Thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gắn với cân đối ngân sách nhà nước

PV.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, thời gian qua, Bộ Tài chính đã triển khai, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gắn với cân đối ngân sách Nhà nước trước những biến động khó lường do dịch bệnh gây ra.

Có khoảng 740 nghìn doanh nghiệp, chiếm đến 98% số doanh nghiệp đang hoạt động sẽ được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ.
Có khoảng 740 nghìn doanh nghiệp, chiếm đến 98% số doanh nghiệp đang hoạt động sẽ được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ.

Đạt được đa mục tiêu trong chính sách tài khóa

Trao đổi với phóng viên báo chí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến nghĩa vụ nộp thuế của người dân, doanh nghiệp, thời gian qua, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ như: gia hạn thuế, miễn giảm nhiều khoản phí, lệ phí, cũng như nhiều giải pháp để cân đối ngân sách Nhà nước. 

Cụ thể, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo đó, thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế 5 tháng đối với thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất, kinh doanh; gia hạn 5 tháng đối với thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân của các hộ kinh doanh; gia hạn 5 tháng đối với tiền thuê đất của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân... Được biết, theo ước tính, khi triển khai Nghị định này, có khoảng 740 nghìn doanh nghiệp, chiếm đến 98% số doanh nghiệp đang hoạt động sẽ được hưởng lợi từ chính sách.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, Nghị định số 41/2020/NĐ-CP được ban hành kịp thời là giải pháp quan trọng, thiết thực giúp doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vượt qua khó khăn trước tác động bất lợi của đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, phạm vi đối tượng hỗ trợ có tác động bao trùm, xử lý được cả vấn đề mối liên quan giữa các bộ phận khác nhau trong nền kinh tế. Đây chính là điểm mấu chốt của một chính sách tài khóa được sử dụng đồng bộ để đạt được đa mục tiêu như vừa hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn đặc biệt khó khăn này, vừa đảm bảo ổn định kinh tế, chính trị quốc gia.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ và giải quyết theo thẩm quyền miễn thuế nhập khẩu đối với mặt hàng thiết bị y tế phục vụ cho phòng chống dịch; trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 122/2016/NĐ-CP và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP và Nghị định số 134/2016/NĐ-CP về thuế suất nhập khẩu để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực da giày, dệt may, chế biến nông lâm thủy sản, cơ khí, nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ và công nghiệp ôtô.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để đề xuất với Quốc hội tại kỳ họp tới đây về quyết định mức thực hiện chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, áp dụng từ ngày 1/7/2020. Nếu chính sách này được thông qua, khoảng 700 nghìn doanh nghiệp, chiếm khoảng 93% tổng số doanh nghiệp cả nước đang hoạt động sẽ được hưởng lợi. Qua đó, nghĩa vụ nộp ngân sách năm 2020 của số doanh nghiệp này giảm khoảng 7,8 nghìn tỷ đồng. Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân. Nếu chính sách này được thông qua, tổng số thu nhập người lao động được giữ lại để tăng thêm cho chi tiêu nhờ việc điều chỉnh này trong năm 2020 khoảng 10,3 nghìn tỷ đồng.

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã phối hợp với các ngành để rà soát cắt giảm, miễn giảm nhiều loại phí, lệ phí. Cụ thể: Miễn lệ phí môn bài đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân thành lập mới trong năm đầu; giảm 70% mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp; giảm 67% mức phí công bố thông tin doanh nghiệp; giảm 50-70% phí thẩm định cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động bưu chính... Tổng số phí, lệ phí cắt giảm mà doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi là khoảng 500 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cũng đã ban hành thông tư điều chỉnh giảm giá từ 10-50% đối với 9 nhóm dịch vụ và miễn hoàn toàn đối với giá 6 nhóm dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán, áp dụng tại các sở giao dịch chứng khoán và trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam. Chính sách này đã tác động rất tốt đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để đề xuất với Quốc hội tại kỳ họp tới đây về quyết định mức thực hiện chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, áp dụng từ ngày 1/7/2020. Nếu chính sách này được thông qua, khoảng 700 nghìn doanh nghiệp, chiếm khoảng 93% tổng số doanh nghiệp cả nước đang hoạt động sẽ được hưởng lợi. Qua đó, nghĩa vụ nộp ngân sách năm 2020 của số doanh nghiệp này giảm khoảng 7,8 nghìn tỷ đồng.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, chính sách tài khóa vừa có tính giải quyết các vấn đề cấp bách trước mắt, vừa giải quyết các vấn đề cho lâu dài, tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển sản xuất.

Do vậy, việc Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ và các cấp có thẩm quyền cả chính sách để ban hành ngay trước mắt cũng như các chính sách về lâu dài để tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh là nỗ lực kịp thời, hiệu quả rất đáng ghi nhận.

Đến nay, các chính sách này đã đón nhận sự đồng tình, đánh giá cao của giới chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Chủ động cân đối ngân sách nhà nước, đảm bảo đáp ứng cho công tác phòng chống dịch

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, Bộ Tài chính đã cùng với các ngành báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành nguồn lực thích đáng để phòng chống dịch COVID-19. Cụ thể, đã dành 16,2 nghìn tỷ đồng để phòng, chống dịch; trong đó có khoảng 9,5 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương để mua sắm trang thiết bị y tế.

Dự kiến, trong thời gian tới, chi cho phòng, chống dịch tiếp tục tăng thêm để tăng cường khả năng ứng phó với đại dịch này. Ví dụ như dành 6,7 nghìn tỷ đồng chi cho chế độ ưu tiên phụ cấp cho các lực lượng tham gia phòng chống dịch COVID-19; trong đó có tiền ăn cho người cách ly, chi khám chữa bệnh nền trong thời gian bị cách ly... Bộ Tài chính cũng đã báo cáo Chính phủ, tới đây báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành 36 nghìn tỷ đồng từ ngân sách để thực hiện nghị quyết của Chính phủ hỗ trợ bằng tiền cho 6 nhóm đối tượng bị giảm sâu từ thu nhập, mất việc làm, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo cuộc sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, hỗ trợ thêm cho một số đối tượng đang hưởng chính sách ưu đãi bảo trợ xã hội trong thời gian có dịch.

Chia sẻ với phóng viên báo chí về giải pháp có thể đảm bảo cân đối ngân sách như kế hoạch được giao, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, năm nay, trước diễn biến phức tạp khó lường của dịch COVID-19, từng thời điểm, Bộ Tài chính đã xây dựng nhiều kịch bản điều hành ngân sách. Tới đây, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên. Ngoài cắt giảm 10% chi thường xuyên theo dự toán đã được Quốc hội thông qua, tiếp tục cắt giảm thêm 10% nữa cũng như tiết kiệm thêm 50% công tác phí nước ngoài; 30% kinh phí hội nghị, hội thảo. Số tiền này, riêng cơ quan trung ương đã tiết kiệm được khoảng 700 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trên tinh thần chia sẻ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, trong kinh phí phòng, chống dịch đã phân bổ cho địa phương, những địa phương có khả năng cân đối ngân sách cao thì phải chủ động. Những địa phương có điều tiết về ngân sách Trung ương dưới 50% thì Trung ương hỗ trợ và những địa phương khó khăn, ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ theo các mức 30%, 50% và 70%.

Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trong sử dụng nguồn dự phòng, tiết kiệm chi phải tuyệt đối tiết kiệm để đảm bảo trước mắt phục vụ cho phòng, chống dịch cũng như dành cho phòng chống thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, thiên tai ở khu vực miền núi phía Bắc...