Thực hiện hiệu quả, đồng bộ Chương trình thực hành tiết kiệm
Xoay quanh những nội dung liên quan đến Chương trình thực hành tiết kiệm,chống lãng phí được nhiều cử tri quan tâm, Bộ Tài chính đã giải trình cụ thể về nội dung này.
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên
Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, cử tri đề nghị Chính phủ thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, có hiệu quả Chương trình thực hành tiết kiệm, trả lời cử tri về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết: Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, coi trọng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK,CLP) và xác định rõ “Phòng và chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài”.
Theo đó, Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) và Kết luật số 21-KL/TW ngày 25/5/2012 (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Ban Bí thư (khóa XI) ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 21/12/2012 về việc đẩy mạnh THTK,CLP; Bộ Chính trị (khóa XII) đã ban hành Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa X).
Thời gian qua, Chính phủ đã và đang quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành quán triệt, thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật về THTK, CLP, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, nhằm hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo nghị quyết của Quốc hội.
Trên cơ sở thực hiện Luật THTK, CLP năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK, CLP năm 2015, năm 2016, năm 2017 và giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu đẩy mạnh THTK,CLP trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, tạo chuyển biến rõ rệt công tác THTK,CLP với những kết quả cụ thể, nhằm phát huy cao nhất mọi nguồn lực để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị để chỉ đạo tăng cường các biện pháp THTK, CLP, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý trong các lĩnh vực (quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, cải cách hành chính, xây dựng thể chế, quy hoạch, kế hoạch, nông nghiệp, công thương, tài chính, ngân hàng,…).
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và căn cứ vào các Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK,CLP, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương trong cả nước đã ban hành, triển khai thực hiện nghiêm Chương trình THTK,CLP hằng năm và dài hạn (2016-2020) của bộ, ngành, cơ quan, địa phương mình.
9 giải pháp trọng tâm thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí
Hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp THTK,CLP trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đã đề ra tại Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK,CLP năm 2017 (Quyết định số 398/QĐ-TTg ngày 31/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ). Trong đó, tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, điều hành dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) chủ động, chặt chẽ, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách. Siết chặt kỷ luật tài chính-NSNN; bảo đảm chi tiết kiệm, hiệu quả và theo dự toán được Quốc hội thông qua. Tăng cường giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh thất thoát, lãng phí. Xây dựng các tiêu chí, giám sát, đánh giá việc quản lý NSNN theo kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật NSNN năm 2015. Tiết kiệm triệt để trong quản lý, sử dụng kinh phí NSNN thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, nhiệm vụ giáo dục và đào tạo.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công phù hợp với điều kiện mới, đảm bảo hiệu quả, chống lãng phí. Sửa đổi Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 04/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng sửa đổi đơn giá khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phù hợp cho từng nhóm chức danh có tiêu chuẩn sử dụng và định mức xe ô tô phục vụ công tác chung; xác định lộ trình thực hiện chế độ khoán kinh phí sử dụng xe ô tô áp dụng đối với chức danh thứ trưởng và tương đương, xe ô tô phục vụ công tác chung.
Ba là, triển khai quyết liệt công tác sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, phân loại dịch vụ công theo mức độ thiết yếu của từng loại dịch vụ, đảm bảo việc tổ chức và cung ứng dịch công, chuyển từ vai trò cung ứng trực tiếp sang kiến tạo và hỗ trợ thị trường dịch vụ công phát triển. Xây dựng tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp cung cấp cho xã hội, hoàn thiện chế độ thông tin báo cáo, công tác tài chính kế toán và trách nhiệm giải trình về kết quả của các đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công. Mở rộng quyền tự chủ về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập; gắn việc điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh với lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân và cải cách tiền lương; thực hiện tính đúng, tính đủ chi phí dịch vụ. Thực hiện minh bạch giá dịch vụ y tế; mua sắm tập trung đối với thuốc trong danh mục mua sắm tập trung.
Bốn là, quản lý hoạt động của các Quỹ tài chính nhà nước ngoài NSNN theo đúng quy định của Luật NSNN năm 2015 và Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 27/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Trường hợp sử dụng NSNN hỗ trợ vốn điều lệ cho Quỹ tài chính nhà nước ngoài NSNN thì phải bảo đảm phù hợp với khả năng của NSNN và chỉ thực hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Năm là, tăng cường quản lý dự án đầu tư công. Khắc phục tình trạng cố tình kéo dài thời gian bố trí vốn của các dự án dở dang, để dành vốn bố trí thêm các dự án mới trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Bố trí vốn đầu tư tập trung, tránh phân tán, dàn trải; không để tình trạng chậm giao vốn, chậm triển khai thực hiện kế hoạch năm 2017. Tăng cường thực hiện đấu thầu rộng rãi, công khai theo quy định của Luật Đấu thầu, nhất là đối với các dự án có sử dụng đất. Tập trung chỉ đạo, xử lý ngay các dự án sử dụng vốn Nhà nước lãng phí, kém hiệu quả; làm rõ và xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân gây chậm trễ việc thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2017. Nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác giám sát, kiểm toán, thanh tra, kiểm tra hoạt động đầu tư công. Tăng cường công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả các dự án BOT, đặc biệt là BOT lĩnh vực giao thông.
Sáu là, tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất đai đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm. Tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Thực hiện nghiêm việc xử lý, thu hồi đất đối với các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, lãng phí, bỏ hoang và lấn chiếm trái quy định. Thực hiện điều tiết một cách hợp lý giá trị tăng thêm từ đất do Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng đem lại. Xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật để khai thác quỹ đất hai bên đường khi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ một cách hiệu quả, tiết kiệm. Kiểm soát chặt chẽ hình thức đầu tư theo hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT) liên quan đến đất đai, tránh thất thoát, lãng phí. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về thăm dò, khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản. Xử lý triệt để các cơ sở sử dụng lãng phí năng lượng, tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Bảy là, đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao chất lượng quản trị và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước. Xử lý đối với lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước không nghiêm túc thực hiện hoặc thực hiện không có kết quả Đề án tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo Đề án Chính phủ phê duyệt cho giai đoạn 2016-2020; tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, không để thất thoát vốn, tài sản Nhà nước.
Tám là, đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động công vụ, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Quản lý chặt chẽ thời gian lao động, kiểm tra, giám sát chất lượng, bảo đảm năng suất, hiệu quả công việc và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, tổ chức trong khu vực Nhà nước.
Chín là, tăng cường công tác chỉ đạo việc thực hiện cải cách hành chính của các cấp, các ngành gắn với THTK, CLP trong các lĩnh vực. Thực hiện có hiệu quả hiện đại hóa quản lý hành chính nhà nước; hoàn thiện và đẩy mạnh hoạt động của mạng thông tin điện tử hành chính của Chính phủ. Nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương theo Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 25/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích theo Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ...
Như vậy, có thể thấy, trong những năm qua công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đối với công tác THTK, CLP luôn được đề cao và xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác THTK, CLP trong thời gian tới, đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm đề ra tại Chương trình THTK, CLP phụ thuộc rất lớn vào công tác tổ chức thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, cần tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, nâng cao nhận thức của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức để tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác THTK,CLP.