Thực tế tại các nhà máy Trung Quốc phát tín hiệu xấu về tiêu dùng toàn cầu

Theo Trung Mến/nhipsongdoanhnghiep.laodongcongdoan.vn

Số lượng các đơn đặt hàng đối với sản phẩm như khuy, khóa kéo áo và sản phẩm may trong tháng 7 và tháng 8/2022 giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước khi nhu cầu sụt mạnh.

Ảnh: GettyImages
Ảnh: GettyImages

Nhà đầu tư chờ đợi để đánh giá tình hình thực tế của tâm lý người tiêu dùng toàn cầu sẽ cần phải nhìn vào thực tế tại các nhà máy ở Trung Quốc.

Theo Bloomberg, nhiều nhà cung cấp các sản phẩm trang trí Giáng sinh, từ quần áo cho đến lều, công bố số lượng đơn đặt hàng từ các khách hàng nước ngoài đang giảm đi nhanh chóng, không ít nhà sản xuất còn đang dự báo về khả năng kịch bản tốt nhất mà họ có thể có được trong năm nay chính là nhu cầu đi ngang so với năm ngoái.

Thông tin mới cập nhật từ các trung tâm sản xuất lớn nhất Trung Quốc cũng cho thấy về câu chuyện “thắt lưng buộc bụng” của người tiêu dùng trên khắp thế giới nhằm thích ứng với chi phí cuộc sống leo thang. Tất cả những yếu tố này phần nào lý giải cho việc xuất hiện ngày một nhiều cảnh báo về suy thoái kinh tế toàn cầu.

Quản lý tại một nhà máy dệt may ở thành phố Ninh Ba – Trung Quốc, ông Wendy Ma, phân tích: “Người tiêu dùng không có tiền để chi tiêu trong bối cảnh lạm phát leo thang hiện nay”. Số lượng các đơn đặt hàng đối với sản phẩm như khuy, khóa kéo áo và sản phẩm may trong tháng 7 và tháng 8/2022 giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước khi mà nhu cầu từ các thị trường lớn như Mỹ với châu Âu đồng loạt giảm.

Báo cáo từ các nhà sản xuất Trung Quốc cho thấy sự ổn định của các số liệu xuất khẩu Trung Quốc có thể không còn nữa. Cụ thể, sự bùng nổ đó có nguyên nhân trực tiếp từ việc lạm phát giá cả cũng như nhiều doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc hoàn thành nốt các đơn hàng bị giao chậm do phong tỏa trong đại dịch COVID-19 cũng như một số đơn hàng được đặt trước bởi lo ngại về khả năng gián đoạn chuỗi cung ứng.

Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại Macquarie, ông Larry Hu, nói: “Xu thế nói chung chính là tăng trưởng xuất khẩu sẽ chững lại trong những tháng tới chính vì vậy hoàn toàn có thể rớt xuống ngưỡng suy giảm trước thời điểm cuối năm nay”. Tuy nhiên, việc nhu cầu hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc giảm có thể diễn ra dần dần chứ không sụp đổ, ông Hu nhận định.

 

Xuất khẩu của Trung Quốc đã mang đến bệ đỡ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong đại dịch COVID-19.

Chủ doanh nghiệp Vita Leisure chuyên mua gom lều và nội thất từ các nhà sản xuất nội địa để bán ra nước ngoài, ông Clark Feng, chỉ ra các yếu tố căng thẳng đã ngày một nhiều, các khách hàng châu Âu chỉ mua khoảng từ 30 đến 50% lượng hàng hóa so với năm ngoái. Nhiều người lao động làm việc tại các nhà máy bị sa thải hoặc cho nghỉ tạm thời, điều mà ông Clark chưa từng thấy trong suốt 10 năm làm việc tại nhà máy.

Khách hàng của doanh nghiệp ở nước ngoài đang cố gắng xử lý nốt hàng tồn kho thay cho việc đặt hàng sản phẩm mới. Ông Feng cho biết giờ đây các nhà máy đang chuyển từ thái cực này sang thái cực khác, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa hiện thấp hơn so với trước đại dịch COVID-19.

Trong năm vừa qua, hàng tồn kho tại các doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng thuộc chỉ số S&P 500 tăng ước chừng 25% lên 93,5 tỷ USD, theo số liệu được tính toán bởi Bloomberg. Nguyên nhân chính là bởi nhiều doanh nghiệp phải trữ hàng nhằm đương đầu với việc hoạt động giao hàng bị trì hoãn, không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp mua mạnh hàng hóa cho đợt Giáng sinh.

Xu thế này cũng diễn ra cùng lúc với việc tiêu dùng toàn cầu đang hướng nhiều hơn đến dịch vụ chứ không phải hàng hóa bởi nhu cầu đi lại tại nhiều khu vực của thế giới đang tăng lên chóng mặt. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ như Walmart và Target hạ giá của nhiều loại sản phẩm như may mặc và thiết bị tiêu dùng dù rằng giá các sản phẩm này đang cao hơn trong bối cảnh lạm phát leo thang.