Thực hiện hiệu quả các nội dung phát triển Chính phủ điện tử trong lĩnh vực hải quan
Thời gian qua, ngành Hải quan đã không ngừng tăng cường cải cách dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh triển khai cải cách một cửa quốc gia, một cửa ASEAN; ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong thực hiện nhiệm vụ, bước đầu mang lại nhiều kết quả tích cực. Qua đó, phát triển tài chính điện tử hướng tới tài chính số nhằm góp phần triển khai thành công Chính phủ điện tử.
90% tổng số thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến
Nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN) ngày càng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu triển khai các Nghị quyết của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử, thời gian vừa qua, Tổng cục Hải quan đã có nhiều nỗ lực triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Đến nay, Tổng cục Hải quan đã cung cấp 172/192 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, chiếm 90% tổng số thủ tục hành chính triển khai tại 100% Chi cục Hải quan và Cục Hải quan tỉnh, thành phố. Trong số đó có 163 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho phép tiếp nhận, xử lý hồ sơ, thanh toán thuế, phí, lệ phí và trả kết quả hoàn toàn thông qua mạng internet. Các thủ tục hành chính cốt lõi như thông quan hàng hóa, thu thuế xuất nhập khẩu đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, mức độ cao nhất theo phân loại của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Trong năm 2019, Tổng cục Hải quan đã nâng cấp 2 dịch vụ công trực tuyến từ mức độ 1 lên mức độ 4, chuẩn bị nâng cấp 6 dịch vụ công trực tuyến từ mức độ 3 lên mức độ 4 theo đúng kế hoạch ban hành tại Quyết định số 2204/QĐ-BTC ngày 21/11/2018. Đồng thời, hiện Tổng cục Hải quan đang chuẩn bị cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho 12 thủ tục hành chính mới ban hành.
Ngoài ra, Cổng thông tin điện tử hải quan cũng đã cung cấp nhiều dịch vụ trực tuyến khác để hỗ trợ người dân và DN trong việc tiếp cận thông tin, tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục hải quan.
Với những nỗ lực và kết quả đạt được, vừa qua, Tổng cục Hải quan đã được Hội Truyền thông số Việt Nam trao Giải thưởng Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc năm 2019.
Tiếp tục mở rộng Cơ chế một cửa ASEAN
Với vai trò Cơ quan Thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899), Tổng cục Hải quan đã tập trung đôn đốc các bộ, ngành triển khai Kế hoạch hành động của Chính phủ thúc đẩy NSW, ASW, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020.
Đến nay, đã có 13 bộ, ngành tham gia với 174 thủ tục hành chính được triển khai trên NSW. Việt Nam cũng đã thực hiện trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D bản điện tử (e-C/O form D) với 06 nước: Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Brunei và Campuchia.
Đến hết năm 2019, Tổng cục Hải quan tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương hoàn thành kế hoạch triển khai các thủ tục hành chính năm 2019 (hoàn thành mục tiêu triển khai bổ sung 61 thủ tục hành chính). Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành chuẩn bị để thời gian tới triển khai trao đổi thông tin tờ khai hải quan ASEAN (với Indonesia và Thái Lan) và chứng nhận kiểm dịch thực vật (với Indonesia); Triển khai trao đổi thông tin C/O với Liên minh Kinh tế Á-Âu...
Ứng dụng thành tựu công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0
Với mục tiêu triển khai kiến trúc Chính phủ điện tử ngành Hải quan và ứng dụng thành tựu công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0, thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã tập trung xây dựng tài liệu tái thiết kế quy trình nghiệp vụ của ngành để phù hợp với tình hình mới, tạo thuận lợi hơn nữa cho DN; Tăng cường năng lực quản lý hải quan, nâng cao mức độ tự động hóa trong các hệ thống CNTT.
Hiện, Tổng cục Hải quan đang xây dựng Đề án tái thiết kế tổng thể hệ thống CNTT ngành Hải quan. Tới đây, sẽ tập trung xây dựng và triển khai đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống CNTT phục vụ triển khai NSW, ASW.
Bên cạnh đó, nhận thức việc tiếp cận và chủ động ứng dụng những thành tựu công nghệ mới nhất của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là chìa khóa để tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa hải quan, Tổng cục Hải quan đã chủ động nghiên cứu, xây dựng và triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 với các nội dung ứng dụng công nghệ internet kết nối vạn vật (IoT) trong quản lý, giám sát hải quan.
Tới đây, toàn Ngành sẽ tập trung triển khai hệ thống định vị điện tử giúp kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu được vận chuyển bằng container. Đồng thời, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu trên cơ sở kết nối với trang thiết bị thông minh nhận dạng hình ảnh và ứng dụng phân tích dữ liệu lớn.
Việc triển khai thành công Đề án tái thiết kế tổng thể hệ thống CNTT ngành Hải quan sẽ là động lực vô cùng quan trọng đối với xây dựng Chính phủ điện tử ngành Hải quan trong thời gian tới.
Từ ngày 01/01/2019 đến ngày 31/8/2019 đã tiếp nhận và xử lý 8,56/8,71 triệu tờ khai hải quan điện tử (chiếm tỷ lệ 99,39%);Số kim ngạch xuất nhập khẩu bằng phương thức điện tử đạt 336,99 tỷ USD/337,37 tỷ USD (chiếm tỷ lệ 99,89.%); Số tiền thuế, phí thu bằng phương thức điện tử là 219.904/233.920 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 94% số thu của Tổng cục Hải quan).