễn thuế giá trị gia tăng với hàng hoá giá trị nhỏ
Trao đổi về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi, nhiều đại biểu đề nghị nghiên cứu bỏ việc miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ để bảo vệ nguồn thu và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng xuất khẩu.
Thảo luận về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) tại phiên họp chiều 24/6 của Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, về đối tượng chịu thuế, liệt kê như dự thảo gồm 26 mục là rất cụ thể và rất dễ thực hiện.
Liên quan đến việc miễn thuế giá trị gia tăng gắn với miễn thuế nhập khẩu, đại biểu đề nghị cân nhắc nội dung này. Theo đại biểu, hằng ngày có từ 4 - 5 triệu đơn hàng qua biên giới nước ta được miễn thuế do giá trị của mỗi hàng hóa có giá trị nhỏ. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã bỏ quy định miễn thuế hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ và để tạo bình đẳng giữa hàng hóa trong nước với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài có giá trị nhỏ.
Về định hướng tăng mức thuế suất phổ thông 10%, đại biểu Phạm Văn Hoà đồng tình theo dự thảo. Đại biểu thông tin, nước ta so với các nước trong khu vực thế giới có thuế suất thuế giá trị gia tăng là 10%, vẫn thấp hơn như châu Á là 12%, Mỹ Latinh 14%, EU là 22%, bình quân toàn cầu là 15%...
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh cũng trao đổi về việc miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống hiện đang được thực hiện theo Quyết định số 78/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Đại biểu đề nghị nghiên cứu bỏ nội dung này trong quy định hiện hành. Theo đại biểu, với sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới, xu hướng chung của các quốc gia cho thấy lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng gấp nhiều lần trong thời gian qua.
Đại biểu dẫn chứng, theo số liệu của Tổng Công ty cổ phần Bưu chính viễn thông, tại thời điểm tháng 3/2023, đã có trung bình từ 4-5 triệu đơn hàng một ngày được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam với giá trị mỗi đơn hàng chia nhỏ từ 100.000-300.000 đồng, hằng ngày trung bình có khoảng 45-63 triệu USD, 1 tháng có khoảng 1,3-1,9 tỉ USD giá trị hàng hóa được luân chuyển qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, Tiktok... Do đó, nếu miễn thuế thì ngân sách nhà nước sẽ thất thu khá lớn, điều này còn tạo điều kiện cho hàng giá rẻ tràn vào thị trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo đại biểu, quy định này cũng sẽ không đảm bảo sự công bằng giữa hàng hóa trong nước với hàng hóa nhập khẩu. Hàng hóa trong nước khi sản xuất ra về nguyên tắc vẫn bị điều tiết bởi thuế giá trị gia tăng, trong khi hàng hóa nhập khẩu lại không chịu loại thuế này trong giá bán.
Cùng quan điểm với đại biểu Phạm Văn Hoà, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý cho biết thêm, quy định này cũng không phù hợp với xu hướng của thế giới. Hiện nhiều nước đã bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ để bảo vệ nguồn thu và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng xuất khẩu.