Thực hiện đồng bộ chính sách phát triển khí sinh học, cải thiện chất lượng môi trường

PV

Nhằm hạn chế vấn đề ô nhiễm và phát thải khí nhà kính do chất thải chăn nuôi gây ra, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi cũng như sử dụng các giải pháp thân thiện với môi trường trong xử lý chất thải chăn nuôi. Trong đó, đáng chú ý là việc áp dụng công nghệ khí sinh học xử lý chất thải chăn nuôi để tạo nguồn năng lượng sạch, cải thiện chất lượng môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.

Việc xử lý chất thải chăn nuôi theo hướng chuyển đổi năng lượng xanh vẫn là một bài toán khó.
Việc xử lý chất thải chăn nuôi theo hướng chuyển đổi năng lượng xanh vẫn là một bài toán khó.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, mô hình áp dụng công nghệ khí sinh học xử lý chất thải chăn nuôi (KSH) được đánh giá là có tiềm năng và cần được khuyến khích áp dụng rộng rãi.

Tại Việt Nam, áp dụng công nghệ KSH mang lại đa lợi ích, do đó nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, cộng đồng và người dân, thể hiện xu hướng rõ rệt về nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, sinh thái tại nước ta.

Qua triển khai thực hiện cho thấy, việc sử dụng công nghệ KSH xử lý chất thải chăn nuôi đã mang đến lợi ích thiết thực cho người chăn nuôi như: Phát triển kinh tế, thay đổi môi trường, giải phóng sức lao động phụ nữ từ việc sử dụng năng lượng sạch để đun nấu... Tuy nhiên, trên thực tế, việc sử dụng công nghệ này vẫn chưa phổ biến bởi nhiều yếu tố tác động khác nhau.

Bên cạnh đó, việc phát triển công nghệ KSH vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn như chưa đáp ứng các yêu cầu về thông số phát thải nếu chỉ áp dụng công nghệ KSH, việc sử dụng khí mê-tan từ công trình không cạnh tranh được với khí ga công nghiệp vì tính tiện lợi.

Cùng với đó, hệ thống phát điện KSH còn nhiều bất cập như chi phí cao, hiệu quả kinh tế không hấp dẫn nhà đầu tư, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì các trang trại chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ sẽ không có động lực trong việc xây dựng hệ thống công trình KSH để xử lý chất thải chăn nuôi...

Trong Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2045, phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi là một trong 5 đề án ưu tiên. Theo đó, các địa phương cần tập trung triển khai thực hiện và mở ra hướng mới cho chăn nuôi phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn đảm bảo phát triển chăn nuôi hiệu quả, trong đó có việc vận hành tái sử dụng chất thải chăn nuôi, khắc phục nhanh tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh, góp phần hình thành nền nông nghiệp phát thải thấp nhằm đạt mục tiêu của Chính phủ trong phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Tuy được ưu tiên nhưng việc xử lý chất thải chăn nuôi theo hướng chuyển đổi năng lượng xanh vẫn là một bài toán khó. Kết quả tính toán trong dự án "Bảo vệ khí hậu thông qua phát triển thị trường năng lượng sinh học bền vững ở Việt Nam" cho thấy, sau khi trang trại đầu tư máy phát điện biogas, trang trại đã giảm được 46% lượng điện lưới sử dụng, song, rất nhiều trang trại chăn nuôi vẫn chưa đầu tư máy phát điện biogas mặc dù công nghệ này đã được giới thiệu và thương mại hóa ở nước ta nhiều năm nay.

Cùng với vấn đề xuất phát điểm của ngành Chăn nuôi nước ta thấp hơn nhiều nước trong khu vực và những bất cập trong tổ chức triển khai các chính sách, thì thời gian qua mà việc khuyến khích phát triển công nghệ KSH còn gặp một số tồn tại, hạn chế, dẫn đến phát triển thiếu bền vững, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Hạn chế xuất phát từ chính các hộ chăn nuôi, nhưng cũng có những nguyên nhân tác động từ bên ngoài (từ cơ chế, chính sách của Chính phủ...) ảnh hưởng tới việc áp dụng công nghệ KSH.

Bên cạnh đó, việc chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ đã gây ra những khó khăn nhất định cho người chăn nuôi vì khu chăn nuôi chủ yếu nằm trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường do không có đủ diện tích để đầu tư áp dụng công nghệ xử lý môi trường.

Trong khi đó, nhận thức của hộ chăn nuôi còn chưa đầy đủ, dẫn đến thiếu ý thức tự giác bảo vệ môi trường; Dịch bệnh và thiên tai diễn biến phức tạp, nhất là những dịch bệnh mới như tả lợn châu Phi, thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt đang tác động trực tiếp đến ngành Chăn nuôi...

Nhằm giải quyết những khó khăn trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, việc áp dụng chính sách cần được thực hiện đầy đủ, đồng bộ và hoàn thiện. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến việc đầu tư công nghệ xử lý chất thải; trực tiếp hỗ trợ, khuyến khích các hộ chăn nuôi sử dụng công nghệ KSH để xử lý chất thải chăn nuôi thông qua các biện pháp hỗ trợ chi phí đầu tư công trình KSH...

Song song với đó, cần tiếp tục duy trì, thực hiện có hiệu quả chính sách, ưu đãi thuế đối với hoạt động trong các lĩnh vực của ngành Chăn nuôi nhằm tạo điều kiện phát triển chăn nuôi hiện đại, toàn diện, đồng bộ; Hỗ trợ nghiên cứu công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi cho các quy mô khác nhau để đáp ứng nhu cầu sử dụng khí, tránh tình trạng quá tải và đáp ứng các yêu cầu về môi trường; Khuyến khích các công ty tư vấn và chuyển giao công nghệ phát triển thị trường cung cấp công nghệ, dịch vụ liên quan đến việc xây dựng, bảo dưỡng và sửa chữa công trình cũng như các thiết bị sử dụng KSH...

 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công nghệ KSH ở Việt Nam đã được nghiên cứu và phát triển từ những năm 1960. Tuy nhiên, cho đến năm 2003, khi Dự án Chương trình KSH cho ngành Chăn nuôi do Chính phủ Hà Lan hỗ trợ đi vào triển khai, công nghệ này mới được nhiều người biết đến và phát triển rộng rãi như ngày nay.