Thực hiện cam kết chi: Góp phần cải cách nền tài chính công
(Tài chính) Một trong 10 sự kiện nổi bật của ngành Tài chính năm 2013 chính là việc tổ chức triển khai quản lý, kiểm soát cam kết chi ngân sách nhà nước (NSNN) qua hệ thống Kho bạc Nhà nước (từ tháng 6/2013). Theo đánh giá của Kho bạc Nhà nước (KBNN), sau quá trình thực hiện, bước đầu việc quản lý, kiểm soát cam kết chi đã diễn ra thuận lợi, hỗ trợ cơ quan Kho bạc và các đơn vị dự toán trong việc kiểm soát chi tiêu ngân sách, ngăn chặn nợ đọng, góp phần đảm bảo an ninh tài chính.
Theo KBNN, thực chất việc quản lý, kiểm soát cam kết chi là một trong những cơ sở để có thể chuyển từ kế toán tiền mặt tiến tới kế toán dồn tích, qua đó góp phần thực hiện cải cách tài chính công theo hướng công khai, minh bạch và phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế; hỗ trợ cho việc lập ngân sách trung hạn nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế. Bởi, đối với đơn vị sử dụng ngân sách, kiểm soát cam kết chi hỗ trợ việc kiểm soát chi tiêu ngân sách, ngăn chặn nợ đọng, góp phần đảm bảo an ninh tài chính; từng bước đưa các nhà cung cấp hàng hoá, dịch vụ cho khu vực công vào quản lý tập trung nhằm mục tiêu có thể đàm phán với họ để giảm giá bán hàng hoá dịch vụ cho khu vực công.
“Theo quy định, các hợp đồng chi thường xuyên có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên, chi đầu tư xây dựng cơ bản 500 triệu đồng trở lên phải thực hiện cam kết chi trước khi thanh toán nhằm công khai, minh bạch hóa chi ngân sách, đảm bảo chi ngân sách an toàn và hiệu quả. Những tiện ích của việc thực hiện quy trình cam kết chi là vậy nhưng để áp dụng một quy trình mới thì cần có sự hỗ trợ và đồng thuận từ phía cơ quan Kho bạc và các chủ dự toán” - Giám đốc KBNN huyện Mộc Châu - Sơn La Đặng Hồng Quang chia sẻ.
Mặc dù là đơn vị nằm trên địa bàn miền núi nhưng trước thời điểm 1/6/2013 (thực hiện quản lý, kiểm soát cam kết chi NSNN theo chỉ đạo của Bộ Tài chính), KBNN Mộc Châu đã tổ chức Hội nghị tập huấn về nội dung, quy trình quản lý chi, nguyên tắc quản lý, cách lập biểu chứng từ giao dịch, điều chỉnh, hủy cam kết chi… cho 100% cán bộ công chức. Đồng thời, tổ chức Hội nghị khách hàng là đại diện các chủ đầu tư cấp huyện để phổ biến, tuyên truyền chính sách mới. KBNN huyện còn đầu tư cơ sở vật chất như: Máy tính, hệ thống mạng… đáp ứng nhu cầu thực hiện nhiệm vụ kiểm soát cam kết chi.
“Trong quá trình giao dịch, cán bộ công chức sẵn sàng trực tiếp hướng dẫn khách hàng thực hiện các văn bản quy định về cam kết chi, các khoản phải cam kết chi, hồ sơ chi... Đồng thời, chủ động xử lý kịp thời những lúng túng, vướng mắc của khách hàng trong thực hiện quy trình quản lý, kiểm soát cam kết chi nên mặc dù quy trình mới nhưng tại địa bàn Mộc Châu đã thực hiện kiểm soát cam kết chi đúng quy định, không để xảy ra sai sót và chi kịp thời”- Giám đốc Đặng Hồng Quang nói.
Tại địa bàn Hà Nội - một trong những địa bàn có khối lượng khách hàng lớn của cả nước, với trên dưới 10.000 tài khoản giao dịch, số lượng tiền chi qua Kho bạc có ngày lên tới cả nghìn tỷ đồng nhưng Giám đốc KBNN Hà Nội Đào Thái Phúc phấn khởi cho rằng, việc thực hiện cam kết chi là bước cải cách thể hiện sự “giao ước” giữa Nhà nước với khách hàng thông qua việc dành một khoản tiền để thanh toán cho nhà cung cấp theo cam kết.
Cụ thể, đối với chi Ngân sách thì cam kết chi thường xuyên chính là việc các đơn vị dự toán cam kết sử dụng dự toán chi ngân sách thường xuyên được giao hàng năm (có thể một phần hoặc toàn bộ dự toán được giao trong năm) để thanh toán cho hợp đồng đã được ký giữa đơn vị dự toán với nhà cung cấp.
Còn đối với cam kết chi đầu tư là việc các chủ đầu tư cam kết sử dụng dự toán chi ngân sách đầu tư được giao hàng năm (có thể một phần hoặc toàn bộ dự toán được giao trong năm) để thanh toán cho hợp đồng đã được ký giữa chủ đầu tư với nhà cung cấp. Giá trị của khoản cam kết chi đầu tư bằng số kinh phí dự kiến bố trí cho hợp đồng trong năm, đảm bảo trong phạm vi dự toán năm được duyệt và giá trị hợp đồng còn được phép cam kết chi.
“Việc quản lý, kiểm soát cam kết chi đã giúp KBNN Hà Nội quản lý, kiểm soát các khoản chi ngân sách ngay từ khi lập dự toán đến khi phân bổ ngân sách; kí kết hợp đồng… và thanh toán. Do vậy, trong năm 2013, KBNN Hà Nội đã đảm bảo tiến độ giải ngân vốn theo kế hoạch, với tổng số tiền giải ngân từ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách Trung ương đạt 4.804 tỷ đồng, bằng 78,1% kế hoạch, vốn ngân sách Trung ương đạt 4.395 tỷ đồng, bằng 94,9% kế hoạch; nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đạt trên 1.600 tỷ đồng, bằng 85% kế hoạch năm. Đồng thời, ngăn chặn tình trạng nợ đọng trong thanh toán xây dựng cơ bản của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách” - Giám đốc Đào Thái Phúc nói.
Một trong những mục tiêu cải cách công tác kiểm soát chi NSNN năm 2014 được KBNN đặt ra chính là cải cách thủ tục hành chính theo hướng thống nhất quy trình (vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ngân sách xã) đảm bảo đơn giản, rõ ràng, minh bạch về hồ sơ, chứng từ; hiện đại hóa công nghệ thông tin, thực hiện kiểm soát chi một cửa… nhằm tạo điều kiện thuận lợi và đáp ứng kịp thời nhu cầu chi của các đơn vị sử dụng NSNN, chủ đầu tư nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát chi chặt chẽ đúng quy định.
Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nguyên tắc “Thanh toán trước, kiểm soát sau” đối với từng lần thanh toán của công việc, hợp đồng thanh toán nhiều lần. Góp phần làm giảm thời gian thanh toán đối với trường hợp này từ 7 ngày xuống còn 3 ngày làm việc; ngoài ra hồ sơ, tài liệu thanh toán vốn đầu tư cũng được đơn giản hóa.