Xu hướng phát triển trái phiếu xanh trên thế giới và tại Việt Nam


Bên cạnh các vấn đề được quan tâm như: tăng trưởng kinh tế, việc làm, xóa đói giảm nghèo, bất bình đẳng xã hội thì nhiều quốc gia hiện đang theo đuổi mục tiêu thúc đẩy thịnh vượng kinh tế bền vững, lâu dài, đặc biệt là môi trường, khí hậu và thiên nhiên. Trái phiếu xanh đang được coi là phương tiện huy động vốn hữu hiệu từ khu vực tư nhân cho các dự án có lợi ích về môi trường và xã hội. Việc phát hành trái phiếu xanh đang là xu hướng chung, là một kênh huy động vốn quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho tăng trưởng bền vững.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tài chính xanh trên thế giới

Tiến trình phát triển kinh tế xanh nói chung đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn dưới sự tác động của đại dịch COVID-19, do con người ngày càng ý thức được những ảnh hưởng nghiêm trọng về kinh tế, xã hội và sức khỏe với hệ quả được dự báo trong ngắn hạn và dài hạn.

Hiện nay, xu hướng về tăng trưởng xanh thể hiện rõ nhất trong việc thay đổi cơ cấu năng lượng, trong đó năng lượng tái tạo đang dần chiếm tỷ trọng đáng kể so với các nguồn năng lượng khác. Nhiều quốc gia đã cam kết thực hiện các thoả thuận quan trọng liên quan đến vấn đề tăng trưởng xanh như: Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu trong năm 2015; Chương trình hành động Addis Ababa về tài chính cho phát triển; Chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, Chính phủ một số nước đã nghiên cứu và triển khai hệ thống chính sách về tăng trưởng xanh và lựa chọn mô hình chuyển đổi cơ cấu ngành công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo xu thế xanh.

Liên minh châu Âu (EU) đã triển khai “Thoả thuận xanh châu Âu” cho giai đoạn 2020-2024 với gói đổi mới chính sách toàn diện để chuyển đổi toàn bộ khối thành một xã hội công bằng, thịnh vượng, nền kinh tế hiện đại, cạnh tranh, sử dụng hiệu quả tài nguyên, trở thành lục địa đầu tiên trên thế giới đạt mục tiêu trung hoà carbon và năm 2050. EU cũng sử dụng 37% Quỹ Phục hồi và Chống chịu (Recovery and Resilience Facility) tương đương với khoảng 672,5 tỷ Euro cho các dự án xanh.

Chính phủ Đan Mạch đặt mục tiêu trở thành “quốc gia xanh nhất” tại châu Âu và trên thế giới. Theo Chiến lược năng lượng đến năm 2035, Đan Mạch sẽ hoàn toàn từ bỏ sử dụng nguyên liệu hoá thạch trong ngành công nghiệp năng lượng. Tất cả năng lượng điện và năng lượng nhiệt sẽ được thay thế bởi các nguồn nhiên liệu tái tạo. Để hiện thực hoá mục tiêu này, Chính phủ Đan Mạch đã thông qua mức thuế cao cho việc xả thải ô nhiễm ra môi trường như thuế môi trường cho xả thải 1 tấn các-bon là 173,2 DKK (tương đương 27,45 USD). Đồng thời, quốc gia này cũng chi ngân sách nhà nước để nghiên cứu và đổi mới năng lượng thân thiện với môi trường như năng lượng sinh học và các công nghệ khác. Đối với ngành xây dựng, Chính phủ Đan Mạch định hướng xây dựng những toà nhà theo tiêu chuẩn xanh với lượng xả thải các-bon thấp ra môi trường và hạn chế tiêu thụ điện bằng việc lắp đặt bóng đèn tiết kiệm điện.

