Đẩy mạnh quản lý thu và chống thất thu ngân sách nhà nước

PV.

Với kết quả thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2017 ước tính đạt 500,9 nghìn tỷ đồng, bằng 41,3% dự toán năm, ngành Tài chính đang phấn đấu, tập trung triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh thu ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm.

10 giải pháp tăng thu ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2017. Nguồn: Internet
10 giải pháp tăng thu ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2017. Nguồn: Internet

Nhằm đảm bảo hoàn thành dự toán pháp lệnh do Nhà nước giao, đảm bảo thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp mà Chính phủ đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2017; Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 19/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2017; Triển khai thực hiện Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ban hành theo Quyết định số 33/QĐ-BTC ngày 9/1/2017.

Trong đó, tập trung vào những giải pháp liên quan đến quản lý thuế như: triển khai quyết liệt công tác thu ngân sách ngay từ đầu năm; phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN từ hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2017 được giao trên địa bàn và tăng 14-16% so với thực hiện thu năm 2016; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, cơ quan trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt chẽ lạm phát, siết chặt kỷ cương kỷ luật trong quản lý tài chính, ngân sách nhà nước;

Tăng cường thực thi công vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan thuế, nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực thuế.

Hai là, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP ngày 06/02/2017, triển khai Chính phủ điện tử theo Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015; triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 19-2017/NQ-CP theo Quyết định số 328/QĐ-BTC ngày 22/02/2017 với mục tiêu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế.

Ba là, chỉ đạo cơ quan Thuế và cơ quan Hải quan địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp quản lý thu, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu. Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực thu, từng sắc thuế, tổng hợp báo cáo kịp thời kết quả thu và dự báo thu hàng tháng, hàng quý. Đồng thời, xác định cụ thể các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả.

Bốn là, tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền chính sách thuế, chính sách hải quan, thủ tục hành chính ở tất cả các khâu, các bộ phận, các lĩnh vực thông qua việc đổi mới phương thức, phát triển đa dạng, phong phú các hình thức tuyên truyền. Đăng tải kịp thời các hướng dẫn về nội dung sửa đổi trong các chính sách thuế, hải quan mới trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Công khai tại trụ sở cơ quan thuế, hải quan các cấp, trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử ngành các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế, thủ tục hành chính thuế để NNT nắm bắt kịp thời về chính sách, thủ tục hành chính và giám sát việc thực thi pháp luật của cán bộ công chức. Tiếp tục rà soát, cập nhật bổ sung thông tin về hộ kinh doanh để triển khai thực hiện việc công khai các thông tin của hộ kinh doanh trên trang thông tin điện tử của cơ quan Thuế theo đúng chỉ đạo của Bộ Tài chính.

Năm là, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát kê khai của NNT, tiếp tục rà soát công tác đăng ký thuế trên toàn quốc để chuẩn hóa dữ liệu đăng ký thuế của NNT. Tập trung kiểm tra các tờ khai có sự mâu thuẫn, những lĩnh vực kinh doanh có dấu hiệu tiềm ẩn kê khai không đủ thuế, kiên quyết xử phạt đối với các trường hợp vi phạm quy định về kê khai, nộp thuế.

Tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý thuế khoán, chuyển mạnh các hộ kinh doanh lớn đang quản lý theo mô hình khoán sang nộp thuế theo kê khai, hạch toán kế toán theo quy định, đặc biệt là tại các thành phố, đô thị lớn.

Tăng cường công tác quản lý hoàn thuế, kiểm soát chặt chẽ số chi hoàn thuế GTGT, đảm bảo việc hoàn thuế đúng đối tượng, theo đúng chính sách pháp luật thuế của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho NNT. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý hoàn thuế.

Thực hiện phân tích rủi ro trong hoàn thuế để bổ sung vào kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận, lợi dụng chính sách hoàn thuế GTGT, kiên quyết xử lý, thu hồi đầy đủ số tiền hoàn thuế bị gian lận vào NSNN.

Sáu là, đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2017, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch được giao; bổ sung lực lượng đáp ứng việc triển khai kế hoạch thanh tra. Thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có yêu cầu của lãnh đạo Bộ, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong công tác chống thất thu thuế, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả…

Đẩy mạnh Kiểm tra sau thông quan theo đúng quy định của pháp luật, hạn chế việc doanh nghiệp lợi dụng sơ hở tại các khâu trước và trong thông quan để gian lận trốn thuế. Tăng cường công tác quản lý tại các cảng biển, sân bay, cửa khẩu, kho bãi..đảm bảo yêu cầu kiểm tra, giám sát hàng hóa ở các khâu.

Bảy là, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ thuế trên tổng thu ngân sách theo tinh thần Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, không để phát sinh nợ mới, trong đó tập trung vào các giải pháp: rà soát, phân loại nợ, phân tích nguyên nhân của từng trường hợp để áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ; tổ chức áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ theo quy định.

Công khai thông tin NNT chây ỳ, không nộp tiền thuế đúng hạn…; Rà soát các vướng mắc trong quá trình thực hiện để sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách liên quan đến xử lý nợ thuế để phù hợp với tình hình thực tiễn; rà soát các khoản nợ thuế phát sinh do ấn định thuế theo các quyết định kiểm tra sau thông quan, quyết định thanh tra.

Tám là, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào tất cả các khâu, các bước trong quá trình quản lý, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.

Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan hàng hóa, giảm thời gian và chi phí cho hải quan và doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, góp phần làm giảm thời gian hoàn thành thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp, phấn đấu rút ngắn thời gian thông quan xuống bằng mức trung bình của nhóm nước ASEAN-4.

Chín là, chủ động hơn nữa trong việc hợp tác, giao lưu về công tác thuế với khu vực và thế giới. Tăng cường cập nhật tin tức, kinh nghiệm quản lý thuế của các nước, khu vực trên thế giới nhất là những lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh mới, phức tạp như: chuyển giá, thương mại điện tử, thanh toán qua ngân hàng, những lĩnh vực thuộc “kinh tế chia sẻ”...

Mười là, tăng cường công tác kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại, giá, thuế suất và quản lý rủi ro, kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập trong quản lý Nhà nước, chế độ chính sách, pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.