Thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước
Tại Nghị quyết số 119/NQ-CP của phiên họp thường kỳ tháng 8/2018, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính cần tiếp tục thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước trong những tháng cuối năm.
Theo đó, trong những tháng còn lại của năm 2018, Bộ Tài chính cần thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, quản lý chặt chẽ ngân sách nhà nước từ khâu dự toán đến điều hành, thực hiện, quyết toán.
Số liệu mới nhất của Bộ Tài chính cho biết, về chi ngân sách nhà nước, luỹ kế trong 8 tháng đạt 873,5 nghìn tỷ đồng, bằng 57,3% dự toán, tăng 10,2% so cùng kỳ năm 2017. Trong riêng trong tháng 8, chi ngân sách nhà nước ước đạt 113,8 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước thực hiện tháng 8 ước đạt 84 nghìn tỷ đồng. Như vậy, luỹ kế thu cả trong 8 tháng qua ước đạt 871,8 nghìn tỷ đồng, bằng 66,1% dự toán, tăng 13,8% so cùng kỳ năm 2017.
Tính đến ngày 27/8/2018, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện kiểm soát ước đạt 483.902 tỷ đồng chi thường xuyên, đạt 56,12% dự toán năm 2018 và từ chối thanh toán số tiền là 7,3 tỷ đồng, do khoản chi chưa đủ hồ sơ theo quy định.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, về giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, trong 8 tháng đầu năm, lũy kế thanh toán ạt 176.836,765 tỷ đồng, đạt 44,24% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 45,57% so kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2017 đạt 38,38% kế hoạch Quốc hội giao và 44,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Tính đến ngày 27/8/2018, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện kiểm soát ước đạt 483.902 tỷ đồng chi thường xuyên, đạt 56,12% dự toán năm 2018 và từ chối thanh toán số tiền là 7,3 tỷ đồng, do khoản chi chưa đủ hồ sơ theo quy định.
Cùng với đó, chủ động phát hành trái phiếu Chính phủ đa dạng kỳ hạn, kênh huy động, phù hợp với yêu cầu thanh toán, giải ngân và diễn biến thị trường; Đẩy mạnh áp dụng hóa đơn thuế điện tử...
Ngoài ra, ngành Tài chính cần tiếp tục tập trung cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan theo chuẩn quốc tế. Tăng cường quản lý, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả.
Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư việc điều chỉnh kế hoạch vốn giữa dự án giải ngân chậm và dự án có nhu cầu vốn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân; Khẩn trương phê duyệt quyết toán làm cơ sở giải ngân hết số vốn cho các nhà thầu theo quy định; Chỉ đạo nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án, công trình; Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thanh toán vốn đối với khối lượng đã hoàn thành; Rà soát, đẩy nhanh việc hoàn thành các thủ tục phê duyệt thiết kế, dự toán, đấu thầu đối với các dự án khởi công mới.