Hàn Quốc đã triển khai “Thoả thuận kinh tế xanh mới”, tập trung vào các lĩnh vực: (i) Phát triển các ngành công nghệ cao; (ii) Chuyển đổi số cùng với phát triển kinh tế xanh; (iii) Đảm bảo an sinh xã hội. Trước đó, Chiến lược thực hiện tăng trưởng xanh được Hội đồng Quốc vụ thông qua vào tháng 9/2008. Theo đó, Hàn Quốc đã tiến hành một loạt các chính sách mang tính chiến lược như: Kế hoạch Nghiên cứu và phát triển toàn diện về công nghệ xanh, Luật Tăng trưởng xanh… Đồng thời, Chính phủ nước này cũng ưu tiên đầu tư và sử dụng các nguồn năng lượng mới và tái sinh, năng lượng có hàm lượng cac-bon thấp, ứng dụng công nghệ LED, hệ thống giao thông tiết kiệm năng lượng và thành phố xanh công nghệ cao, ứng dụng rô-bốt, vật liệu mới và công nghệ nano, dược phẩm sinh học, y học công nghệ cao và công nghiệp thực phẩm có giá trị gia tăng cao. Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc cũng đẩy mạnh các chương trình xây dựng mô hình “nhà ở, trường học và công sở xanh”. Mô hình tăng trưởng xanh của Hàn Quốc được cho là sẽ tạo hiệu ứng tích cực về xu hướng tăng trưởng xanh tới các nền kinh tế khác của châu Á, cũng như các khu vực khác trên thế giới.

Mỹ cũng đã thực hiện các chính sách mới để thúc đẩy tăng trưởng xanh thông qua việc thực hiện chính sách tiết kiệm năng lượng, giảm bớt ô nhiễm môi trường và chính sách tái tạo năng lượng. Trong Chiến lược tiết kiệm năng lượng, Chính phủ Mỹ cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, các nguồn năng lượng tái tạo sẽ chiếm khoảng 25% lượng phát điện và đến năm 2030 nhu cầu điện trung bình sẽ giảm 15%. Để đạt được các mục tiêu này, Chính phủ Mỹ đã thành lập Cơ quan Triển khai năng lượng sạch (CEDA) thuộc Bộ Năng lượng có chức năng huy động và giải ngân vốn đầu tư cho các chương trình năng lượng sạch. Ngoài ra, Chính phủ Mỹ đã thông qua một loạt tiêu chuẩn mới về khí thải như yêu cầu các công ty sản xuất ô tô chuyển sang các mẫu xe kết hợp sử dụng cả điện và xăng dầu, cùng với việc cải tiến các động cơ xe được sản xuất để tiết kiệm nhiên liệu giảm khí thải. Nước này cũng đã triển khai đạo luật chống biến đổi khí hậu với mục tiêu giảm khí thải nhà kính khoảng 17% trong năm 2020 so với năm 2005 và áp dụng hạn ngạch khí thải, cho phép các doanh nghiệp xả khí thải thấp hơn hạn ngạch có thể bán phần hạn mức khí thải không dùng hết cho các công ty khác. Số thu ngân sách nhà nước từ chính sách hạn ngạch khí thải sẽ được sử dụng khoảng 19% để chi tiêu cho các chương trình chuyển đổi từ năng lượng hoá thạch sang năng lượng tái tạo của Hoa Kỳ.

Hiện nay, hầu hết các hoạt động về tài chính bền vững trên thế giới vẫn chủ yếu tập trung ở các nền kinh tế tiên tiến. Tuy nhiên, năm 2021 vừa qua, vấn đề tài chính bền vững đã lan đến các quốc gia mới nổi, điều này cho thấy sức hút của tài chính bền vững kết hợp với các nguyên tắc về môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Đây cũng là cơ hội quan trọng để các thị trường mới nổi tiếp cận các nguồn tài trợ ổn định hơn và phát triển một hệ sinh thái tài chính bền vững rộng lớn và trưởng thành hơn. Trong đó, trái phiếu xanh vẫn là một phần cốt lõi với khối lượng phát triển với tốc độ trung bình là 20%.

Xu hướng phát triển trái phiếu xanh

Trái phiếu xanh (TPX) là loại trái phiếu trong đó nguồn vốn thu được từ phát hành TPX sẽ chỉ được sử đụng để tài trợ hoặc tái cấp vốn, một phần hoặc toàn bộ, cho các dự án xanh mới và/hoặc có sẵn đủ điều kiện về tiêu chí xanh với 4 thành phần cốt lõi của Bộ Nguyên tắc phát hành và sử dụng nguồn thu từ TPX (Green Bond Principles – GBP).

Hiện tại, TPX đã được phát hành ở hơn 30 quốc gia, trong đó thị trường lớn nhất là Mỹ, Canada, Pháp, Anh và Trung Quốc, tập trung vào các ngành có liên quan đến giảm thiểu biến đổi khí hậu, thích ứng với biến đổi khí hậu, giao thông vận tải, năng lượng, tái chế, xây dựng và xử lý nước, rác thải.

Trên thế giới, TPX đang được coi là phương tiện hữu hiệu huy động vốn từ khu vực tư nhân cho các dự án có lợi ích về môi trường và xã hội. Việc phát hành TPX đang là xu hướng toàn cầu với sự tham gia của các định chế tài chính quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)... và được xem là kênh huy động vốn quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho tăng trưởng bền vững.

Năm 2021 là năm rất sôi động với thị trường TPX sau 1 năm ảnh hưởng bởi dịch C O V I D - 19. Theo báo cáo của Climate Bonds năm 2022, khối lượng TPX phát hành mới trong năm 2021 đã đạt 517,4 tỷ USD, trong đó riêng tháng 9/2021 đã phát hành mới 75 tỷ USD. Tổng khối lượng này cao hơn 85% so với năm trước đó. Các chuyên gia cũng đánh giá mốc 1 nghìn tỷ USD sản phẩm xanh được phát hành mới trong năm sẽ bị phá vỡ trong năm 2022.

McKinsey cho rằng, nếu muốn đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (net-zero) vào năm 2050 thì cần phải chi khoảng 9 nghìn tỷ USD vào đầu tư xanh. Con số này cao hơn một số đánh giá khác nhưng đâu cũng có thể là mốc tham khảo để so sánh mức đầu tư hiện tại.

Giám đốc điều hành Climate Bonds, Sean Kidney, đã đưa ra con số kỳ vọng dự kiến về phát hành TPX hàng năm lên tới 5 nghìn tỷ USD vào năm 2025 để các chính phủ, các nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư nỗ lực để đạt được các mục tiêu về khí hậu toàn cầu. Con số này kết hợp với dòng vốn chủ sở hữu và khoản chi đầu tư xanh, con số McKinsey đưa ra có thể hoàn toàn ở trong tầm tay.

Nỗ lực đưa trái phiếu xanh đến các doanh nghiệp Việt Nam

Tại Việt Nam, trong bối cảnh phục hồi hậu COVID-19, rất cần phải chú trọng đến việc xây dựng một nền kinh tế bền vững và bao trùm hơn, có khả năng chống lại tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai. Do đó, TPX sẽ giúp mở ra kênh huy động vốn mới cho các dự án đầu tư dài hạn trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và năng lượng tái tạo vốn chưa được các sản phẩm tài chính truyền thống đáp ứng đầy đủ.

Hiện tại, nắm bắt được xu hướng toàn cầu cũng như hiểu được nhu cầu vốn cho phát triển các dự án xanh, đặc biệt là dự án năng lượng tái tạo rất lớn, trong Chiến lược và kế hoạch hành động cho thị trường vốn xanh - phát triển bền vững giai đoạn 2021-2030, Chính phủ cũng đã nêu ưu tiên đẩy mạnh tăng trưởng bền vững, đẩy mạnh các sản phẩm tài chính xanh, trong đó có TPX là tất yếu.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), TPX, trái phiếu xã hội hay trái phiếu bền vững là những khái niệm tương đối mới ở Việt Nam. Tương tự như việc phát hành trái phiếu thông thường, doanh nghiệp cần tôn trọng các chuẩn mực và quy trình phát hành. Để gọi vốn thành công từ TPX, doanh nghiệp cần hiểu rõ hướng dẫn về cách thức phát hành, cách quản lý dòng tiền, nguồn vốn cho các dự án xanh, đặc biệt là việc công bố thông tin về môi trường, xã hội của doanh nghiệp một cách minh bạch.

Căn cứ Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có Quyết định số 2183/QĐ-BTC ngày 20/10/2015 ban hành Kế hoạch hành động của ngành Tài chính thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020. Theo Quyết định, việc xây dựng, hoàn thiện khung chính sách tài chính, nhằm phát triển thị trường vốn xanh và các sản phẩm tài chính xanh, bao gồm: Thiết lập khung tài chính xanh cho các hoạt động trên thị trường vốn như ban hành các quy định, điều kiện khi niêm yết cổ phiếu (niêm yết xanh), báo cáo (trong báo cáo bền vững) và giám sát (theo các tiêu chí tài chính xanh); huy động vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh thông qua thị trường vốn cho các doanh nghiệp, dự án và sản phẩm xanh, niêm yết, phát hành TPX cho các dự án, chương trình và lĩnh vực xanh...

Từ góc độ cơ quan quản lý, UBCKNN cũng đã triển khai nhiều hoạt động về nâng cao năng lực cho các bên tham gia thị trường liên quan đến các báo cáo bền vững kể từ 2012 thông qua việc Ban hành hướng dẫn về Báo cáo Bền vững (2012); và thường xuyên cập nhật những tiêu chí, nguyên tắc và những yêu cầu bắt buộc về công bố thông tin, đồng thời nâng cao nhận thức về phát triển bền vững cho toàn thị trường thông qua các chương trình đào tạo dành cho cả cán bộ của cơ quan quản lý và nhà đầu tư có tổ chức bao gồm các quỹ hưu trí, các công ty bảo hiểm về việc tham gia vào thị trường TPX, các tiêu chí phân loại xanh.

Không chỉ vậy, là thành viên của Diễn đàn Thị trường vốn ASEAN (ACMF), UBCKNN đã tích cực tham gia thúc đẩy các Tiêu chuẩn TPX ASEAN (AGBS), Tiêu chuẩn Trái phiếu xã hội ASEAN (ASBS) và Tiêu chuẩn Trái phiếu bền vững ASEAN (ASUS), dựa trên các Nguyên tắc TPX, Nguyên tắc Trái phiếu Xã hội và Hướng dẫn về Trái phiếu bền vững của Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA), nhằm tạo ra một loại tài sản bền vững ở Việt Nam.

Năm 2020, UBCKNN với vai trò Chủ tọa Diễn đàn Diễn đàn Thị trường vốn ASEAN (ACMF) đã cùng các thành viên nhất trí ưu tiên phát triển sôi động và theo hướng mở hệ sinh thái thị trường vốn ASEAN, tạo điều kiện thuận lợi và huy động vốn của khu vực tư nhân để tài trợ cho các dự án bền vững. ACMF đã phát triển Lộ trình thị trường vốn bền vững ASEAN để hiện thực hóa vai trò này.

Năm 2021, UBCKNN hợp tác với Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC và Sáng kiến Trái phiếu Khí hậu, với sự hỗ trợ của Cục Kinh tế Liên bang Thuỵ Sĩ, đã cho ra mắt cuốn Sổ tay “Hướng dẫn TPX, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững” nhằm hướng dẫn các tổ chức phát hành và các thành viên thị trường áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực ASEAN cũng như các quy định của Việt Nam về TPX, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững. Hướng dẫn này là công cụ hữu ích hỗ trợ việc huy động các nguồn lực từ thị trường vốn trong nước và quốc tế cho các dự án bền vững và thân thiện với môi trường - xã hội nhằm hỗ trợ các Mục tiêu Phát triển Bền vững và Hiệp định khí hậu Paris 2015.

Theo trang thông tin điện tử Tổng hợp của Ban Kinh tế Trung ương, tại Việt Nam, đến đầu năm 2021, TPX có quy mô phát hành ở mức 284 triệu USD và phần lớn nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu được sử dụng cho năng lượng tái tạo - ngành chính được các bên liên quan của Việt Nam quan tâm, cùng với ngành chất thải và nông nghiệp.

Giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam

Vào thời điểm hiện tại, tổng thể thị trường TPX ở Việt Nam vẫn còn đang ở giai đoạn đầu phát triển, quy mô, loại hình và nền tảng cung, cầu TPX đều chưa chắc chắn, nhiều tổ chức phát hành vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc huy động vốn qua kênh phát hành TPX hoặc chưa chú ý đầu tư có trách nhiệm vào các sản phẩm, dự án có tính bền vững; Hệ thống pháp lý cho việc phát hành và đầu tư TPX còn mỏng, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Mặc dù đã có chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong dài hạn nhưng các bộ, nghành vẫn đang chờ đợi một chiến lược phát triển kinh tế xanh một cách đồng bộ, trong đó chỉ rõ những lĩnh vực, những ngành, sản phẩm cần phải xanh hóa và lộ trình triển khai thực hiện một cách bài bản và chuyên nghiệp.

Việt Nam là một trong những quốc gia có khả năng phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19, cùng với sự ra đời của Luật Chứng khoán 2019 củng cố mạnh hơn khung pháp lý quốc gia về thị trường chứng khoán cũng như chính sách cởi mở, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thị thường Việt Nam vẫn có nhiều tiềm năng về thu hút các nhà đầu tư quốc tế và trong khu vực trong thời gian tới.

Trên cơ sở đánh giá tiềm năng phát triển thị trường tài chính, tiềm năng phát triển thị trường TPX, định hướng phát triển thị trường TPX tại Việt Nam, nhiều nhóm giải pháp được đề xuất thúc đẩy phát triển thị trường TPX đến năm 2030 nhằm phục vụ mục tiêu huy động vốn cho phát triển kinh tế và tăng trưởng bền vững, phát triển các sản phẩm tài chính xanh, cụ thể:

Thứ nhất, ràsoát, bổsung vàhoàn thiện cơ sởpháp lý, khung khổ chính sách và cơ chế quản lý thị trường đối với thịtrường tài chính nói chung vàthịtrường TPX nói riêng.

Thứ hai, phát triển cơ sở hạ tầng và định chế trung gian của thị trường theo hướng hiện đại, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thứ ba, tăng cường hoạt động phát hành trái phiếu chính phủ xanh và trái phiếu doanh nghiệp xanh.

Thứ tư, thúc đẩy đầu tư, giao dịch TPX dựa trên phát triển cơ sở nhà đầu tư, tập trung vào các doanh nghiệp bảo hiểm, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, quỹ đầu tư và các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ năm, áp dụng các chính sách ưu đãi thuế, phí cho phát hành và đầu tư TPX như miễn giảm thuế liên quan đến lợi tức thu được từ đầu tư TPX.

Thứ sáu, phát triển thị trường trái phiếu nói chung, để hỗ trợ phát triển thị trường TPX như đẩy mạnh cơ cấu lại cơ sở nhà đầu tư, đa dạng hóa các sản phẩm ở thị trường sơ cấp, thị trường thứ cấp, thúc đẩy cả về cung và cầu TPX, hoàn thiện cơ chế minh bạch thông tin liên quan đến phát hành và giải ngân nguồn vốn từ phát hành TPX.

Tài liệu tham khảo:

1. UBCKNN, Sổ tay “Hướng dẫn phát hành cho TPX, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững”;

2. Nguyễn Quang Huy, “TPX - công cụ sáng tạo của thị trường tài chính thế giới vđề xuất một sốchnh sch đối với Việt Nam”;

3. $500bn Green Issuance 2021: social and sustainable acceleration: Annual green $1tn in sight: Market expansion forecasts for 2022 and 2025;

4. https://www.climatebonds.net/2022/01/500bn-green-issuance-2021- social-and-sustainable-acceleration-annual-green-1tn-sight-market;

5. Green Bonds make more cent? International Experiences and Policy Implications For Vietnam – The Government of the Grand Duchy of Luxembourg & GGGI.

* Nguyễn Thanh Thuỷ, Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

** Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 7/2022